Theo thầy Lê Văn Chương – Chuyên viên bộ môn lịch sử Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM), học sử là phải nhớ sự kiện, nắm kiến thức từng chương từng phần. Do đặc thù bộ môn nên học sinh phải học thuộc bài, nhớ kỹ nội dung. Không thuộc bài thì không thể nào làm bài được. Ví dụ như nắm sự kiện thì phải nhớ ngày tháng xảy ra sự kiện, diễn biến và nguyên nhân của sự kiện lịch sử đó. Kiến thức của lịch sử là kiến thức của quá khứ không thể sai lệch được.
Cấu trúc đề thi môn lịch sử của hệ GDTX trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT thường có 3 câu. Hai câu đầu, nếu làm đúng theo đáp án được 3 điểm; riêng câu 3 thường là 4 điểm. Trong 3 câu đó, độ khó không giống nhau và tùy thuộc vào từng em – câu nào dễ và thuộc thì làm trước. Thi tốt nghiệp không bao giờ được học tủ nhưng không phải gặp gì học nấy, như vậy thiếu tính khoa học và hệ thống. Hậu quả là mất thời gian, thuộc bài nhưng chưa hẳn đã nhớ lâu và khó vận dụng khi làm bài thi. Nên chọn các kiến thức trọng tâm học trước theo phương pháp hệ thống hóa kiến thức một cách đại cương. Trong quá trình học nên chú ý những bài có tính thời sự, gắn với tình hình chính trị đang xảy ra trong nước và trên thế giới.
Lịch sử các nước trên thế giới thường khó “vẽ sơ đồ” vì không liên quan mật thiết với nhau nhưng lịch sử Việt Nam là một chuỗi hệ thống có tính liên kết với nhau nên hệ thống hóa không phải là chuyện khó. Học từng bài thì xem thử bài đó có bao nhiêu ý lớn cần phải trình bày và các ý nhỏ làm sáng tỏ các luận điểm.
Khi đứng trước một đề bài thí sinh nên đọc kỹ yêu cầu và hướng giải quyết của đề ra chứ không nên có thói quen “nhắm mắt làm liền” vì có thể xảy ra tình trạng hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo yêu cầu của người ra đề. Chú ý một số từ ngữ quan trọng quyết định yêu cầu của đề, hướng giải quyết của bài làm. Ví dụ các từ: Phòng ngự, tấn công, thỏa ước, cách mạng Việt Nam, cách mạng miền Nam… Nếu bị lầm lẫn từ ngữ sẽ dẫn đến cách hiểu sai mà hiểu sai thì làm bài cũng sai luôn. Ngoài phần sử như nhớ sự kiện, thuộc diễn biến còn có phần luận như đánh giá, nhận xét, nêu thực trạng, tình hình và cả bình luận vấn đề, sự kiện… Cần vận dụng tốt các thao tác so sánh, phân tích, bác bỏ và tổng hợp.
P.N.Q (ghi)
Bình luận (0)