GV hướng dẫn HS lớp 12 làm bài tập
|
Năm học 2011-2012, không kể hệ bổ túc, TP.Cần Thơ có 25 trường THPT với 7.334 học sinh (HS) khối 12. Nhằm giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, Sở GD-ĐT Cần Thơ đã xin phép Bộ GD-ĐT cho các trường THPT trên địa bàn tổ chức nhập học khối 12 từ tháng 8.
Theo đó, ngay từ đầu năm học, các trường đã thực hiện tăng tiết 8 môn: Văn, toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, sử và địa. Một số trường đã tiến hành phân loại trình độ HS để giáo viên (GV) bộ môn phụ đạo sát với năng lực của các em. Nhờ bắt đầu sớm nên đến cuối tháng 3-2012, chương trình của 8 môn học nói trên đã hoàn thành. Do vậy, thời gian dành cho HS ôn thi khá rộng rãi.
1. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của toàn bộ những GV đang dạy các môn thi tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm ôn tập. Từ cơ sở này, các tổ chuyên môn tiến hành bàn bạc, thống nhất kế hoạch cũng như nội dung ôn tập. Bên cạnh điểm chung trên, mỗi trường, tùy theo thực tế học tập của HS còn đưa ra những sáng tạo riêng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Là trường duy nhất thực hiện dạy 2 buổi/ ngày, THPT Chuẩn quốc gia Châu Văn Liêm có đầu vào khá cao. Vì thế, khi ngày thi tốt nghiệp đang đến gần, lịch học của trường vẫn như hàng ngày. Chỉ khác là các em HS dành nhiều thời gian để ôn luyện thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, riêng môn sử và địa, các em được GV bộ môn “chăm chút” nhiều hơn bởi gần 80% trong tổng số 651 HS khối 12 của trường đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH khối A, hoặc B, còn lại đăng ký thi khối D. Còn Trường THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai) mới thành lập vào tháng 9-2011. Trong năm hoạt động đầu tiên này, trường có 56 HS dự thi tốt nghiệp THPT. Từ đầu năm học, trường đã phát cho mỗi HS phiếu điều tra thông tin các môn học. Theo đó, các em có thể mạnh dạn cho nhà trường biết mình yếu môn nào? không hiểu phần nào? (không yêu cầu viết tên). Từ kết quả điều tra trên, Ban giám hiệu đề nghị GV bộ môn tổ chức phụ đạo cho HS theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Thầy Nguyễn Lê Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khó khăn của trường là đa phần các GV đang trong thời kỳ tập sự. Kinh nghiệm dạy lớp 12 còn hạn chế. Do đó, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, chúng tôi đã mời các thầy cô nhiều kinh nghiệm của Trường THPT Thới Lai thường xuyên đến đây dự giờ góp ý với GV nhà trường. Riêng môn toán thì từ đầu năm học, Ban giám hiệu Trường THPT Thới Lai đã cử GV giỏi đến giúp trường dạy HS khối lớp 12”. Trong khi đó, Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện vùng sâu Cờ Đỏ), sau khi xét tuyển vào đầu năm học đã tổ chức thi kiểm tra chất lượng khối 10 và dùng kết quả trên để phân loại, xếp lớp. Với sự hỗ trợ của Ban đại diện CMHS, trường tổ chức phụ đạo cho những lớp 10 yếu kém, từng bước giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản. Nhờ biện pháp “dạy thật – học thật” này mà khi lên lớp 12, tỷ lệ HS yếu của trường rất thấp. Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT được nhà trường chia thành 3 giai đoạn: Từ ngày 19-3 đến 4-4: Ôn tập các chương trong học kỳ II. Từ ngày 9-4 đến 2-5: Ôn tập chương trình của học kỳ I. Sau đó tổ chức cho HS thi thử. Dựa theo kết quả này, đội ngũ GV sẽ tổ chức ôn tập lại những phần HS còn hạn chế theo hướng tổng hợp cho đến trước ngày thi một tuần. Tại đây, mỗi tổ bộ môn đề ra kế hoạch riêng và thống nhất nội dung ôn tập dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Kết thúc mỗi giai đoạn, Ban giám hiệu sẽ mở cuộc họp để lấy ý kiến của những thầy cô dạy 6 môn thi tốt nghiệp. GV từng bộ môn có trách nhiệm báo cáo tình hình ôn tập và cùng Ban giám hiệu tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh. Về thời gian, buổi sáng các em HS học 5 tiết. Buổi chiều học 4 tiết các ngày thứ hai, tư, sáu. GV bộ môn lọc ra những em yếu để truy bài hoặc giải bài tập vào chiều thứ ba và thứ bảy. Cách phân bố này giúp những HS khá giỏi có thời gian ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh ĐH sắp tới. Em Lâm Nguyễn Hoàng Nguyên, lớp 12A1, bộc bạch: “Con thích học các môn khoa học tự nhiên, đã quen với tư duy logic, nên rất ngán những môn học thuộc lòng. May mà các thầy cô đã hệ thống hóa kiến thức, xác định trọng tâm mỗi bài giúp con đỡ vất vả khi ôn tập”.
“GV bộ môn sàng lọc số HS yếu kém để tổ chức truy bài những môn xã hội (có GV chủ nhiệm hỗ trợ); HS nào chưa thuộc bài thì ở lại học đến khi thuộc mới được về”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, chia sẻ. |
Năm nay, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng) có 8 lớp 12 với 290 HS, trong đó hơn 50% có học lực từ trung bình trở xuống. Trường đã thành lập Ban chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp THPT. Các bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập theo thời gian quy định với nội dung bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Chú trọng nội dung, kỹ năng làm bài cơ bản, phù hợp đối tượng HS trung bình và yếu… GV chủ nhiệm, GV bộ môn luôn liên hệ với gia đình về những HS thường xuyên nghỉ học, không thuộc bài, năng lực yếu kém để cùng nhà trường đôn đốc, giúp các em học tốt hơn.
2. Dù thầy cô giáo dạy các môn thi tốt nghiệp tại các trường đã cố gắng giúp HS ôn luyện, nhưng nhìn chung, không ít HS vẫn tỏ ra ngán ngại khi có nhiều môn thi thuộc dạng học thuộc lòng. Em Nguyễn Thị Thúy Hà, HS lớp 12B6 Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, tâm sự: “Em hơi bất ngờ với môn địa vì đã thi tốt nghiệp nhiều năm liên tục, nay lại thi tiếp. Bên cạnh đó, em cũng sợ môn sử vì kiến thức quá nhiều, rất khó nhớ”. Đây cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều HS khối 12 tại TP.Cần Thơ. Kết quả kiểm tra học kỳ II khối 12 (đề thi của Sở GD-ĐT), cho thấy: Môn địa lý có 74,61% HS đạt điểm trung bình trở lên; sử: 72,15%.
Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết: “Sở đã chỉ đạo các trường chuẩn bị cho HS khối 12 ngay từ đầu năm học. Quan trọng nhất là phải dạy đủ chương trình, không cắt xén bất cứ môn nào. Riêng môn sử, GV bộ môn cần hướng dẫn HS kỹ năng nhận dạng đề và xác định được nội dung của câu hỏi. Năm nay, sở không chủ trương tổ chức thi thử nhưng các trường đều lên kế hoạch và đề nghị sở ra đề 6 môn thi. Phòng Khảo thí đã chuẩn bị đề. Kết quả của đợt thi này sẽ góp phần giúp các trường có định hướng sát trình độ HS hơn trong công tác ôn tập”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT 2012
Theo Bộ GD-ĐT, đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 phải đạt các yêu cầu: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành; kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học; phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi. Nếu đề thi tự luận gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10. Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu, nội dung; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm thi kèm theo…
T.B
|
Bình luận (0)