Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ông đại sứ ba lần “chạm trán” đảo chính

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Vũ Hắc Bồng có 12 năm làm Đại sứ Việt Nam tại các nước Ghi-nê, Chi-lê, Mali, Mauritania và Angola, trong đó có ba lần chạm trán với đảo chính. Một ngày cuối năm, tại nhà riêng ở Q.7, TP.HCM, vợ chồng ông đã dành cho tôi buổi trò chuyện thú vị về quãng thời gian hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp.

Tiếp Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro

Ở “chảo lửa” đảo chính

Ông Bồng không hình dung nổi đời mình chứng kiến quá nhiều sự kiện đặc biệt ở Việt Nam cũng như thế giới. Ông là người được Bác ký lệnh cử làm đại sứ đặc mệnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Ghi-nê (24-7-1969).

Trước khi lên đường đi châu Phi, ông Bồng còn lo việc ngoại giao các đoàn quốc tế dự lễ tang Bác. Ông Bồng nhớ lại: Tôi đến Ghi-nê đúng năm sau, tức năm 1971 thì xảy ra đảo chính. Chúng tôi xác định: Đây là một trận chiến không dùng súng mà dùng tài tổ chức, lý lẽ… Sứ quán Việt Nam nhỏ, khó khăn nhưng cũng mở cửa đón tiếp người trú ẩn là dân, lực lượng tiến bộ, cả vợ con và lo ăn uống.

Lúc bấy giờ, Việt Nam chưa mở đại sứ quán ở các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với ta, ông Bồng kiêm nhiệm đại sứ tại Cộng hòa Mali và Mauritania (phía Nam sa mạc Sahara). Mauritania giành độc lập tháng 11-1960, tháng 3-1965 mở quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong ký ức của ông luôn đầy ắp kỷ niệm về những nơi ông đặt chân đến. Tại Mali, đầu năm 1972 ông gặp các chị, em người Việt tốt bụng. Họ là vợ của các sĩ quan cấp cao hàng binh, tù binh ở chiến trường Điện Biên Phủ được thả về, có người đảm nhận trọng trách lớn trong quân đội, Tổng Thanh tra quân đội Ghi-nê.

Sau ba năm làm đại sứ ở Ghi-nê, Mali và Mauritania, ông Bồng về nước, cũng trong năm 1972. Về đến Ga Hàng Cỏ thì hay tin vợ con đi sơ tán ở Quốc Oai – Sơn Tây. Hà Nội đang là điểm nóng của chiến tranh phá hoại. Đặt chân đến Bộ Ngoại giao, ông lại nhận lệnh làm đại sứ tại Cộng hòa Chi-lê. Ông còn nhớ như in lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Tình hình tại Chi-lê đang rất khó khăn. Anh đi lần này là đi chiến đấu, là ra chiến trường”. Nhiệm vụ cấp bách là vận động bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến ở Việt Nam và đoàn kết, gắn bó ủng hộ bạn.

Chiến sự tại Chi-lê cực kỳ nóng. CIA muốn xoay chuyển tình thế tìm cách phá hoại kinh tế, tổ chức nhiều cuộc bạo động, bắt cóc, ám sát. Trước tình hình này, ông yêu cầu cán bộ sứ quán Việt Nam trong tư thế sẵn sàng, cần thiết là hủy các tài liệu quan trọng, tài liệu mật, cơ yếu, dự trữ lương thực vài ba tuần và phân phát 40.000 USD cho nhiều người giữ. Sáng 11-9-1973, một ngày đáng nhớ với ông và là một sự kiện đặc biệt trong 12 năm làm đại sứ.

Đại sứ Vũ Hắc Bồng tên thật là Đậu Đình Phức (sinh 1927 tại Nghệ An). Trước khi giữ chức Phó ban Tác huấn kiêm Trưởng ban Dân quân Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ, ông có 2 năm chỉ huy Tỉnh đội Hải Dương. Hiệp định Genève 1954 ký kết, ông được điều động về Ban Thi hành Hiệp định đình chiến Nam bộ (Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam). Ông còn là ủy viên phái đoàn Đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên lạc hai bên Pháp – Việt quản lý khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 Vĩnh Linh – Quảng  Trị (1955-1958), sau đó biệt phái sang Bộ Ngoại giao. Từ 1982 đến 2002, ông giữ chức Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. 

Quân đội bao vây Tổng hành dinh của Tổng thống Allende. Chiều hôm ấy, Đại sứ quán Việt Nam bị bao vây. Có tin ông Allende đã chết. Trưa, đài của quân đảo chính đưa tin Allende tự sát. Tình hình rất nguy, ông Bồng sử dụng binh vận yêu cầu cán bộ đứng trong hàng rào tiếp chuyện, mời cà phê, rượu lúa mới, bánh trái và cả thuốc lá đối với cảnh binh, lính dù. Nhờ công tác binh vận tốt mà cán bộ được ra ngoài mua lương thực, tìm cách nắm tình hình và giúp những người cách mạng Chi-lê đang gặp khó khăn. Trong 4 ngày đảo chính, ông nhớ mãi quyết định mạo hiểm khi một người mẹ chạy vào sứ quán cầu cứu đứa con trai bị bệnh tim nặng. Quân đảo chính bất ngờ trước một người Việt Nam quyết tâm cứu người Chi-lê trong hoạn nạn, họ đã đồng ý và còn yêu cầu cắm cờ Việt Nam trên xe khi vào bệnh viện. “Đảo chính đang rất căng, ra đường vào giờ giới nghiêm có thể bị bắn, không thì đạn lạc… nhưng phải cứu người. Sau này, người mẹ có nói với chúng tôi: Người Việt Nam đã cứu con tôi”, ông Bồng kể tiếp.

Sau đảo chính, Chi-lê sống dưới quyền của tướng Augusto Pinochet Ugarte. Sứ quán Việt Nam nhận lệnh trong nước là phải đóng cửa, rút anh em cán bộ về nước. Sau này Đại sứ quán Việt Nam đã đặt lại tại Chi-lê.

Angola giành độc lập ngày 11-11-1975 thì hôm sau đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 7 năm làm đại sứ tại đây, ông Bồng ấn tượng nhất về tình người, dù người dân phải hứng chịu nạn đói, tị nạn… nhưng ý chí luôn mạnh mẽ, đặc biệt là tinh thần cách mạng, ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh.

Angola – nơi ông chạm trán với đảo chính lần thứ ba trong cuộc đời đại sứ. Đó là một cuộc đảo chính diễn ra khá yên ả, bị lực lượng phản công áp đảo dập tắt trong vòng 48 giờ.  

Đời thường của ông đại sứ

Gặp ông chẳng mấy ai tin ông là một đại sứ, hay Giám đốc Sở Ngoại vụ bởi sự giản dị, dáng dấp rất… nông dân. Đương chức, ông thường đi làm bằng xe đạp, ăn cơm bụi vỉa hè. Mỗi sáng, ông thường chuẩn bị những món quà có giá trị tinh thần để tặng bác xe ôm, anh công an, cô lao công… làm việc bên đường.

Sau 1975, ông Bồng có nhiều đóng góp trong giải quyết các chương trình nhân đạo, hợp pháp cho người Việt đoàn tụ. Năm 2000 ông là một trong 10 đại sứ được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao hàm Đại sứ suốt đời. Tháng 5-2006, kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Chi-lê (25-3-1971/ 25-3-2006), ông Bồng được Chính phủ Chi-lê tặng thưởng Huy chương Bernardo O’ Higgins hạng Gran Gruz, huy chương cao quý nhất Chi-lê dành cho người nước ngoài. Nguyên Tổng Lãnh sự Australia, Lisa Filipetto nhận xét về ông trong cuốn Chuyện đời đại sứ: “Tôi muốn nói rằng ông là một tấm gương sáng cho các nhà ngoại giao thế hệ sau này, từ các nước. Chúng tôi có thể học hỏi ở ông nhiều điều…”.

Trần Trọng Tri

Bình luận (0)