Vẫn với cấu trúc 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm), ngoài kiến thức, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn năm 2020 tại TP.HCM còn đánh giá cao kỹ năng làm bài của thí sinh.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) học môn văn tại thư viện trường. Ảnh: Q.Long
Theo nhiều giáo viên môn văn, để làm tốt bài thi, bên cạnh việc phân biệt các dạng đề, thí sinh cần lưu ý cách diễn đạt, cách đưa dẫn chứng…
Học theo chủ đề, làm nhiều rèn văn hay
Theo thầy Võ Kim Bảo (giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du, Q.1): Ở phần đọc hiểu, nhiều học sinh có quan điểm sai lầm là trong đề thi tuyển sinh, kiến thức này là phần bài tập thuộc phân môn tiếng Việt. Thật ra, đây là bài tập tổng hợp cả 3 phân môn: Văn học, tiếng Việt và tập làm văn. Do vậy, để đạt điểm cao phần này, các em cần ôn tập đầy đủ cả 3 phân môn. Với phân môn tiếng Việt, các em nên giải lại các bài tập trong sách giáo khoa để củng cố kiến thức, chủ yếu là nội dung tiếng Việt khối 9. Phần tiếng Việt những lớp dưới cần nhắc lại các biện pháp tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…). Trong phân môn tập làm văn, các em cần rèn kỹ năng viết đoạn văn, chú ý một số dạng câu hỏi về xác định phương thức biểu đạt, nêu chủ đề của văn bản/đoạn trích, xác định câu chủ đề của văn bản/đoạn trích, đặt nhan đề cho văn bản/đoạn trích, xác định các phép liên kết hình thức… Đối với phân môn văn học, các em cần ghi nhớ tên tác giả, tác phẩm, tránh nhầm lẫn tên tác phẩm và tên đoạn trích. Chú ý phân biệt thể loại (truyện, thơ, kịch, ký) và nắm chắc nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật cơ bản của tác phẩm.
Ở phần nghị luận xã hội, học sinh cần nắm chắc phương pháp làm 2 dạng bài nghị luận xã hội, đó là nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Muốn vậy, khi ôn tập, các em lưu ý phân biệt kỹ khái niệm, cách làm của từng dạng. Hãy đọc nhiều đề bài, tham khảo nhiều bài mẫu để phân biệt được yêu cầu viết văn bản theo dạng bài nào, tránh nhầm lẫn. Đặc biệt, để có những dẫn chứng hay, thuyết phục cho bài văn nghị luận xã hội, các em nên thường xuyên theo dõi tin tức thời sự trên các kênh chính thống để có thêm hiểu biết xã hội và cái nhìn đầy đủ, toàn diện trước một vấn đề nghị luận. Trong khi đó, với yêu cầu nghị luận về một tư tưởng đạo lý, để bài viết sâu sắc, các em có thể đọc tham khảo những cuốn sách về đạo lý nhằm nâng cao nhận thức bản thân về cuộc sống, như cuốn “Hiểu về trái tim” của thiền sư Minh Niệm là một ví dụ. Ngoài ra, luyện viết là cách tốt nhất để ôn tập phần văn nghị luận xã hội. Tuy nhiên, đề bài nghị luận xã hội là không có giới hạn, bên cạnh luyện viết một số đề hay, các em có thể tham khảo thêm đề trên mạng hoặc tài liệu, luyện tập tìm ý và lập dàn ý cho đề. Một điểm lưu ý nữa khi ôn tập dạng văn này là kỹ năng trình bày dẫn chứng, người học cần tập đưa dẫn chứng vào bài một cách hợp lý, tránh tình huống có dẫn chứng nhưng nêu dẫn chứng không phù hợp cũng khó ghi điểm.
Cuối cùng, trong phần nghị luận văn học, các em cần nắm chắc 2 dạng bài cơ bản là nghị luận về một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Đề thi thường là các dạng bài tổng hợp, có sự liên hệ, so sánh, đối chiếu, thường thấy như: Nghị luận A và liên hệ, so sánh với B để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện/ Nghị luận A sau đó liên hệ bản thân hoặc liên hệ thực tế cuộc sống. Ngoài dạng bài cơ bản, học sinh khá, giỏi có thể chọn đề nghị luận văn học thứ hai thường là một đề lý luận văn học.
Khi ôn tập phần văn nghị luận văn học, học sinh cần nắm những lưu ý riêng trong thơ và truyện. Cụ thể, ở tác phẩm truyện, cần nắm rõ cốt truyện, tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, học thuộc một số dẫn chứng tiêu biểu để đưa vào bài. Chú ý ý nghĩa các chi tiết trong truyện. Bài nghị luận văn học là phân tích, lý giải, bàn luận về các chi tiết chứ không phải thuật lại các chi tiết trong truyện. Nếu thuật lại các chi tiết mà không có các kiến giải, nhận định thì bài văn sẽ giống như một bài kể chuyện và điểm sẽ không cao. Với các tác phẩm thơ, học sinh cần lưu ý phân tích thơ đi từ nghệ thuật đến nội dung, ý nghĩa. Đặc biệt, tránh diễn xuôi ý thơ hoặc chỉ nêu nội dung, ý nghĩa, bài nghị luận sẽ không đạt yêu cầu. Các em nên ôn theo chủ đề như về người lính, người lao động, người phụ nữ trong xã hội phong kiến, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên…
Viết văn cần ưu tiên viết đúng trước, viết hay sau. Để viết hay các em cần phải rèn luyện nhiều. Tài liệu tham khảo tốt nhất là đề thi tuyển sinh lớp 10 của các năm vừa qua. Ngoài ra, các em cũng có thể coi văn mẫu như một kênh tham khảo hiệu quả để học tập cách diễn đạt, cách dẫn dắt của những bài văn hay, học những câu văn hay. Thậm chí, với học sinh khá, giỏi, các em có thể tập tìm những điểm bất hợp lý, chưa hay trong bài văn mẫu để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nắm chắc kiến thức, rèn kỹ năng làm bài
Cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên môn văn Trường Trung học Vinschool Central Park, TP.HCM) cho biết, đề thi môn văn không đơn thuần là kiến thức khô cứng, sách vở mà đòi hỏi thí sinh tư duy và sáng tạo. Điều này không có nghĩa là các em không cần học kiến thức cơ bản mà trái lại, người học cần ghi nhớ kiến thức cơ bản đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết để làm bài.
Ở phần đọc hiểu, học sinh cần nắm vững các kiến thức về từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt. Chú ý trang bị kỹ năng xử lý bài đọc hiểu, biết xác định nghĩa các từ và cụm từ trong văn bản, đoán hiểu ý nghĩa của một từ mới trong văn bản, phát hiện các ý chính và các chi tiết bổ trợ, hiểu vấn đề và giải pháp được đề cập trong văn bản, phát hiện mục đích của tác giả; liên hệ văn bản với thế giới thực hoặc với các văn bản khác có liên quan… Kiến thức cơ bản sẽ là nền tảng để có được kỹ năng làm bài.
Với phần nghị luận xã hội, đề thường yêu cầu tạo lập văn bản trình bày quan điểm về một vấn đề quan trọng có ý nghĩa đối với bản thân học sinh và xã hội. Để đạt kết quả cao trong phần này, trước hết các em cần đảm bảo viết đúng yêu cầu của một văn bản nghị luận xã hội với đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Trong đó mở bài nêu vấn đề, thân bài nêu cấu trúc và kết bài là kết luận lại vấn đề. Sai lầm thường gặp với các em trong dạng bài này là dễ lạc đề khi không hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Do vậy, các em cần phải đọc kỹ đề, xác định trọng tâm của đề và có hướng triển khai các luận điểm. Cạnh đó, cũng phải chú ý cách lập luận tránh bài viết rời rạc, vụn vặt, khô cứng. Sử dụng hợp lý, đúng lúc đúng chỗ những thao tác lập luận cơ bản như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…; triển khai các luận điểm một cách sắc sảo, đưa ra và phân tích các luận chứng tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề. Cuối cùng, để bài văn nghị luận xã hội sâu sắc, các em cần phải có liên hệ, rút ra bài học nhận thức và bài học hành động cho bản thân với quan điểm mang tính cá nhân cao.
Phần nghị luận văn học yêu cầu các em trình bày quan điểm về một vấn đề thuộc lĩnh vực văn học. Do đó, các em cần đảm bảo các yêu cầu về mở bài, thân bài, kết bài. Đồng thời nắm rõ các đặc trưng riêng về kiến thức và kỹ năng. Về kiến thức, các em cần nắm vững kiến thức trọng tâm của các tác phẩm, không học tủ, học vẹt. Về kỹ năng, ngoài nắm vững các kỹ năng cơ bản của việc tạo lập văn bản, các em phải nêu được tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật… Chú ý cân đối giữa các phần, xác định vấn đề trọng yếu của bài làm để đạt kết quả cao.
Để ôn tập hiệu quả, các em cần xây dựng thời gian biểu hợp lý và thực hiện một cách nghiêm túc. Song song kỹ năng tự học, các em cần chú ý xây dựng kỹ năng làm bài. Việc làm bài tập theo các dạng đề thi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để rút ra kinh nghiệm cho bản thân về việc xử lý đề, triển khai luận điểm, phân bố thời gian giữa các câu, các phần…
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)