Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi tốt nghiệp THPT theo… phương thức xét tuyển ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường học tổ chức ôn thi THPT theo mục tiêu, định hướng xét tuyển ĐH giúp học sinh tập trung vào yêu cầu của mình, thay vì ôn chung chung như các năm trước.
Học sinh lớp 12 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. ĐÀO NGỌC THẠCH
Xây dựng kế hoạch ôn tập từ lựa chọn của học sinh
Kiểm tra học kỳ 2 kết thúc cũng là lúc học sinh (HS) lớp 12 bắt đầu bước vào 4 tuần ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù được coi là giai đoạn “nước rút” nhưng hiệu trưởng các trường cho hay HS không áp lực vì kế hoạch ôn tập được xây dựng từ chính định hướng, nguyện vọng và lựa chọn phương án xét tuyển của từng cá nhân HS.
Ở khối giáo dục thường xuyên (GDTX), ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, cho biết đã họp phụ huynh HS và thống nhất ôn tập theo bài thi toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thời lượng ôn chung cụ thể là toán, ngữ văn 7 tiết/tuần, còn các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 4 tiết/tuần.
Ông Hoàng cho hay do mục tiêu của hầu hết HS là tốt nghiệp THPT để tham gia xét tuyển vào các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp nên giáo viên tập trung cho HS rà soát, củng cố lại các kiến thức cơ bản, đáp ứng kỳ thi THPT sắp tới. Còn lại một số ít HS có học lực khá giỏi có nguyện vọng xét tuyển ĐH thì nhà trường sắp xếp cho giáo viên thực hiện các tiết dạy trực tuyến để giúp HS bổ sung kiến thức nâng cao hơn so với mục đích tốt nghiệp. Vị giám đốc trung tâm này nói việc tổ chức ôn tập theo nhu cầu sẽ giúp HS chủ động tiếp nhận những kiến thức mình cần và tạo động lực cho bản thân.
Từ việc thăm dò, khảo sát nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp của HS, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè), cho biết HS tham gia kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp và tham gia xét tuyển ĐH, CĐ bằng phương thức xét điểm học bạ, do vậy kế hoạch ôn tập cũng được triển khai với hình thức phù hợp.
Các chuyên đề ôn tập môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học… cũng được xây dựng theo mục tiêu đảm bảo đỗ tốt nghiệp. Yêu cầu kiến thức tập trung ở mức độ cơ bản, thêm phần bổ trợ cho một nhóm HS có khả năng tham gia xét tuyển vào các trường ĐH có điểm chuẩn đầu vào cao.
Xác định thời gian từ nay đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều nên thầy Trần Minh, phụ trách chuyên môn của Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6), cho biết trong quá trình ôn tập sắp tới, nhà trường sẽ chú trọng vào 3 môn chính là toán, ngữ văn và tiếng Anh, đồng thời căn cứ vào số lượng HS đăng ký bài thi tự chọn để tăng thêm tiết ôn tập. Từ đề thi tốt nghiệp THPT minh họa và kinh nghiệm giảng dạy khối 12 trong những năm qua, ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn tiến hành họp phân tích bộ đề, bàn bạc để biết được ma trận các đề, mức độ khó, dễ như thế nào nhằm giúp HS ôn tập, hướng dẫn kỹ năng làm bài có điểm cao.
Chiến thuật “đánh trọng tâm”
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho rằng áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới đã giảm so với những năm trước. Do HS có thể thực hiện xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ nên kỳ thi chỉ còn mục tiêu xét tốt nghiệp và do các trường ĐH mở rộng tổ hợp xét tuyển, có nhiều tổ hợp mới có thể sử dụng các bài thi xã hội… nên việc trúng tuyển vào các trường ĐH có điểm chuẩn cao, trường tốp trên mới khó. Từ đó việc tổ chức ôn thi cho HS cũng có sự phân tầng, những trường HS có mặt bằng học lực nhỉnh hơn sẽ tập trung vào chiến thuật “đánh trọng tâm”, ôn theo định hướng xét tuyển ĐH chứ không còn ôn dàn trải 6 môn thi như trước.
Ông Bình cho biết để giảm áp lực và dành thời gian thẩm thấu kiến thức, từ khi thi học kỳ xong cho đến ngày gần thi, HS sẽ học một buổi. Thời gian trên lớp, giáo viên sử dụng để cung cấp kiến thức ôn tập, sửa những bài tập đã giao, giải quyết vấn đề học trò còn thắc mắc.
Sau khi HS hoàn thành các bài kiểm tra học kỳ 2 thì Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) tổ chức cho HS ôn tập kiến thức theo định hướng. Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ do hầu hết HS đều tham gia xét tuyển vào các trường ĐH có kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nên kế hoạch ôn tập cũng được xây dựng theo mục tiêu nói trên. Về thời lượng, bà Ngọc Dung cho hay HS sẽ học tập trung một buổi tại trường, buổi còn lại sẽ ôn kiến thức và làm các bài tập mà giáo viên giao. Thêm vào đó, với việc gần như 100% HS đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực, nhà trường cũng sắp xếp thời lượng phù hợp cho việc ôn tập cấu trúc, kỹ năng, nội dung kiến thức theo bài thi đánh giá năng lực.
Theo Bích Thanh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)