Người dân ở khu phố 6 (Bình Chiểu – Thủ Đức) biết đến gia đình ông bà Lê Quang Kìu – một gia đình văn hóa cấp thành phố nhiều năm liền vì ông là người cán bộ khu phố dễ mến, luôn “trăn trở”, sát cánh cùng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và giúp họ vươn lên trong cuộc sống…
Cái thuở ban đầu
Tôi đến “tổ ấm” của ông Kìu khi đồng hồ điểm đến gần 12 giờ, ông Trưởng ban Công tác Mặt trận (KP.6) cùng người bạn đời đang loay hoay xếp lại từng tờ báo để bán. Chỉ tay vào kệ báo, ông phân trần: “Bây giờ tuổi đã cao, hai con cũng đã lớn, vợ chồng tôi chỉ biết làm bạn với sạp báo, vừa kiếm thêm thu nhập ở tuổi nghỉ hưu vừa để cho khuây khỏa”. Năm 1975, chàng trai trẻ tên Kìu rời quê hương Hải Dương tham gia bộ đội ở chiến trường miền Nam, là quân y sĩ bệnh viện Quân Đoàn 4. Và tại đây anh lính quân y chất phát đã nên duyên vợ chồng cùng người con gái miền Đông công tác cùng đơn vị (công nhân quốc phòng)”. Đôi vợ chồng trẻ xây dựng gia đình bằng nghiệp “quân y” trong những ngày đầu thật khó khăn. Đến năm 1989, được đơn vị cấp đất, đôi vợ chồng lính cùng đứa con đầu rời khu nhà tập thể ra ở riêng. “Tổ ấm” của anh chị là căn nhà cấp bốn chỉ rộng hơn 20m2. Cuộc sống khó khăn luôn “vây” đôi vợ chồng trẻ, nhất là khi hai đứa con đã chập chững bước vào lớp 1, trong khi lương chẳng được là bao, nhu cầu trang trải cho cuộc sống cứ tăng dần lên. Năm 1990 ông Kìu nghỉ hưu nhưng vì cuộc sống còn khó khăn, ngày ở nhà phụ vợ nuôi heo, đêm xuống anh lại đến công ty làm thêm. Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng anh chưa một lần “tiếng to tiếng nhỏ” với nhau, luôn đồng lòng trong việc giáo dục con cái, và chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống gia đình để cùng vượt qua.
Luôn làm gương cho con
Nói đến công tác ở khu phố, và với vai trò là chủ nhiệm Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” ở khu phố 6 (P. Bình Chiểu ) nhiều người thường nhắc đến gia đình ông bà, họ biết đến gia đình ông không chỉ về trách nhiệm công tác hội mà còn nhắc đến một gia đình gương mẫu. Đã hơn 50 tuổi, đời sống đỡ vất vả nhưng ông bà vẫn cố làm, bán hàng tạp hóa nhỏ và sạp báo. Thỉnh thoảng có người trong khu phố đau yếu đến nhờ ông truyền bình nước biển, bình đạm. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng “nhớ nghề” ông liền vui vẻ bỏ mọi công việc để giúp, và người đến nhờ ông truyền nước ngày một đông. Ông chia sẻ: “Có lao động mới đem lại niềm vui, hơn nữa làm gương cho hai cô con gái phải chăm chỉ học tập và làm việc thì tương lai mới rộng mở”. Ông bà Kìu vẫn luôn “sát cánh” cùng hai con, động viên các con học, đặc biệt, ông luôn tạo một bầu không khí hòa thuận trong gia đình. Ông chia sẻ: “Làm sao gia đình phải thực sự là một tổ ấm đúng nghĩa, bởi những áp lực cuộc sống bên ngoài đã rất nhiều thì khi về “tổ ấm” phải làm sao giải tỏa được những căng thẳng và quan trọng là mọi người hòa thuận tương trợ lẫn nhau trong gia đình. Để làm được điều đó, cha mẹ phải làm gương là điều tất yếu”. Ông bà luôn cùng chung một quan điểm “không áp đặt con cái bất cứ việc gì, luôn chia sẻ động viên và nhất là tạo cho con tính tự lập và niềm tin vào tương lai”. Và chính những điều đó, mà trong suốt những năm qua, bà con hàng xóm chưa một lần nghe “tiếng to tiếng nhỏ” xảy ra trong đại gia đình của ông. Đó cũng là yếu tố giúp ông bà liên tục đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa cấp thành phố”. Ông Kìu còn tham gia công tác xã hội với cương vị là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố, kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 12, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc. Những gia đình trong khu phố xảy ra chuyện là ông đều có mặt, đứng ra giải quyết các xích mích, hòa giải… “Nếu có thể làm được thì hãy nỗ lực hết mình để phục vụ xã hội, bù đắp những ngày gian khó đã qua, công tác xã hội không chỉ giúp mình khuây khỏa mà còn làm gương cho con cháu”, ông Kìu tâm sự.
Nguyên Hải
Bình luận (0)