Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi thế nào để đạt kết quả cao?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc ôn tập cho HS cần tập trung vào các dạng kiến thức chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Ở mỗi khối lớp cuối bậc học, từ tiểu học đến THPT (lớp 5, lớp 9 và lớp 12), HS luôn chịu áp lực thi cử cao hơn các khối lớp khác vì các em phải thi để chuyển sang một bậc học cao hơn, đề thi bao hàm cả một quá trình của một bậc học mà các em được học sau nhiều năm.
Ôn thi thế nào để các em đạt kết quả cao? Đó mới là vấn đề mà các thầy cô, phụ huynh quan tâm để các em vững tin trước mùa thi.
Phân loại kiến thức
Có thể nói, mỗi môn học đều có đặc trưng riêng, cách học riêng để HS có thể nắm kiến thức. Chẳng hạn, đối với các môn tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh), ngoài việc nắm vững công thức, quy tắc thì việc rèn luyện nhiều các bài tập từ đơn giản đến nâng cao sẽ giúp các em nắm dạng, tự phân loại kiến thức đó thuộc dạng nào. Và từ lí thuyết đã học, các em dễ dàng phân định ranh giới giữa công thức chuẩn và công thức biến hóa của dạng nâng cao. Các em phải được rèn luyện và tự rút ra được sự khác nhau, hay mối liên quan giữa các dạng tương đương. Hoặc khi các em cần ôn tập lại các dạng bài bình luận văn học thì phải nắm được cách thức tiến hành của dạng bài này. Từ lí thuyết, trên cơ sở giáo viên hướng dẫn, gợi mở theo từng ý, các em sẽ phân tích và bình luận theo suy nghĩ và cách diễn đạt riêng của mỗi em. Tuyệt đối không “ép” các em bằng các bài bình văn đã có sẵn hay giáo viên tự soạn để yêu cầu các em học thuộc lòng. Như vậy, các em đã không được phát triển về môn học này theo sự phát triển tự nhiên mà vô hình trung thầy cô đã biến HS thành những “con sáo” biết nói, chỉ biết học theo mà không biết thể hiện theo suy nghĩ của chính mình. Việc làm này vẫn còn trong một số trường và tôi đã chứng kiến sự vất vả của các em khi phải học thuộc những áng văn dài lê thê mà trong đầu rỗng tuếch!
Các dạng bài cần đủ mức độ
Quá trình ôn tập là một hình thức củng cố, khắc sâu kiến thức sau một thời gian học tập. Vì vậy, việc ôn tập cần tập trung vào các dạng kiến thức chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu nhằm giúp các em HS nắm lại kiến thức đã học một cách chắc chắn hơn. Các dạng bài cần được giáo viên chú ý từ mức độ trung bình nâng dần lên mức độ khá, giỏi để các em không bị “ngộp” hay đuối sức khi phải thực hiện những bài quá tầm tay. Nếu cứ chăm chăm ôn những dạng bài khó thì chúng ta chỉ ôn cho một số ít HS có thể nắm và làm được, còn lại đa số HS khác sẽ thấy chán nản vì bài tập ôn quá tầm các em. Việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau: Các em cảm thấy tự ti và mặc cảm với bạn vì không làm được bài tập ôn. Các em sẽ quậy phá bạn vì ngồi rảnh, không biết làm gì. Hay cá biệt, các em sẽ trốn học khi phải đến trường với tiết học nào đó mà lượng kiến thức được thầy cô ôn quá tầm tay… Đó là một vấn đề cần được các thầy cô chú ý trong quá trình ôn tập cuối cấp sao cho cả lớp đều có thể làm được một số bài tập theo quy định chuẩn.
Việc ôn tập cho HS trong các kì thi cuối cấp là cần thiết và cần chú trọng với những phân tích ở trên. Bởi, HS học tập nhiều năm và tất cả đều có thể dồn về lần thi cuối cấp để đánh giá mặt bằng chung của các em trước khi được chuyển lên một bậc học mới. Nhưng ôn tập sao cho có hiệu quả là việc làm mà mỗi thầy cô cần quan tâm để kết quả của HS sau đợt thi chính là kết quả đánh giá cả một quá trình tiếp nhận kiến thức của các em từ thầy cô giáo.
Minh Duy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)