Nhân dịp kỷ niệm 27 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2009), Báo Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang về kinh nghiệm quản lý cũng như truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
* Chào ông, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc?
– Ông Bùi Văn Dũng: Là người hoạt động trong ngành giáo dục, ai ai cũng rất tự hào vì truyền thống tôn sư trọng đạo. Chính vì truyền thống tốt đẹp này mà qua hàng nghìn năm bị đô hộ bởi quân xâm lược phương Bắc nhưng dân tộc ta không bị mất gốc, và cụ thể trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đô hộ và đế quốc Mỹ xâm lược đã có hàng ngàn, hàng vạn thầy giáo, cô giáo và kể cả sinh viên sư phạm đã tình nguyện tham gia kháng chiến, vào bộ đội, gia nhập thanh niên xung phong, sẵn sàng xả thân để chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trong hoà bình, truyền thống này tiếp tục được khơi dậy và được phát huy hơn nữa, đội ngũ nhà giáo là hình tượng cao quý, là niềm tự hào, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một phồn vinh.
* Giá trị nhân văn của nhà giáo trong thời chiến và thời bình có khác nhau?
– Một trong những giá trị nhân văn, giá trị tuyền thống của người thầy luôn được xã hội tôn vinh đó là tinh thần chính nghĩa, không ham danh lợi, hết lòng hết sức vì đàn em thân yêu. Thế nên, mới có những nhà giáo từ bỏ danh lợi, từ quan về ở ẩn để mở trường dạy học với mong muốn đem tri thức truyền đạt lại cho thế hệ đời sau, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Trong bất kỳ giai đoạn nào, đức hy sinh của các nhà giáo luôn sáng ngời và ngày càng được hun đút, chăm bồi theo thời gian. Trong thời chiến, các Nhà giáo luôn đứng ở tư thế sẵn sàng trên các mặt trận, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hay dùng ngòi bút sắt bén của mình để tham gia chống “giặc ngoại xâm” và dùng tri thức của mình để tham gia chống “giặc dốt”. Trong thời bình, vào những năm đầu giải phóng, với đồng lương ba cọc ba đồng, nhưng các Nhà giáo vẫn bám trụ lấy nghề, không ngại khó khăn, lặng lẽ làm người đưa đò với mong muốn đem cái chữ đến cho thế hệ đời sau mà không hề đòi hỏi học trò phải đền đáp về vật chất, chỉ mong học trò của mình cố công học tập trở thành người có ích cho xã hội.
* Những suy nghĩ của ông về Ngày Nhà giáo Việt Nam và đôi lời nhắn nhủ đối với nhà giáo tỉnh nhà?
– Hàng năm, cứ vào thời điểm tháng 11, bất cứ ai trong ngành giáo dục khi ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam đều cảm thấy rất tự hào, vinh dự được đứng vào hàng ngũ nhà giáo, mang trong mình phẩm chất cao đẹp của nhà sư phạm mẫu mực.
Đối với các nhà giáo tỉnh Hậu Giang, tôi mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà sư phạm, làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Muốn thế các thầy giáo, cô giáo phải luôn cập nhật tri thức, chăm bồi về phẩm chất đạo đức, tích cực hơn nữa trong công tác giảng dạy; đồng thời thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của ngành như cuộc vận động “Hai không” về chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn liền với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức sáng tạo, tự học”.
* Kinh nghiệm quản lý của Ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang trong việc duy trì – nâng cao chất lượng đào tạo?
– Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang từ thực tế xuất phát điểm thấp, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải tiếp tục ra sức phấn đấu, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn trong khu vực. Không ngừng ra sức học hỏi, nỗ lực hơn nữa, phấn đấu đạt các chỉ số trung bình trong khu vực để sánh vai cùng ngành giáo dục của các tỉnh bạn đi trước.
* Xin cám ơn ông!
LÂM VIÊN
Bình luận (0)