Theo hướng dẫn của các thầy, cô giáo, ở thời điểm sát với kỳ thi đại học này, học sinh nên luyện viết môn văn và hệ thống theo mảng kiến thức ở môn địa lí…
|
Học sinh tranh thủ ôn bài.
|
Môn văn: Luyện viết
Thầy Lê Phạm Hùng, giáo viên văn, trường THPT Hà Nội – Amsterdam: Dự báo, đề thi sẽ ra ba câu kiểu đề thi tốt nghiệp THPT môn văn vừa qua, có nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
Năm nay khó ra đề vì mới thay sách giáo khoa. Thí sinh cần bám sát sách giáo khoa. Một số tác phẩm mới được đưa vào chương trình cải cách không được kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng thí sinh không nên bỏ qua.
Những đề nghị luận xã hội sẽ thực sự cởi mở theo tinh thần cải cách, cho phép người dự thi tự do hơn trong cách suy nghĩ. Với loại đề này nên viết theo suy nghĩ, không nên học thuộc lòng vì đề sẽ có các cách hỏi khác nhau.
Thời gian còn lại rất ít, thí sinh không nên đi học thêm, cũng không phải lúc ngồi học thuộc lòng văn mẫu nữa mà phải luyện viết. Thí sinh nên tập viết những đề bài ngắn. Hai ngày viết được một bài và nếu có thể, nhờ giáo viên giúp chữa và góp ý.
Thí sinh có thể học theo nhóm, làm bài viết và trao đổi ý kiến sẽ có hiệu quả hơn việc học một mình.
Môn địa lý: Ôn theo mảng kiến thức
Ông Lê Thông, tổng chủ biên sách giáo khoa địa lý THPT, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội: Thí sinh học tất cả các kiến thức trong chương trình, đề thi sẽ không đánh đố. Đề sẽ gồm câu hỏi cho học sinh có điểm và câu hỏi phân hóa thí sinh.
Một điều cần lưu ý, thí sinh căn cứ vào cuốn cấu trúc đề thi do Cục Khảo thí Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT phát hành để ôn tập.
Cách ôn tốt nhất là theo từng mảng kiến thức chủ yếu của chương trình lớp 12. Ví dụ các mảng khác nhau liên quan đến địa lý tự nhiên, địa lý dân cư (hai mảng này nằm trong một câu hỏi và được hai điểm). Mảng kinh tế nhiều điểm nhất (ba điểm).
Sau đó, thí sinh nên luyện để làm phần thực hành. Có ba kỹ năng, trong đó chủ yếu là kỹ năng xây dựng các biểu đồ, nhận xét và vẽ lược đồ, định vị một số nội dung yêu cầu.
Lịch sử: Tránh lạc đề
Thầy Từ Quang Hiển, Chủ nhiệm Bộ môn Đảng Cộng sản Việt Nam, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nên tham khảo tài liệu bộ đề thi cũ của Bộ GD&ĐT phát hành trước đây: “Đề thi tuyển sinh và hướng dẫn làm bài môn lịch sử”, vì kiến thức trong bộ đề này bao quát cả chương trình.
Khi làm bài, thí sinh không xem đáp án trước, tự mình làm theo đúng thời gian và so sánh đáp án xem có đảm bảo yêu cầu không, chỗ nào chưa đúng, còn thiếu thì học, không nhất thiết đúng từng câu, từng chữ, chỉ cần đúng ý.
Nếu mỗi ngày thí sinh giành ba tiếng đồng hồ cho một môn thi thì vẫn có đủ thời gian cho kỳ thi tới.
Hồ Thu thực hiện (TPO)
Bình luận (0)