Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi vào lớp 10: Các trường tăng tốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ có gần 20.000 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS năm học 2010-2011 không đủ điều kiện để vào lớp 10 công lập. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc chương trình học kỳ 2, nhiều trường THCS đã gấp rút tổ chức ôn tập cho HS lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
“Trực tuyến” với phụ huynh để kiểm soát việc ôn luyện
“HS của trường chủ yếu là HS trung bình nên trong kế hoạch ôn tập, ban giám hiệu vẫn bám sát kế hoạch ôn tập của giáo viên, đồng thời tiếp tục theo dõi sổ đầu bài hàng ngày để kịp thời hướng dẫn đồng nghiệp cách ôn tập cho những HS… lười. Cụ thể, nhà trường đang triển khai ôn tập cho HS khoảng 35 tiết/tuần. Ngoài ra, 15 đoàn viên là giáo viên các bộ môn toán, văn, Anh văn dạy các lớp dưới sẽ hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp 9 trong việc dò bài. Việc dò bài hoàn toàn là do HS tự nguyện, nếu tuần này các em chưa thuộc bài thì sẽ tự nguyện đăng ký trả bài vào tuần sau. Việc dò bài cũng không đi quá số lượng thời gian 7 tiết ôn tập/ngày”, cô Phạm Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q. Bình Thạnh) chia sẻ.
Ngoài việc ôn tập cho HS, giáo viên Trường THCS Điện Biên còn thường xuyên trao đổi tình hình ôn tập ở nhà của HS với phụ huynh qua mạng lưới tin nhắn do tổng đài Viettel hỗ trợ. Theo đó, giáo viên bộ môn sẽ lên mạng và gửi tin nhắn vào máy điện thoại của phụ huynh nhằm cung cấp những thông tin như các em đã học phần nào ở trên lớp? Về nhà nên ôn luyện thêm phần nào… để phụ huynh dễ kiểm soát quá trình ôn tập của con em mình. Đặc biệt, với những HS không thuộc bài thì giáo viên sẽ gửi chi tiết phần nào mà các em chưa học để phụ huynh biết cách giúp đỡ con ôn tập.
Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cũng bắt đầu chương trình ôn tập cho HS với lực lượng “trợ giúp” là những giáo viên trẻ. Cô Hồ Thị Tuyết Tơ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường tăng tiết ba môn toán, văn và tiếng Anh từ 4-5 tiết lên 7-8 tiết/ tuần. Đặc biệt, mỗi buổi sáng Ban giám hiệu cử hai giáo viên là đoàn viên kết hợp với các giáo viên bộ môn khác tổ chức khảo bài HS. Việc khảo bài không hề gây áp lực căng thẳng cho các em, đơn giản là giúp HS củng cố lại những kiến thức cơ bản. Hiện tại, các trường THCS Nguyễn Du (Q.1), THCS Đống Đa (Bình Thạnh), THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình) đã bắt đầu ôn tập cho HS. Theo khảo sát của chúng tôi, các trường đều thực hiện đúng chỉ đạo của Sở GD-ĐT, việc ôn tập không gây căng thẳng cho các em. Cô Đinh Thị Ngọc Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, cho biết nhà trường chỉ ôn tập vào buổi sáng cho HS với thời lượng năm tiết, còn buổi chiều giáo viên đưa ra đề cương để các em tự học ở nhà vì thế chương trình ôn tập khá nhẹ nhàng.
Tập trung vào kiến thức cơ bản
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết nội dung đề thi tuyển sinh vào lớp 10 nằm trong chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu là chương trình lớp 9. Vì thế, giáo viên hãy ôn tập nhẹ nhàng, thoải mái cho HS đúng theo phần cấu trúc đề thi mà sở đã hướng dẫn”.
Đối với môn văn, cô Phạm Thị Thủy cho rằng HS có học lực trung bình cần ôn tập những phần lý thuyết cơ bản nhất, sau đó mới đến các vấn đề về nghị luận xã hội. “Đối với văn nghị luận xã hội giáo viên nên cho các em ôn tập theo dàn ý với các dạng như lòng biết ơn, đạo đức, các vấn đề nổi bật của xã hội trong thời gian gần đây… HS dựa vào dàn ý để triển khai ý chính, sau đó mới phát huy tính sáng tạo của mình”, cô Thủy chia sẻ. Còn môn toán, thầy Nguyễn Trọng Bỉnh, Tổ trưởng bộ môn toán Trường THCS Lê Quý Đôn, đưa ra lời khuyên: “HS cần nắm vững các kiến thức trọng tâm trong SGK lớp 9. Phần đại số, chú trọng ôn tập các phép tính về căn thức, giải các phương trình bậc hai, phương trình trùng phương, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn… Trong phần này, các em cần chú ý đến hệ số vô tỉ, định lý Viét và các ứng dụng của nó; parabol và mối quan hệ với đường thẳng. Ở phần hình học, muốn làm được bài các em cần có kiến thức căn bản lớp dưới, chú ý đến những kiến thức về tam giác đồng dạng, hệ thức lượng trong tam giác vuông, tỷ số lượng giác, tứ giác nội tiếp, các vấn đề về đường tròn… Một số HS trung bình – yếu thường có chủ trương bỏ hẳn phần hình học là không đúng, vì thực chất mấy câu đầu của bài hình rất dễ lấy điểm”.
Thầy Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên bộ môn tiếng Anh (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết cấu trúc đề thi môn tiếng Anh cũng giống như năm trước. Nội dung đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 nhưng muốn làm được bài cần liên hệ cả kiến thức lớp dưới. Độ phân hóa của đề đúng theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phần nhận biết khoảng 40%, phần thông hiểu 40% và phần vận dụng khoảng 20%. “Khi ôn tập, HS thường chú ý phần ngữ pháp nhưng tôi thấy các em nên cố gắng ôn từ vựng để đọc bài cho hiểu cũng hết sức quan trọng”, thầy Lữ khuyên.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)