Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Để đạt điểm năm môn Văn không khó

Tạp Chí Giáo Dục

Theo cô giáo Phạm Hà Thanh, Phó Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, Hà Nội, để đạt được điểm năm môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không khó nếu học sinh ôn theo các dạng câu hỏi của cấu trúc đề.
Chỉ cần ôn theo các dạng câu hỏi của cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT, học sinh có thể dễ dàng vượt qua môn Văn.  Ảnh: Xuân Phú.
Theo cô Hà Thanh, để việc ôn hiệu quả, học sinh nên bám theo cấu trúc đề môn Văn của Bộ GD&ĐT. Theo đó, đề văn phần bắt buộc có một câu hai điểm, một câu ba điểm; phần tự chọn là một bài nghị luận văn học năm điểm.
Để làm tốt câu hai điểm, mục tiêu ôn tập của học sinh là phải nắm được tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tất cả các tác phẩm mà các em được học trong chương trình lớp 12.
Những tác phẩm nào mà nhan đề có ý nghĩa đặc biệt thì các em cũng cần nắm được nội dung này, chẳng hạn như tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành…
Ngoài ra, các em cũng phải nắm được những chi tiết đặc biệt của các tác phẩm văn xuôi. Thường thì mỗi tác phẩm chỉ có một vài chi tiết mang ý nghĩa then chốt và sẽ được hỏi đến trong đề thi.
Để nhớ được chi tiết then chốt, học sinh không còn cách nào khác là đọc kỹ tác phẩm. Từ trước đến nay, nhiều giáo viên cũng như học sinh cho rằng, câu hai điểm chỉ hỏi tới các tác phẩm, tác giả nước ngoài.
Thực tế đề thi năm ngoái cho thấy, tác phẩm và tác giả trong nước cũng sẽ được hỏi tới. Vì thế, việc ôn nội dung này không chỉ giúp các em làm tốt câu hai điểm mà còn có kiến thức để sử dụng trong câu năm điểm, phần bắt buộc của đề.
Câu ba điểm là câu nghị luận xã hội. Câu này thường chỉ có hai dạng đề: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý; Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Để ôn luyện thì không có cách nào khác là các em phải tập làm bài dựa theo các đề văn giáo viên cho hoặc có trong các sách tham khảo.
Mỗi dạng đề đều có môtip làm bài phù hợp, nếu không nắm được cấu trúc của các môtip này, các em sẽ rơi vào sự diễn giải mông lung hoặc không biết viết gì. Với dạng đề nghị luận tư tưởng, đạo lý thì cấu trúc bao giờ cũng có 3 phần: giải thích, phân tích/ chứng minh, bình luận.
Với dạng đề nghị luận hiện tượng đời sống, cấu trúc gồm 5 phần: giải thích, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả, giải pháp và trách nhiệm của bản thân.
Việc ôn cho câu năm điểm thì ngoài phần chuẩn bị kiến thức, các em phải luyện kỹ năng làm bài. Với phần chuẩn bị kiến thức về các tác phẩm văn xuôi, để dễ nhớ, học sinh nên xác định vấn đề cơ bản của từng tác phẩm.
Với đối tượng học sinh phổ thông và dành cho kỳ thi tốt nghiệp, người ra đề thường chỉ khoanh vùng vài ba vấn đề cơ bản nhất cho mỗi tác phẩm.
Chẳng hạn với tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), đề thi thường sẽ chỉ hỏi về 3 vấn đề: Nhân vật Mỵ; Nhân vật A Phủ; Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Học sinh sẽ phải học nhận diện vấn đề để tránh việc đề thi hỏi về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm lại say sưa phân tích nhân vật Mỵ.
Về thơ, đề thi nhiều năm gần đây không yêu cầu học sinh thuộc thơ mà thường cho các em một đoạn trích hoặc cả bài để từ đó yêu cầu các em nghị luận, dạng đề quen thuộc thường ra là phân tích một bài thơ, đoạn thơ.
Khi ôn thi về thơ, học sinh phải nắm được hoàn cảnh sáng tác, nội dung, cảm hứng chủ đạo của một bài/ đoạn, phát hiện tác giả sử dụng các yếu tố/ biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện cảm hứng chủ đạo đó…
Quý Hiên
Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)