Với tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), các giáo viên bộ môn khuyên học sinh khi ôn tập nên hệ thống lý thuyết bằng sơ đồ tư duy. Nắm thật chắc kiến thức lý thuyết để vận dụng giải các bài tập…
+ Môn hóa học: Hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy
Với đặc thù hóa học là môn khoa học tự nhiên phải hiểu bản chất lý thuyết và nắm các phản ứng hóa học mới có thể giải quyết các bài tập tính toán, chứ không đơn thuần thuộc lòng kiến thức là có thể làm bài tốt. Căn cứ theo đề minh họa của Bộ GD-ĐT, có thể thấy đề thi môn hóa học luôn có số câu hỏi lý thuyết nhiều, chiếm khoảng 60%. Mỗi câu đều 0,25 điểm như nhau trải dài từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Như vậy, chiến thuật đạt điểm 7-8 là khả quan nếu học sinh nhìn được xu thế câu hỏi sẽ biến đổi phiên bản như thế nào để có chiến thuật ôn tập chắc chắn. Trong quá trình ôn tập, học sinh cần lưu ý đến các câu hỏi cơ bản có nội dung lý thuyết tái hiện kiến thức (bao gồm cả lớp 11) và những câu liên quan đến các ứng dụng thực tế. Câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11, phiên bản đề thi có thể khai thác các nội dung sau nên các em cần xem lại: Chất điện li mạnh thường gặp; chất điện li yếu thường gặp; chất không điện li. Các câu hỏi nội dung kiến thức kim loại và đại cương kim loại chiếm đa số ở phần vô cơ. Đặc biệt, nội dung kiến thức về kim loại Nhôm (Al) và Sắt (Fe), các em cần xem lại thật kỹ, lập bảng so sánh tính chất vật lý và tính chất hóa học, các phản ứng đặc trưng của hai nguyên tố này để hệ thống lý thuyết. Vẽ sơ đồ tư duy cũng là phương pháp khoa học để hệ thống lý thuyết hữu cơ từng chương. Để giải quyết các câu tổng hợp, các em nên hệ thống hóa từng chương dạng sơ đồ tư duy. Và để làm bài thi thật tốt, các em nên tập dượt các dạng bài tập dạng này trong các đề thi thử để thao tác quen cách bấm máy, tư duy giải nhanh các đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, các đề thi thử của các trường THPT trên cả nước nhằm tăng mức tự tin.
ThS. Phạm Lê Thanh trong giờ ôn tập môn hóa học cho học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11)
Học sinh chú ý ôn luyện từ cơ bản đến nâng cao, không sa đà vào các câu khó sẽ mất thời gian ôn luyện các câu cơ bản và không thể giải quyết các câu này khi gặp phải. Tập giải đề thi thử cũng là cách thức chuẩn xác đo mức độ điểm số mình đang tích lũy, từ đó rà soát kiến thức còn thiếu để có lộ trình ôn tập phù hợp. Chúc các em có sức khỏe thật tốt, tự tin và đầy phong độ để chuẩn bị tinh thần vượt vũ môn, đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
ThS. Phạm Lê Thanh
(Giáo viên môn hóa học
Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11)
+ Môn vật lý: Tránh mất thời gian ở những câu khó
Với môn vật lý, căn cứ theo đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Vì thế, để làm bài thi thật tốt, học sinh cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm bài. Thông thường, 20 câu đầu trong đề thi là lý thuyết nên các em phải học bài nhiều. Từ câu 21 đến câu 28 là bài tập vận dụng công thức nên các em phải học và làm nhiều bài tập để nhớ cách làm. Từ câu 30 trở lên, những học sinh khá, giỏi phải thường xuyên làm bài tập để rèn luyện cách giải mới lấy được điểm, vì những câu này vận dụng đầu óc và tư duy nhiều.
Khi làm bài thi, học sinh thường mắc sai lầm là mất thời gian vào những câu chưa có ý tưởng làm bài, cứ lao vào tìm cách làm. Nếu gặp câu nào khó chưa tìm ra lời giải nhanh thì các em cần để lại những câu đó, chuyển sang làm những câu tiếp theo, sau đó nếu còn thời gian thì các em quay lại làm tiếp. Trong quá trình làm bài thi, các em nên đọc nhanh toàn bộ đề thi. Làm những câu dễ trước, chắc chắn chính xác mới tô, còn phân vân để sau. Không dừng lại quá lâu ở bất cứ câu nào, khi chưa có ý tưởng hãy đọc tiếp các câu sau, tránh sa đà, mất thời gian. Đặc biệt, khi làm bài, các em cần cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi, không bỏ sót câu nào. Khi gần hết giờ hãy chọn ngẫu nhiên một đáp án mà em cho là hợp lý. Đối với câu khó, để tìm lời giải đúng nhất, các em có thể giải ngược từ đáp án, đưa vào các công thức liên quan đến câu đó xem hợp lý thì chọn. Cần bình tĩnh khi tô đáp án vì có khi chọn câu này nhưng tô câu kia.
Nguyễn Thuyên
(Giáo viên môn vật lý
Trường THPT Lý Thái Tổ, Q.Gò Vấp)
+ Môn sinh học: Nắm chắc kiến thức lý thuyết nền tảng
Căn cứ vào đề minh họa môn sinh học của Bộ GD-ĐT, có thể thấy cấu trúc đề gồm 70% câu hỏi lý thuyết và 30% câu hỏi bài tập. Trong đó, khoảng 30 câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu và 10 câu ở mức độ vận dụng – vận dụng cao, đều thuộc các chuyên đề của chương trình sinh học lớp 12 như: Di truyền học quần thể, di truyền học người, cơ chế di truyền và biến dị, quần xã sinh vật. Trong đề thi thường có khoảng 4 đến 5 câu hỏi về kiến thức sinh học lớp 11. Riêng các kiến thức về phần sinh thái cũng chiếm khoảng 2 điểm, phần nhiều là lý thuyết trong chương trình.
Theo các giáo viên bộ môn, học sinh nên hệ thống kiến thức tổ hợp khoa học tự nhiên bằng sơ đồ tư duy khi ôn tập
Khi ôn tập, học sinh cần chú ý hệ thống lại kiến thức, nắm chắc các kiến thức lý thuyết nền tảng để vận dụng giải các bài tập đòi hỏi tính toán. Các em có thể hệ thống kiến thức từng chương theo dạng sơ đồ tư duy để thông thuộc kiến thức dễ dàng, liền mạch. Khi làm bài thi, học sinh cần đọc một lượt đề bài, không nên hấp tấp đọc đề và làm ngay. Với những câu dễ, các em làm trước, làm đến đâu chắc đến đó. Với những câu khó, chưa rõ đáp án, các em không nên sa đà, mất thời gian quá nhiều sẽ không kịp thời gian làm bài. Với những câu hỏi nếu không tìm ra đáp án, các em hãy sử dụng phương pháp phân tích, loại trừ, cố gắng không bỏ trống câu hỏi nào…
Trần Trúc Đào
(Giáo viên môn sinh học
Trường THPT Tenlơman, Q.1)
Bình luận (0)