LTS: Để giúp thí sinh có định hướng tốt trong việc ôn thi ở thời kỳ nước rút này, kể từ số báo ra ngày hôm nay toà soạn sẽ khởi đăng lời khuyên dành cho các sĩ tử của những giáo viên phổ thông có nhiều uy tín trong việc giúp thí sinh ôn thi ĐH.
Môn địa lý
Nắm vững kiến thức, thí sinh sẽ tự tin hơn khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồng Vĩnh
|
Thầy Nguyễn Sĩ Nam, GV trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An):
Nắm chắc sách giáo khoa là có thể đạt 6 – 7 điểm
Môn địa lý đòi hỏi đồng thời hai yếu tố: kiến thức và kỹ năng. Trong đó, số điểm dành cho phần kỹ năng chiếm tới 1/3 tổng điểm của một bài thi. Tôi nhận thấy điểm thi học sinh lớp 12 C3 của trường chúng tôi khóa vừa rồi cao chính là nhờ các em rất khá phần kỹ năng.
Về cơ bản, môn địa lý có bốn kỹ năng: vẽ bản đồ, vẽ biểu đồ, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu. Các kỹ năng vẽ biểu đồ và nhận xét biểu đồ được sử dụng nhiều hơn cả trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH gần đây.
Trong quá trình giảng dạy, bao giờ tôi cũng lưu ý học sinh của mình rằng, các tác giả ra đề lấy sách giáo khoa làm nền. Do đó, để làm bài tốt môn địa lý, các em cần khai thác hết ý trong sách giáo khoa. Chỉ cần nắm chắc sách giáo khoa, các em đã có thể làm bài đạt 6 – 7 điểm.
Số điểm còn lại nằm ở đâu? Xin thưa, đó chính là trong các câu hỏi lý giải vì sao, tại sao. Để lý giải vì sao, tại sao, từ các dữ liệu có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh biết phân tích, biết giải thích, biết so sánh… để đưa ra câu trả lời chính xác.
Trước đây, tôi băn khoăn tại sao chính học sinh của tôi ở trường chuyên tỉnh đi thi chỉ được tám điểm trong khi học sinh học ở trường quê được chín điểm. Hoặc có những học sinh hiểu bài rất nhanh, học trên lớp thầy hỏi đến đâu trả lời được đến đấy nhưng, khi đi thi, thì điểm không cao. Sau một quá trình theo dõi, tôi phát hiện ra các em điểm không cao thường mắc lỗi trình bày, lỗi diễn đạt. Kiến thức các em có nhưng trả lời hoặc không đúng trọng tâm, hoặc ôm đồm, không chọn lọc.
Môn lịch sử
Cô Nguyễn Thị Mai Chi, GV trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An):
Cần cù bù thông minh
Một khi đã chọn thi khối C, thí sinh cần xác định, những môn học trong khối thi của mình đòi hỏi sự chăm chỉ, chuyên cần cao. Đặc biệt môn lịch sử là môn học dành ưu thế cho những ai chịu khó và rất đúng với những câu ngạn ngữ, năng nhặt chặt bị, cần cù bù thông minh.
Để học tốt một môn học, tâm lý của người học rất quan trọng. Nếu học sinh có tâm lý chủ động thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn so với phải học. Khi đã chủ động rồi, các em sẽ dễ có cảm giác yêu thích. Từ yêu thích đến chăm chỉ chỉ còn một bước ngắn.
Nhiều em cho rằng lịch sử là môn học thuộc. Kỳ thực, có hiểu sử mới làm được bài thi môn sử tốt. Sở dĩ nhiều học sinh ở lớp 12 C3 năm ngoái mà tôi dạy, các em rất chủ động trong việc chuẩn bị để sẵn sàng hiểu sử. Bao giờ trước giờ học, các em không chỉ thuộc bài cũ mà còn đọc trước bài mới. Khi giáo viên bắt đầu tiết học, các em đã có sẵn phông kiến thức của bài. Thời gian giảng bài của cô chỉ còn là quá trình khắc sâu vào trí nhớ của các em lô gic vấn đề của bài học.
Với môn sử, nội dung trong sách giáo khoa là những kiến thức cơ bản. Nhưng để hiểu sâu đến mức độ nhớ lâu các kiến thức này, các em không chỉ học trong sách giáo khoa mà cần đọc thêm một số tài liệu liên quan tới chuyên đề, giai đoạn mà mình được học. Vì thế, khi ghi bài trên lớp, tôi hướng dẫn các em chỉ ghi nửa trang vở (theo chiều dọc).
Nửa còn lại dành cho các em tự ghi trong quá trình tìm hiểu thêm vấn đề từ các tài liệu tham khảo. Nhờ cách học mà quá trình tự học là một phần thiết yếu trong việc hoàn thiện kiến thức môn học của mình, học sinh hiểu và nhớ vấn đề được lâu.
Theo tôi, hiện nay nguồn lực chất lượng cao các ngành xã hội, nhân văn rất thiếu. Do đó, nếu học sinh nào tự cảm thấy phù hợp với khối học này nên có niềm tin để yên tâm theo đuổi, từ đó đạt được kết quả cao trong học tập cũng như trong các kỳ thi.
Quý Hiên (TPO)
Bình luận (0)