Để chinh phục môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các em học sinh cần nắm thật vững kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng để giải quyết vấn đề.
Với môn toán, các em học sinh phải nắm vững kiến thức và kỹ năng
Từ đề tham khảo môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD-ĐT công bố, chúng ta thấy đề thi có sự phân loại rõ ràng. Trong 50 câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi, có khoảng 35 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 15 câu ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.
Đề thi đa dạng về nội dung
Nội dung kiến thức trong đề thi môn toán chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 với 45 câu hỏi. Theo đó, kiến thức tập trung ở phần giải tích gồm các chủ đề: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số (10 câu); hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit (8 câu); nguyên hàm, tích phân và ứng dụng (7 câu); số phức (6 câu). Riêng phần hình học có các chủ đề: Khối đa diện (3 câu); mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (3 câu); phương pháp tọa độ trong không gian (8 câu). Có 5 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 tập trung vào các phần kiến thức: Tổ hợp – xác suất (2 câu); cấp số cộng – cấp số nhân (1 câu); các bài toán liên quan đến góc và khoảng cách (2 câu).
Trong vài năm trở lại đây, đề thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thường đa dạng về nội dung. Cụ thể, nội dung đề thường bao gồm các chủ đề rộng lớn từ toán học cơ bản như hàm số, lượng giác, đại số, hình học, xác suất và giải tích. Đặc biệt, nội dung có sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề: Các câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá khả năng áp dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tế. Các bài toán thường được thiết kế để kiểm tra sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề của học sinh ở nhiều cấp độ khó khác nhau. Cùng với đó là thiên về kiến thức chương trình: Đề thi thường tập trung vào kiến thức được học trong chương trình THPT.
Phần dễ kiếm điểm nhất thường là những câu hỏi thuộc các chủ đề cơ bản như hàm số, phép tính cơ bản. Còn phần khó nhất thường là các bài toán yêu cầu kỹ năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết vấn đề phức tạp, được phân thành các dạng như bài toán tự chọn, bài toán trắc nghiệm và bài toán tự luận.
Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề
Để làm tốt bài thi môn toán, các em học sinh cần hiểu biết sâu về kiến thức. Cụ thể là phải nắm vững các khái niệm, định lý và phương pháp giải các dạng bài toán. Cùng với đó là làm nhiều bài tập từ các nguồn tài liệu ôn tập khác nhau, từ sách giáo khoa đến các bộ đề thi thử để làm quen với dạng đề và rèn kỹ năng giải quyết vấn đề.
Muốn đạt điểm cao môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, học sinh cần làm từ những câu đơn giản trước, sau đó mới đến các câu khó
Các em nên học tập theo nhóm để thảo luận về các vấn đề khó cũng như học hỏi lẫn nhau. Đồng thời thường xuyên thực hành làm bài thi thử để làm quen với cảm giác thời gian và rèn kỹ năng làm bài dưới áp lực. Việc ôn thi phải có kế hoạch rất cụ thể theo từng tuần và từng ngày để mang lại hiệu quả. Khi đã lập kế hoạch rồi, các em cần nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đó, thậm chí có thể phải hy sinh một vài sở thích. Tránh tình trạng để đến sát ngày thi mới học thì các em sẽ bị cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng. Hệ thống lại kiến thức, phần kiến thức nào chưa nắm vững thì các em cần xem lại, có thể hỏi thêm bạn bè, thầy cô. Thường xuyên rèn luyện các đề thi bám theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để khắc sâu kiến thức, hình thành kỹ năng. Với những phần kiến thức mình hay sai thì phải rút kinh nghiệm sau mỗi lần sai.
Học sinh muốn đạt điểm cao thì cần phải làm hết khoảng 40 câu đầu và không được làm sai. Muốn vậy, các em cần làm đi làm lại nhuần nhuyễn tất cả các dạng cơ bản để lấy chắc 8 điểm, bởi 40 câu đầu không khó, đều là các dạng thường gặp. Trong đề thi, có khoảng 35 câu hỏi là mức cơ bản, ở tất cả các dạng. Các câu khó trong phần hàm số và lôgarit cũng có các dạng cho học sinh luyện. Nhưng số phức thì khó lấy điểm cao, vì sẽ kết hợp với hình phẳng, bất đẳng thức nên là câu khó chịu nhất (lấy điểm 9+). Phần giá trị lớn nhất – giá trị nhỏ nhất sẽ ở 3 câu cuối (đây là dạng các em học sinh trung bình sợ nhất nếu thuộc vận dụng cao). Các câu hỏi khó sẽ đủ hết các dạng từ hàm số, nguyên hàm tích phân, số phức, hình không gian, tọa độ, tổ hợp…
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, các em học sinh cần giữ sức khỏe tốt, duy trì tinh thần lạc quan và tự tin vào khả năng của bản thân. Đặc biệt trước, ngày thi các em không nên thức khuya học bài vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các em sẽ không đủ tỉnh táo, tập trung làm tốt bài thi.
Trần Yến Phương
(giáo viên môn toán Trường THPT
Phước Long, TP.Thủ Đức)
Bình luận (0)