Căn cứ theo đề tham khảo, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn ngữ văn không thay đổi so với mọi năm, đề gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (2 điểm), Nghị luận văn học (5 điểm). Để đạt điểm cao, học sinh (HS) cần chú ý kỹ năng, kiến thức trong từng dạng, cân đối thời gian làm bài hợp lý.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) ôn tập môn ngữ văn
Thầy Trần Văn Đúng (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1):
Cân đối thời gian để tránh “đầu voi đuôi chuột”
Với phần Đọc hiểu: Nhìn vào đề tham khảo có thể nhận thấy phần Đọc hiểu năm nay nhẹ hơn so với mọi năm khi không có câu xác định về biện pháp tu từ (đây là câu HS rất dễ mất điểm). Kiến thức tiếng Việt trong phần Đọc hiểu bao gồm biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, HS phải nắm vững các phần kiến thức này. Để làm tốt phần Đọc hiểu, các em cần nắm chắc kỹ năng trong từng phần dựa vào những dấu hiệu nhận biết và loại trừ. Câu vận dụng trong phần Đọc hiểu thường rơi vào câu số 4, để làm tốt các em nên trả lời thẳng vào vấn đề có luận điểm và luận cứ, không dài dòng. Có hai phần, phần đầu trả lời đồng tình hay không đồng tình, hoặc có khả năng vừa đồng tình và không đồng tình. Tuy nhiên, các em nên chọn một trong hai khả năng đầu để tránh mất thời gian và câu trả lời súc tích. Vừa bám vào văn bản, vừa thể hiện thêm ý kiến hiểu biết cá nhân thì sẽ có điểm tuyệt đối, song không kể dẫn chứng dài dòng, nếu có chỉ kể sơ qua, chủ yếu là tập trung vào luận cứ. Ở phần Đọc hiểu, HS hay quên yêu cầu của đề khi đề hỏi là theo văn bản/theo em. Cạnh đó, HS hay mất điểm khi không xác định được trọng tâm câu hỏi, hoặc trả lời quá dài hay trả lời không đủ ý. Các em nên trả lời cả nội dung và bao quát lên chủ đề để dễ ăn điểm hơn.
Với phần Nghị luận xã hội: Các em lưu ý chỉ viết một đoạn văn (có thụt lùi đầu dòng, không được xuống dòng), không được viết một bài văn thu nhỏ. Nếu trích thơ thì phải trích ngang không được trích dọc. Khi triển khai đoạn văn bài Nghị luận xã hội, các em phải giới thiệu được luận điểm (1-2 dòng), bám vào câu luận của đề thậm chí là trích dẫn nguyên văn các ý kiến, các cụm từ trong ngoặc kép. Sử dụng các thao tác lập luận như giải thích (nên có), phân tích, chứng minh…, các luận cứ đưa ra phải bám thật sát vào luận điểm để bài viết ngắn gọn, súc tích. Để đạt điểm cao phần này cần phải có dẫn chứng. Dẫn chứng ưu tiên lấy trong cuộc sống và có tính phổ quát, nhiều người biết, có thể độc đáo mới lạ. Nếu dẫn chứng cá nhân thì không được coi là dẫn chứng mà chỉ được coi là phương thức biểu đạt tự sự, HS vẫn sẽ mất điểm dẫn chứng, thậm chí là sa vào nói nhiều. Để có những dẫn chứng tiêu biểu đòi hỏi các em phải có thêm nhiều kiến thức xã hội. Sai lầm khiến HS hay mất điểm ở phần Nghị luận xã hội là viết nhiều nhưng luận cứ không nhiều. Do đó, lời khuyên ở đây là các em nên triển khai hết luận cứ mình biết. Khi viết đoạn văn, nên triển khai dao động trên dưới 20 dòng, không nên viết dài. Đặc biệt, khi viết Nghị luận xã hội, HS cần đưa ra giải pháp bài học nhận thức mang tính cá nhân. Các em cần ghi rõ việc làm cụ thể của bản thân mang yếu tố cá nhân (dù nhỏ), không diễn đạt chung chung.
Với phần Nghị luận văn học: Thông thường, đề bài thường trích văn bản, vì thế khi ôn tập, HS có thể tập trung ôn tập phần trích văn xuôi. Khi làm cần chú ý phạm vi của đề, xoáy sâu chủ yếu vào đoạn trích, dẫn chứng luận điểm cũng suy ra từ đoạn trích. Để làm tốt phần này, mỗi tác phẩm HS cần nắm được tác giả, phong cách, đặc điểm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, trọng tâm kiến thức, nội dung nghệ thuật chính toàn bài. Khi ôn tập thì các em nên ôn theo chuyên đề, chủ đề để dễ dàng liên hệ so sánh… Khi làm bài, các em cần chú ý xác định được luận đề của đề bài, sau đó phác thảo dàn ý đưa ra các luận cứ bám vào luận đề đó. Ở phần Nghị luận văn học, HS thường mắc sai lầm là sử dụng giọng kể hoặc diễn xuôi theo kiểu tóm tắt mở rộng, không đi sâu vào phân tích nhiều nên dù viết dài nhưng không có điểm cao, thậm chí dưới trung bình. Để đạt điểm, các em cần viết theo kiểu diễn dịch, đưa luận điểm lên trước, dẫn chứng từng luận điểm phải sát, có chọn lọc và phù hợp với luận cứ. Khi trích dẫn chứng phải trung thực. Nếu không thuộc nguyên văn thì có thể đưa một cụm từ chính xác… Dẫn chứng không nên quá nhiều, chỉ đưa vài dẫn chứng tiêu biểu. Để đạt được điểm cao, các em phải nắm chuẩn kiến thức và có cách biểu đạt. Một sai lầm khiến HS mất điểm ở phần này là không giới thiệu được luận đề, phạm vi bài làm do không đọc kỹ đề, quên không đánh giá nhận xét, mở rộng, không nêu và bình được nghệ thuật. Ngoài ra, các em thường không phân bố được thời gian dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, không nêu ra được những “vĩ thanh” trong phần kết bài, mở bài và kết bài khuôn sáo.
Cô Mai Thị Thủy Tiên (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức): Chọn dẫn chứng phải đúng, đắt và mới
Phần Đọc hiểu, đề có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi làm phần Đọc hiểu, HS nên gạch chân từ khóa của câu hỏi. Điều này giúp các em nhận thức trúng vấn đề và trình bày đúng trọng tâm. Các em nên trình bày theo đúng thứ tự câu hỏi, việc đảo lộn trật tự gây khó khăn cho người chấm, dễ bị sót điểm. Trả lời ngắn gọn, trúng trọng tâm nhưng không nên cụt lủn, trống không. Với các câu hỏi không yêu cầu viết đoạn, có thể trình bày bằng cách gạch đầu dòng hoặc viết đoạn, phân ý bằng các dấu câu, tránh gạch xóa.
Phần Nghị luận xã hội: Một đoạn văn Nghị luận xã hội đạt yêu cầu phải đảm bảo hai khía cạnh, đó là đảm bảo đúng cấu trúc của một đoạn văn, nghĩa là không được xuống dòng, không được tách thành hai, ba đoạn văn nhỏ. Đoạn văn cũng phải đảm bảo đủ ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Với yêu cầu đoạn văn khoảng 200 chữ, chỉ cần viết khoảng 2/3 trang giấy thi là được, không nên viết dài quá, vừa mất thời gian vừa bị trừ điểm. Khi viết, các em xác định đúng vấn đề cần nghị luận, tập trung bàn vào vấn đề đó, không cần khai thác quá nhiều luận điểm, bài sẽ lan man, chung chung. Nên viết theo bố cục: tổng – phân – hợp hoặc diễn dịch. Để làm tốt phần Nghị luận xã hội, HS cần có một sự hiểu biết nhất định về vấn đề đạo đức, lối sống hay những sự kiện, hiện tượng đang “nóng”, đang diễn ra hàng ngày… Có những hiểu biết đó các em mới bày tỏ quan điểm, thái độ, nhận định cũng như có đủ lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người khác. Để lập luận chặt chẽ, khi viết, các em nên sử dụng các yếu tố ngôn ngữ mang tính chuyển ý như thứ nhất, thứ hai, thứ ba; đầu tiên, tiếp theo, sau cùng; bởi vậy, bởi thế, cho nên… Chọn dẫn chứng phải đúng, đắt, mới, nêu ngắn gọn và có phân tích ở khía cạnh làm rõ vấn đề; dẫn câu danh ngôn, câu nói hay tạo tính triết lý cho đoạn văn.
Với phần Nghị luận văn học: Thường là nghị luận về một đoạn trích thơ; nghị luận về một đoạn trích/nhân vật/chi tiết/tình huống truyện…; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; nghị luận về một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học. Để đạt kết quả tốt nhất ở phần này, trong quá trình ôn tập, HS cần nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm (chủ yếu chương trình lớp 12), nắm ý chính và lập dàn ý cho mỗi bài. Rèn luyện kỹ năng so sánh, liên hệ. Có khả năng đánh giá, bình luận về vấn đề. Bài viết cần nêu được những nét cơ bản về tác giả (phong cách nghệ thuật, vị trí của tác giả trong nền văn học), tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, chủ đề…); mở bài phải nêu được ý chốt của câu lệnh; thân bài phải xác lập luận điểm đúng, đủ và cảm nhận làm rõ bằng lý lẽ và dẫn chứng. Để bài viết có sức nặng và hấp dẫn, khi phân tích/cảm nhận cần so sánh, liên hệ vấn đề với các nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề đang bàn; dẫn một số nhận định lý luận văn học vào phần mở bài, thân và kết bài cho phù hợp; cuối thân bài phải có phần đánh giá, khái quát, mở rộng nâng cao vấn đề. Những phần này sẽ giúp bài làm của các em nổi bật hơn, tạo được điểm nhấn riêng.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)