Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015: Phân loại theo môn tự chọn

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) trong giờ học
So với các năm trước, năm nay, học sinh lớp 12 có thời gian ôn tập lâu hơn 1 tháng trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Thời điểm này các trường THPT khu vực phía Bắc đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Ngoại ngữ: Khó cho học sinh vùng núi
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình), cho biết Sở GD-ĐT đã tiến hành khảo sát học sinh lớp 12. Kết quả cho thấy, trên 40% học sinh đăng ký dự thi ở cụm thi tỉnh, không có nhu cầu lấy điểm để xét tuyển ĐH, CĐ. Bên cạnh đó sở cũng đã lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, theo ông Vinh, do là tỉnh miền núi nên các trường khá lo lắng với môn ngoại ngữ.
Tuy 100% học sinh trên địa bàn tỉnh được học ngoại ngữ hệ 7 năm, nhưng theo phó hiệu trưởng một trường THPT ở TP.Hòa Bình, trường ông chỉ đặt mục tiêu ôn luyện môn ngoại ngữ cho học sinh đạt 4-5 điểm, số điểm đủ để tốt nghiệp chứ không dạy các em đạt điểm 9-10.
Không chỉ ở Hòa Bình mà tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc đều có mối lo ngại chung về môn ngoại ngữ. Bởi thực tế dù cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có đầy đủ thì chất lượng giảng dạy ở những nơi này cũng không thể bằng các vùng đồng bằng. Đó là chưa kể năm nay môn ngoại ngữ ngoài phần trắc nghiệm còn có thêm phần viết để đánh giá, phân loại thí sinh.
Trong khi đó, đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố cấu trúc đề thi. PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói: “Bộ GD-ĐT cho biết năm nay không có cấu trúc đề thi ở tất cả các môn mà chỉ cho biết đề thi sẽ ra tập trung chủ yếu ở lớp 12. Nhưng mới đây, tại buổi báo cáo về một kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu Bộ GD-ĐT phải sớm công bố cấu trúc đề thi để học sinh biết. Nên không hiểu sẽ thế nào?”.
Phân loại ôn tập theo môn tự chọn
Không chỉ ở Hòa Bình mà tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc đều có mối lo chung về môn ngoại ngữ. Bởi thực tế dù cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có đầy đủ thì chất lượng giảng dạy cũng không thể bằng các vùng đồng bằng.
Dù chưa biết cấu trúc đề thi nhưng các trường THPT trên địa bàn Hà Nội cũng đã lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh lớp 12. PGS. Văn Như Cương cho biết năm nay Trường THPT Lương Thế Vinh có 600 học sinh lớp 12. Trường đã tiến hành khảo sát, kết quả là 100% học sinh lựa chọn thi cụm liên tỉnh, chỉ có 1 em lựa chọn thi môn lịch sử. Trong số các môn tự chọn thì môn vật lý chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là môn hóa học, sinh học; môn địa lý được 50-60 học sinh đăng ký dự thi. Theo đó, trường sẽ phân học sinh theo môn các em tự chọn để lên kế hoạch ôn tập.
Trong khi đó thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho hay trường cũng phân loại học sinh theo môn tự chọn để ôn tập (trường có trên 250 học sinh lớp 12). Qua khảo sát, có 20% em đăng ký thi tại cụm tỉnh, 80% thi liên tỉnh. Cuối tháng 3 trường sẽ kết thúc tất cả các môn học để tập trung ôn tập cho học sinh. Trong các môn tự chọn thì vật lý được các em lựa chọn nhiều nhất, ít nhất là môn sinh học. Trong khi đó môn địa lý có 20% học sinh lựa chọn, môn lịch sử có 10%… Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, với những học sinh thi cụm tỉnh, trường vẫn tổ chức ôn tập cho các em cùng với những học sinh thi ở cụm liên tỉnh; đồng thời động viên các em cố gắng hơn nữa.
Một lãnh đạo Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết trường vẫn đang tiến hành dạy học theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Trường chỉ ôn thi cho học sinh trong tháng 5 và 6, còn kết quả khảo sát học sinh phải sau ngày 30-4 mới có.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Thông báo cho phụ huynh biết tình hình học tập của con em
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết về công tác dạy và học, sở yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt. Học sinh cần học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận, dành nhiều thời gian cho việc tự học. Ngoài ra, các thầy cô cần phổ biến cho học sinh kỹ năng làm bài, đảm bảo cho các em có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, các trường cần thông báo cho phụ huynh biết rõ tình hình học tập của con em, nhất là những học sinh có học lực yếu kém có thể không đủ điều kiện dự thi.
 
38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì
Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách 38 trường ĐH sẽ chủ trì các cụm thi liên tỉnh. Theo đó, Hà Nội có 8 cụm thi là ĐH Bách khoa, ĐH Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật Quân sự. 8 cụm thi này sẽ dành cho thí sinh của Hà Nội và 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh. Tại TP.HCM cũng có 8 cụm thi là ĐH Quốc gia, ĐH Công nghiệp, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y dược, ĐH Công nghiệp Thực phẩm. Các cụm thi này dành cho thí sinh của TP.HCM và 6 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận và Tây Ninh.
Cụm thi tại Hải Phòng do 2 trường ĐH chủ trì là ĐH Hàng hải và ĐH Hải Phòng, dành cho thí sinh đến từ Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. ĐH Tây Bắc chủ trì cụm thi dành cho 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. ĐH Thái Nguyênchủ trì cụm thi dành cho thí sinh đến từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Kạn. Cụm thi ĐH Tân Trào  tổ chức cho thí sinh đến từ Tuyên Quang và Hà Giang. Cụm thi ĐH Hùng Vương tổ chức cho thí sinh đến từ Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Cụm thi ĐH Y Thái Bình tổ chức cho thí sinh của Thái Bình và Hưng Yên. ĐH Hồng Đức phối hợp với ĐH Y Hà Nội tổ chức cho thí sinh đến từ Thanh Hóa và Ninh Bình. ĐH Vinh tổ chức cho thí sinh 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. ĐH Huế chủ trì, dành cho thí sinh của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
ĐH Đà Nẵng chủ trì, dành cho thí sinh của Đà Nẵng và Quảng Nam. ĐH Quy Nhơn chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Cơ sở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Cụm thi do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông. Cụm thi đặt tại Lâm Đồng do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Lâm Đồng và Ninh Thuận. Cụm thi đặt tại Khánh Hòa, do Trường ĐH Nha Trang chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Khánh Hòa và Phú Yên. Cụm thi đặt tại Cần Thơ do ĐH Cần Thơ chủ trì, dành cho thí sinh của Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.Cụm thi đặt tại Đồng Tháp, do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An. Cụm thi đặt tại Trà Vinh, do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long. Cụm thi đặt tại Tiền Giang, do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), dành cho thí sinh 2 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre. Cụm thi đặt tại tỉnh An Giang, do Trường ĐH An Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Luật TP.HCM), dành cho thí sinh 2 tỉnh: An Giang và Kiên Giang. Cụm thi đặt tại Bạc Liêu, do Trường ĐH Bạc Liêu chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau.
N.H
 
 

Bình luận (0)