Không khó để làm được điểm 5 trong đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm 2022, chỉ cần học sinh chú trọng nắm vững từ vựng và kỹ năng làm bài.
Muốn làm tốt bài thi môn tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kỹ năng và từ vựng. Ảnh: Y.H
Nắm vững kỹ năng làm bài
Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình năm học và đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quá trình ôn tập được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, học sinh ôn tập các chuyên đề cơ bản liên quan đến nội dung thi; giai đoạn 2 là hướng dẫn giải đề theo ma trận của đề tham khảo tốt nghiệp THPT. Trong giai đoạn hiện nay, khi đã có các kiến thức cơ bản, nắm vững ma trận đề tham khảo thì học sinh không nên ôn theo chuyên đề lẻ mà cần tập trung giải các đề theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT để củng cố lại kiến thức và nắm vững kỹ năng làm bài. Vài năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không đòi hỏi quá cao năng lực của học sinh. Theo đó, 50% kiến thức trong đề thi học sinh trung bình khá có thể làm được, do vậy, để làm bài thi tiếng Anh đạt được điểm 5 không quá khó. Điều cần thiết là học sinh cần hệ thống, củng cố lại kiến thức nền về ngữ pháp, song song với nắm chắc yếu tố từ vựng cơ bản.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năng lực học tập của học sinh lớp 12 năm nay không thể bằng năm học trước, nhất là ở kỹ năng làm bài. Giáo viên bộ môn cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch hỗ trợ học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, như: Học sinh gặp khó khăn trong tiếp nhận kiến thức thì được giáo viên lập group hướng dẫn các em ôn tập online, gửi tài liệu giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, theo kịp các bạn trong lớp; xây dựng các nhóm bạn học tập để hỗ trợ nhau, giúp các em tự tin hơn khi bước vào kỳ thi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng hỗ trợ cung cấp, bổ trợ thêm một số nguồn tài liệu, đề tham khảo có độ tin cậy giúp học sinh nâng cao kiến thức môn học phục vụ thêm cho việc xét tuyển vào các trường đại học.
Cẩn trọng để không “mắc bẫy”
Đề thi môn tiếng Anh sẽ có 2 bài đọc hiểu. Trong đó, một bài đọc hiểu ngắn với 5 câu hỏi – nội dung câu hỏi trong bài đọc hiểu này chỉ ở mức cơ bản, có những câu khi nhìn vào là thấy được đáp án, thông tin. Còn bài đọc hiểu thứ 2 sẽ có 7 câu hỏi – phần này sẽ có những câu mang tính nâng cao, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, từ vựng. Thông thường học sinh gặp khó ở phần đọc hiểu do thiếu và yếu kỹ năng đọc nên dẫn đến đánh lụi khi làm bài. Với các bài đọc hiểu, học sinh cần chú ý nắm bắt được thông tin cần thiết cho câu trả lời, định vị thông tin bằng cách đọc lướt, đọc kỹ… Trong bài đọc hiểu sẽ có những từ khóa, học sinh phải tìm được các từ khóa trong bài để nắm được ý, tìm ra câu trả lời. Từ khóa trong bài đọc có thể là các mốc thời gian, tên riêng được viết hoa.
CÂN NHẮC KHI CHỌN TÀI LIỆU ÔN TẬP Hiện nay, học sinh có một thuận lợi là các em dễ dàng tiếp cận được các nguồn tài liệu ôn tập trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo là với các nguồn tài liệu đó, các em tự dò đáp án khuyến nghị; song các đáp án đó lại không phải lúc nào cũng chính xác. Lời khuyên là, khi chọn tài liệu tham khảo từ các nguồn trên mạng xã hội, với những câu hỏi chưa chắc chắn đáp án thì cần thiết học sinh nên hỏi thầy cô giáo để đưa ra đáp án chính xác nhất.
|
Bài thi môn tiếng Anh dưới dạng trắc nghiệm, trong các lựa chọn của từng câu hỏi sẽ có những “cái bẫy”, nếu học sinh không nắm được ý câu hỏi thì sẽ dễ dàng bị “mắc bẫy”, chọn sai đáp án. Ngoài ra, trong đề thi, các câu hỏi về thành ngữ, từ vựng, cụm từ, ngữ âm… cũng là các nội dung học sinh gặp khó, hay mất điểm khi làm bài. Thậm chí, với ngay cả các phần kiến thức ở mức độ nhận biết cũng không có nghĩa là các câu dễ lấy điểm. Mấu chốt là các em phải làm thật nhiều đề tham khảo thì mới nắm chắc kỹ năng, vốn từ vựng.
Phân bố thời gian hợp lý khi làm bài
Trong giai đoạn này, song song với việc giải các đề tham khảo, học sinh cần phải tổng hợp lại kiến thức đã học từ ngữ pháp, kỹ năng làm từng dạng bài, từng dạng câu hỏi, lưu ý các lỗi sai hay mắc phải để tránh… Khi bước vào phòng thi, nhiều em sẽ gặp vấn đề về tâm lý, mất bình tĩnh, không nhớ kiến thức để làm bài. Khi gặp tình huống này, các em hãy cố gắng hít thở sâu, giữ bình tĩnh, đọc lướt qua đề, câu nào làm được là nên làm luôn vào đáp án, không để trống đáp án… Đề thi có 50 câu, làm trong thời gian 60 phút, do vậy, học sinh phải bố trí thời gian hợp lý cho các câu. Với những câu khó chưa làm được thì các em để lại, làm sau. Cụ thể, với những câu khó, các em nên dùng phương pháp loại trừ, sử dụng các kiến thức đã học, tư duy để lựa chọn đáp án chứ không đánh lụi và cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó. Khi làm bài thi, các em cần tô đậm, đều đáp án trắc nghiệm để máy chấm có thể nhận dạng dễ.
Đối với các bài đọc hiểu trong đề thi, học sinh không nên lo lắng khi gặp chủ đề đọc hiểu lạ, cần bình tĩnh sử dụng kỹ năng đọc hiểu, tìm từ khóa trong câu hỏi, định vị thông tin ở đoạn văn để tìm ra câu trả lời. Ở nội dung từ đồng nghĩa, trái nghĩa, nếu gặp thành ngữ lạ các em nên bình tĩnh, đoán nghĩa trong ngữ cảnh, sử dụng phương pháp loại trừ tìm ra câu trả lời.
Nguyễn Thị Minh Thoa
(Giáo viên môn tiếng Anh
Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức)
Bình luận (0)