Một giờ học với phương pháp one to one Elearning tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM)
|
Hiện phương pháp dạy học one to one (một thầy – một trò) đang được nhiều trung tâm ngoại ngữ áp dụng. Còn với các trường học, mặc dù nhiều năm nay ngành GD-ĐT TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung không ngừng khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học cá thể; thế nhưng, với một lớp 40-45 học sinh, liệu giáo viên có thể thực hiện việc dạy học cá thể?
Biến điều không thể thành có thể
Phương pháp dạy học one to one thường đi theo trình độ và nhu cầu của học sinh hơn là cấu trúc bài học. Tại lớp học one to one, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết hơn. Với phương pháp này, thay vì giáo viên làm trung tâm thì học sinh bình đẳng hơn trong việc đưa ra quyết định, ý kiến. Tuy nhiên, phương pháp này khó có thể áp dụng trong điều kiện trường lớp quá tải như hiện nay trên địa bàn TP.HCM…
Với một lớp có 40-45, thậm chí là 50 học sinh thì làm sao giáo viên có thể dạy học theo hướng cá thể, quan tâm đến từng học sinh. Song, theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin – Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM), phương pháp dạy học one to one Elearning là có thể thực hiện được. One to one Elearning là dạy học cá thể có sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ vào việc dạy học.
Phương pháp này đã và đang được ứng dụng ở những nước có nền giáo dục tiên tiến. Còn tại Việt Nam, phương pháp dạy học này đã được triển khai thí điểm tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) và một số trường ở Q.10, Q.Tân Phú…
Để thực hiện phương pháp dạy học này, phòng học phải gắn wifi, máy của giáo viên là máy chủ, mỗi học sinh (trong điều kiện khó khăn có thể là hai em) một máy tính học sinh (Classmate PC – CMPC). Tất cả máy tính đều đã được cài đặt phần mềm mô hình dạy học “One to one” do Tập đoàn Intel hỗ trợ. Vào tiết học, bài giảng của giáo viên được chuyển đến máy tính của học sinh. Trong lớp học sẽ không còn bảng đen, phấn trắng, sách giáo khoa, tập vở và bút viết như thông thường nữa. Tất cả đều làm việc trên máy vi tính. Và đương nhiên, học sinh cũng làm bài tập trên máy vi tính. Khi giáo viên chỉ định một học sinh nào đó đứng lên trả bài thì phần bài làm của em này sẽ được truyền tới màn hình máy tính của giáo viên cũng như tất cả các màn hình máy tính khác trong lớp.
“Điểm nổi bật của chương trình này là phần mềm kiểm tra. Học sinh làm bài trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn là 3 phút. Hết 3 phút thì chương trình tự tắt, học sinh có muốn làm nữa cũng không được. Phần mềm này sẽ tự chấm điểm cho học sinh. Và tất cả đều được hiện lên màn hình máy tính”, ông Tuấn cho biết.
Giáo viên năng động, học sinh tự tin
Có thể nói những tiện ích mà phương pháp dạy học one to one Elearning đem lại là rất lớn. Đối với giáo viên sẽ không cần phải nói nhiều, càng không phải ôm cả chồng tập vở của học sinh về nhà thức trắng đêm để chấm. Còn với học sinh, làm bài xong là các em biết ngay điểm của mình…
“Lớp học rất thân thiện, học sinh được thể hiện tâm trạng của mình. Các em có thể vui mừng khi làm bài đúng, được điểm cao. Ngược lại, với một số em không đạt điểm cao thì cũng tỏ thái độ ngay. Đặc biệt là các em nhanh chóng biết mình sai ở chỗ nào để kịp thời khắc phục. Tham dự những tiết học với phương pháp dạy học one to one Elearning tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), mọi người cảm nhận rất rõ điều này”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn, one to one Elearning thể hiện tinh thần dạy học của thế kỷ 21 với 5 nội dung. Đầu tiên là giáo viên dạy học không theo phương pháp đọc chép trước đây mà tạo môi trường cho học sinh tự khám phá. Học sinh tự khám phá không phải là giáo viên đưa ra một bài tập rồi bắt các em mò mẫm mà xuất phát từ năng lực của mỗi học sinh. Ví dụ, với bài tập này, những học sinh có học lực trung bình thì chỉ làm được 15-20%, còn với những học sinh khá thì lên tới 40-50%, học sinh giỏi thì 70-80% và hơn thế nữa. Giáo viên hiểu điều đó và không đòi hỏi cao hơn ở các em. Đồng thời, từ quy trình giáo viên dạy trên lớp, học sinh về nhà làm bài tập thì phương pháp này sẽ làm ngược lại. Học sinh sẽ học bài ở nhà trước, hôm sau đến lớp trình bày những hiểu biết của mình về bài học. Giáo viên sẽ đúc kết nội dung bài học và hướng dẫn kiến thức cho học sinh.
Nội dung thứ 2 là chia sẻ thông tin – nhằm nâng cao và củng cố kiến thức cho học sinh. Trong lớp có nhiều học sinh nên có nhiều trình độ khác nhau, giáo viên sẽ tạo môi trường để các em chia sẻ thông tin với nhau, mỗi em đưa ra một ý kiến để từ đó tìm ra đáp án hay nhất. Đây là cách học rất hiệu quả. Nội dung thứ 3 là phản hồi tích cực, tức là học sinh phải có văn hóa trong cách giao tiếp, ứng xử với bạn bè trong giờ học. Nội dung thứ 4 là hợp tác để tất cả cùng tiến bộ, thể hiện tinh thần làm việc theo nhóm rất cao.
Và cốt lõi nhất, quan trọng nhất là nội dung thứ 5 – học sinh tự rút ra được tri thức. Nắm được bài giảng, kiến thức, các em sẽ nhớ rất lâu…
Bài, ảnh: Kim Anh
Muốn áp dụng phương pháp này các trường phải trang bị máy tính cho học sinh với phần mềm do Intel hỗ trợ. Đối với giáo viên, khi áp dụng phương pháp này cần chia lớp ra thành nhiều nhóm học sinh (yếu, trung bình, khá, giỏi). Để tất cả học sinh cùng tốt hơn thì người thầy phải biết cách khuyến khích các em chia sẻ thông tin với nhau. |
Bình luận (0)