Liên Hiệp Quốc đã bầu lại ông Ban Ki Moon làm tổng thư ký nhiệm kỳ thứ hai, “giữa những mâu thuẫn và khủng hoảng gia tăng”, theo bình luận của AFP.
Ông Ban Ki Moon tuyên thệ trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc – Ảnh: Getty Images |
Vị cựu bộ trưởng ngoại giao người Hàn Quốc 67 tuổi đã tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nhiệm kỳ năm năm tiếp theo của ông sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2012 và kết thúc năm 2016.
Ông Ban đã có bài phát biểu với các đại sứ và nhà ngoại giao ở đại bản doanh của Liên Hiệp Quốc sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố.
“Không ai hiểu rõ những gánh nặng của vai trò này hơn ông và chính phủ (Mỹ) rất vui mừng vì ông đã nhận trách nhiệm đó”, AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice ca ngợi ông Ban sau khi ông được tái cử. “Tổng thư ký Ban đã là một nhà vô địch vì hòa bình và an ninh”. Bà Rice cũng cho rằng vị trí của ông Ban là “một trong những công việc khó khăn nhất thế giới”.
Ngoại trưởng Hàn Quốc, Kim Sung Hwan, nói trước Đại hội đồng rằng đó có vẻ là “công việc bất khả thi nhất trên trái đất”, nhưng đất nước quê hương của ông Ban chào đón tin này với “niềm vui lớn”. Từng lớn tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Ả-rập trong những cuộc cách mạng gần đây, nhưng cũng bị một số nhóm nhân quyền kết tội, ông Ban đã biết chắc việc mình tái cử từ vài tháng trước.
Ông chính thức tuyên bố ra ứng cử hai tuần trước và nhận được sự ủng hộ của Hội đồng bảo an vào ngày thứ sáu. Không có ứng viên nào cạnh tranh với ông và Đại hội đồng đã nhanh chóng bỏ phiếu để ông Ban tái cử.
Trong bài phát biểu, ông Ban nói biến đổi khí hậu, một đề tài mà Liên Hiệp Quốc đã phải vật lộn trong suốt năm năm nhiệm kỳ trước của ông, là thách thức lớn nhất với tổ chức vào thời điểm này. Ông gọi cuộc chiến chống hiện tượng ấm lên toàn cầu là “ưu tiên quan trọng nhất” của loài người.
Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ những người biểu tình trong các cuộc cách mạng ở thế giới Ả-rập. Ngay trước khi tái cử, ông Ban đã lên tiếng hối thúc Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành các cải cách “không trì hoãn” sau khi ông Assad lên tiếng đề nghị thương lượng với những người biểu tình.
Thái độ cứng rắn của ông Ban với Libya và Syria, theo AFP, khiến Trung Quốc và Nga không hài lòng, nhưng ông cũng không có hành động gì trong năm năm nhiệm kỳ trước để làm mất lòng các thành viên của Hội đồng bảo an, bao gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Anh đến mức họ phải dùng đến quyền phủ quyết loại ông ra.
Các nhóm nhân quyền phương Tây thì lại không hài lòng về kiểu “ngoại giao im lặng” của ông. Họ chỉ trích ông đã không chú ý đúng mức đến vấn đề Myanmar và việc Lưu Hiểu Ba, nhà ly khai được giải Nobel hòa bình của Trung Quốc, hiện đang bị bắt giam, trong cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào tháng 11-2010.
“Tôi hiểu rằng tôi không phải là một người hoàn hảo. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu”, ông Ban nói. “Tôi cũng là người có điểm yếu, nhưng điểm yếu có thể được bù đắp bằng trí tuệ, bằng sự ủng hộ của các bạn và của những cố vấn lâu năm của tôi”.
H.MINH (TTO)
Bình luận (0)