Về cơ bản, cấu trúc đề thi môn toán năm 2020 không thay đổi so với năm trước, gồm 50 câu, thời gian làm bài 90 phút. Với mức độ 70% nhận biết, thông hiểu và 30% vận dụng, vận dụng cao – tương đương 35 câu đầu kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu; từ câu 36 đến câu 50, kiến thức khá phức tạp là các dạng bài tập mang tính nâng cao. Để làm bài tốt, thí sinh phải phân bổ thời gian hợp lý cho các dạng bài.
Học sinh Trường THCS-THPT Trí Đức trong giờ học môn toán (ảnh minh họa). Ảnh: Q.Long
Tuy nhiên, một điều khác biệt trong cấu trúc đề thi năm nay là kiến thức chương trình học kỳ I lớp 12 chiếm đa số. Do đó, chỉ cần nắm vững phần kiến thức này, học sinh đã dễ dàng lấy điểm trên trung bình.
+ Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM): Nắm chắc kiến thức học kỳ I lớp 12: đạt 5 điểm
Căn cứ vào đề minh họa có thể thấy: Kiến thức lớp 11 chiếm 5 câu (10%) tương đương với 1 điểm, còn lại là kiến thức lớp 12. Cấu trúc mức độ kiến thức trong đề (50 câu hỏi) sẽ phân bố ở mức: Với chương trình lớp 11, kiến thức rơi trọng tâm vào các phần Tổ hợp xác suất, Dãy số, Vectơ trong không gian, Quan hệ vuông góc trong không gian… Các dạng bài tập ở phần này cũng dừng ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp. Trong khi đó, với chương trình lớp 12, kiến thức sẽ xoáy sâu vào học kỳ I (chiếm gần 6 điểm), các câu hỏi mang tính phân loại, vận dụng, vận dụng cao đều rơi vào học kỳ này. Trong đó, phần Giải tích sẽ tập trung vào các nội dung từ chương I đến chương IV: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số; Hàm số lũy thừa, Hàm số mũ, Hàm số lôgarit; Nguyên hàm, tích phân, ứng dụng; Số phức. Ở phần Giải tích, mức độ kiến thức trải đều từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Các câu hỏi mang tính phân loại thí sinh thường gặp ở chương I, II, III. Đối với phần Hình học lớp 12, các nội dung cần chú trọng là Khối đa diện; Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu; Phương pháp tọa độ trong không gian. Trong đó, các câu hỏi khó mang tính phân loại thí sinh thường gặp ở phần Khối đa diện và Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu.
Từ ma trận trong đề minh họa, khi ôn tập, các em cần tập trung sâu hơn vào chương trình học kỳ I của lớp 12. Chỉ cần nắm vững các phần kiến thức học kỳ I, làm thành thạo nhiều dạng bài trong phần này là các em đã có thể dễ dàng lấy điểm 5. Với những em muốn đạt điểm cao thì cần phân bổ thời gian hợp lý trong quá trình ôn tập, rèn luyện thêm nhiều dạng đề. Đặc biệt là không chủ quan với những câu dễ để tránh mất điểm.
+ Thầy Lê Thái Dương (giáo viên môn toán Trường THCS-THPT Trí Đức, TP.HCM): Sai lầm thường gặp nhất là không đọc kỹ đề
Trong cấu trúc đề thi môn toán năm nay, kiến thức lớp 11 sẽ có khoảng 5 câu, chủ yếu rơi vào 3 chương: Tổ hợp xác suất; Cấp số cộng, cấp số nhân; Hình học không gian. Trong đó, ở phần Tổ hợp xác suất, các em cần nắm những kiến thức cơ bản như các quy tắc đếm, tổ hợp, chỉnh hợp, xác suất. Đặt biệt, phần xác suất bài tập thường ở mức vận dụng nên đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức xác suất, ví dụ như tìm không gian mẫu hay tìm số phần tử biến cố. Ở nội dung tiếp theo là Cấp số cộng và cấp số nhân, kiến thức phần này trong đề thi sẽ ở mức độ thông hiểu, nhận biết. Vì vậy, phần này các em cần nắm vững công thức, định nghĩa, nắm tổng của một cấp số cộng, cấp số nhân. Với phần Hình học không gian lớp 11, đây là phần kiến thức khá khó, đa số các em thường gặp khó khăn khi làm những dạng bài tập liên quan đến kiến thức này. Trong đề thi, dạng kiến thức này cũng ở mức vận dụng. Do đó, để làm được bài tập trong phần này, trước hết các em cần nắm vững kiến thức cơ bản, nắm được phương pháp giải bài tập, hiểu được tính chất hình, nắm thật vững những kiến thức của hình học không gian. Cần biết được phương pháp xác định góc giữa đường thẳng với mặt phẳng, xác định góc giữa hai mặt phẳng, tính khoảng cách từ điểm tới mặt, tính khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau. Riêng phần tính khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau cũng là kiến thức được nhắc đến trong đề tham khảo – đa số các em bị yếu phần này, vì kiến thức rơi vào cuối học kỳ II lớp 11 nên có chủ quan, lơ là. Vì vậy, khi ôn tập, các em cần chú ý hơn, không loại trừ những kiến thức này.
Với chương trình lớp 12, căn cứ vào đề tham khảo có thể thấy kiến thức học kỳ I chiếm đa số, trong đó chủ yếu rơi vào chương I phần Khảo sát hàm số. Chỉ tính riêng chương này, số câu hỏi trong đề thi đã chiếm tới 13/50 – một tỷ lệ rất lớn, với nhiều dạng bài tập khác nhau, trải đều ở tất cả các mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Để làm tốt phần này, khi ôn tập, đòi hỏi các em phải ôn thật kỹ từng dạng bài, hiểu từng dạng bài liên quan, từ đồng biến, nghịch biến đến cực trị, giá trị lớn nhất… Phần câu hỏi vận dụng, vận dụng cao ở chương này thường nằm trong phần kiến thức Tính đơn điệu của hàm số, Cực trị, Giá trị lớn nhất, Giá trị nhỏ nhất. Để đạt điểm cao ở chương này, các em phải có sự rèn luyện tốt, làm nhiều bài tập đồng thời tiếp cận thêm một số chuyên đề nâng cao trong phần này. Các chương còn lại của học kỳ I số câu hỏi chỉ ở mức tương đối, không nhiều, trải đều từ nhận biết đến vận dụng cao; tuy nhiên tỷ lệ không cao. Với những chương này, các em cần nắm kiến thức cơ bản và luyện thêm các dạng bài tập. Trong khi đó, phần kiến thức học kỳ II, nội dung chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Kiến thức xoay quanh các chương: Số phức và Hình học tọa độ OXYZ. Riêng chương Nguyên hàm và tích phân, cũng sẽ có một số câu rơi vào mức độ nhận biết, thông hiểu. Điều các em cần lưu ý là căn cứ theo nội dung tinh giản học kỳ II của Bộ GD-ĐT, sẽ có một số phần kiến thức trong học kỳ này không còn nằm trong chương trình nữa mà học sinh sẽ tự học, tự đọc. Do đó, các em chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản mà thầy cô hướng dẫn, nắm vững nội dung cơ bản trong SGK là đã có thể làm được bài trong học kỳ II. Đối với phần kiến thức tinh giản, khuyến khích học sinh tự học, tự mở rộng kiến thức, tuy nhiên với những em muốn đạt điểm cao thì phải luôn tự học, tự rèn luyện bao gồm cả những phần kiến thức nằm trong chương trình tinh giản. Với phần Hình học không gian lớp 12, tương tự như Hình học không gian lớp 11, đây cũng là phần kiến thức mà các em thường “gãy” nhất. Bài tập trong phần này cũng mang tính vận dụng cao, phân loại thí sinh. Khi ôn tập trong phần này, các em cần chú ý: Nắm nền tảng kiến thức hình học không gian lớp 11 vì hình học không gian lớp 12 chỉ là phát triển từ kiến thức lớp 11. Các khái niệm, tính chất và các dạng bài như quan hệ vuông góc, khoảng cách, phương pháp xác định góc…
Sai lầm mà thí sinh thường gặp nhất khi làm bài môn toán là không đọc kỹ đề. Việc không đọc kỹ đề, hấp tấp khi làm bài có thể dẫn đến tình trạng: ngay cả những phần kiến thức đơn giản nhất cũng bị sai, mất điểm. Vì vậy, để làm tốt bài thi môn toán, trước hết các em phải cẩn thận khi làm bài, cẩn trọng đọc đề, phân tích đề thật kỹ, những phần kiến thức quan trọng có thể gạch chân, khoanh tròn để làm nổi bật nội dung, tránh mất kiến thức cơ bản. Khi làm bài nên làm từ những câu dễ trước, câu khó sau, câu nào chưa chắc chắn thì đánh dấu lại hoàn thành sau, câu nào biết nên hoàn thành trước, có sự phân bố thời gian hợp lý ở những mức độ kiến thức khác nhau. Trong thời gian tự học ở nhà, các em cần nắm những kiến thức cơ bản, tự giác tìm hiểu thêm các chuyên đề và tìm thêm các dạng đề mẫu bám sát đề minh họa để tiếp cận, nâng cao mức độ và tập làm quen với thi cử.
Đ.Yến (ghi)
Bình luận (0)