Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi tốt nghiệp: SGK một đằng, Hướng dẫn một nẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Bộ GD – ĐT ban hành "Hướng dẫn ôn tập bộ môn Toán năm 2009 " ngày 27/3, nhiều giáo viên cho biết, kiến thức ôn tập theo hướng dẫn này có nhiều điểm không trùng  khớp với kiến thức trong SGK cơ bản và cuốn hướng dẫn ban hành trước đó. 
Môn Toán: Không được học, vẫn phải thi?
Trong cuốn Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2008 – 2009, bộ môn Toán của NXB Giáo dục ghi rõ: Tìm điểm uốn của một hàm số (trang 10) và tiếp tuyến đi qua 1 điểm cho trước (trang 11) bằng chữ in nghiêng và tô đậm. Thế nhưng trong cuốn Hướng dẫn ban hành ngày 27/3, các dòng chữ này lại in bình thường với các dòng chữ khác.
Phần in nghiêng, tô đậm dành cho học sinh ban nâng cao trong Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2008 – 2009 bộ môn Toán của NXB Giáo dục. Ảnh: Minh Quyên
Theo quy ước, những phần in nghiêng và tô đậm là kiến thức dành cho học sinh ban nâng cao. Như vậy, nếu theo Hướng dẫn ban hành ngày 27/3 thì học sinh ban cơ bản cũng phải thi những nội dung này. 
Hướng dẫn còn ghi rõ: Trong chương trình “Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số, yêu cầu mọi học sinh đều học kiến thức về điểm uốn”. 
“SGK cơ bản làm gì có phần về điểm uốn, mà chỉ có trong bài đọc thêm” – thầy Bùi Thiên Thọ, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Mạc Đĩnh Chi sửng sốt. 
Ông Quách Tú Chương, chuyên viên bộ môn Toán, Sở GD – ĐT TP.HCM  cho rằng, các giáo viên nên bám theo SGK để ôn tập cho học sinh.
“Bám theo SGK và theo cấu trúc đề thi của cục khảo thí là tốt nhất. Hướng dẫn này ghi như vậy là không hợp lý lắm nên sớm hay muộn Bộ GD – ĐT cũng sẽ điều chỉnh lại thôi” – thầy Thọ nói thêm. 
Hướng dẫn ôn tập bộ môn Toán năm 2009 ngày 27/3 khác hẳn với Hướng dẫn trên. Ảnh: Minh Quyên
Còn thầy Trương Tú Hải, Tổ trưởng tổ Toán, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa  thì cẩn thận hơn khi đưa ra ví dụ: “thông thường, giáo viên dạy học sinh dùng công thức để tìm toạ độ trọng tâm tam giác, nhưng trong SGK cơ bản và SGK nâng cao đều không có công thức này. Vì thế, ngoài công thức cũng cần dạy cho học sinh cách tự trình bày lập luận để đưa đến công thức này”.
Ông Quách Tú Chương cũng cho biết thêm, cấu trúc đề thi năm nay sẽ là 7 điểm cho phần thi chung và 3 điểm cho phần thi riêng. Đối với những học sinh nâng cao ban A, học sinh chọn phần nâng cao đối với môn tự nhiên, phần cơ bản đối với các môn xã hội. Riêng học sinh ban cơ bản có chọn môn học nâng cao có thể chọn phần nâng cao hoặc cơ bản để làm bài thi. “Những học sinh ban cơ bản chọn môn học nâng cao là sướng nhất”, ông Chương nhận xét. 
Tuy nhiên, thầy Huỳnh Công Dũng, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Gò Vấp băn khoăn: “học sinh ban cơ bản chọn học môn nâng cao khi đi thi chọn phần cơ bản để làm bài nhưng lại giải theo chương trình nâng cao thì có được tính điểm hay không?” 
Môn Địa lý: Phải học nhiều, lại dễ…  mất điểm
Ông Mai Phú Thanh, chuyên viên bộ môn Địa lý, Sở GD – ĐT cho rằng, đề thi năm nay có đến 3 điểm bất lợi cho học sinh. 
Cấu trúc đề thi năm nay bỏ hẳn 5 điểm phần kỹ năng, thay vào đó, phần thi kỹ năng được lồng ghép vào các câu học bài. Còn cấu trúc đề thi  thì chỉ có phần chung và phần riêng, không có quyền lựa chọn đề như trước. Bên cạnh đó, các câu hỏi lớn sẽ được chia thành nhiều câu hỏi nhỏ. 
“Tôi e là học sinh sẽ để lộ điểm yếu của mình khi đã quen học bài theo kiểu câu hỏi lớn. Câu hỏi phân tán, trải dài, học sinh sẽ không đủ sức bền” – ông Thanh lo ngại. 
Thực tế, khi thí điểm dạng thi tốt nghiệp này ở kì thi học sinh giỏi lớp 12  môn Địa lý cấp thành phố vừa qua, chỉ có 26% học sinh đủ điểm đỗ tú tài. 
“Chương trình năm nay nặng quá, có đến 160 câu hỏi nhỏ nằm ở các bài cho học sinh ôn tập. Sợ là học sinh theo không nổi. Năm nay, chắc học sinh không dám “nhờ” môn Địa lý kéo điểm rồi” – cô Ánh Nguyệt, giáo viên Địa lý Trường THPT Hùng Vương, Q.5 nhận định. 
Như vậy, với cấu trúc đề thi môn Địa lý năm nay, học sinh sẽ phải học nhiều hơn nhưng lại dễ dàng mất điểm. Chỉ cần sơ suất mất đi 0,5 điểm ở mỗi câu, thì học sinh có thể mất tới 2,5 điểm  với 10 câu của toàn bài thi. 
Ngoài ra, còn một số kiến thức trong SKG bị thiếu, giáo viên phải bổ sung như : Tân kiến tạo đang tiếp diễn, Nguyên nhân chuyển dịch cơ cấu theo ngành ở đồng bằng sông Cửu Long, Vai trò ngành giao thông vận tải… 
Minh Quyên (Vietnamnet)

Bình luận (0)