Ông Phan Như Tiếu trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh Q.Tân Bình
|
Trở về từ chiến trường, chịu mức thương tật 3/4 và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, song ông dặn lòng “Thương binh tàn nhưng không được phế”. Từ dặn lòng cùng với những lời răn dạy của Bác, ông tiến đến coi đó như một kim chỉ nam để sống và lặng thầm cống hiến…
Ông là Phan Như Tiếu. Trong bản “lý lịch trích ngang”, ông sinh năm 1933, cấp bậc: Đại tá, chức vụ: Nguyên Phó viện trưởng Chính trị Quân y Viện 7A – Cục Hậu cần Quân khu 7. Dẫu vậy, ông chỉ nhắc về mình với vai trò một cựu chiến binh, giữ trách nhiệm: Tổ trưởng Tổ dân phố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.13 rồi đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Q.Tân Bình, ở những đóng góp trong công cuộc dựng xây đất nước.
Đem lại sự bình yên cho khu phố
…Thời điểm năm 1989, ông đại tá sắp nghỉ hưu Phan Như Tiếu bỗng nhận được lời đề nghị từ một cán bộ công an phường: “Chú đảm trách vai trò tổ trưởng tổ dân phố nhé!”. Ông gật đầu cái rụp. Một phần bởi ông muốn xóa đi quan niệm ăn len trong ý nghĩ nhiều người: Nghỉ hưu là hết nhiệm vụ, nghỉ hưu là… nghỉ làm, nghỉ tham gia công tác xã hội. Song, vấn đề quan trọng thôi thúc ông nhận lãnh sứ mệnh này là vì bấy giờ, tình hình xã hội diễn biến khá phức tạp với mại dâm, ma túy, mạnh ai nấy sống, trên nói dưới không nghe, thiếu sự gắn bó, đoàn kết để có thể đẩy lùi các tệ nạn. Ông kể: “Vì tình hình ai cũng mặc ai nên có gia đình vợ chồng giáo viên, nửa đêm bị cướp cũng không dám la lên để nhờ xóm làng giúp đỡ khiến tội phạm được nước lộng hành, an ninh nhiễu loạn”.
Giữ vai trò này, việc đầu tiên của ông là thành lập một câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi thành viên vận động người dân nơi mình sống biết giữ gìn vệ sinh, thấy rác nhặt rác, đi đến đâu, gặp quảng cáo “rởm” từ tờ rơi đến hình ảnh dán, vẽ bậy đều “dọn sạch”. Và mỗi chiều, ông Tổ trưởng Tổ dân phố ấy còn đích thân leo lên một chiếc xe có gắn loa phóng thanh, rảo quanh các nẻo đường nhắc nhở, tuyên truyền thông tin xây dựng khu phố xanh – sạch – đẹp, không buôn bán lấn chiếm, ý thức tự giác về đảm bảo giao thông. Để rồi sau nhiều năm thực hiện, P.13 nói riêng, Q.Tân Bình nói chung được UBND TP khen thưởng, tuyên dương đi đầu trong công tác đẩy lùi tệ nạn, gắn xây dựng khu phố văn hóa với văn minh xã hội.
Ông kể, cái khó nhất khi giữ trọng trách Chủ tịch Hội Cựu chiến binh là… chăm lo đời sống từng hội viên, khi mà không phải ai từ cuộc chiến trở về cũng khá giả, được hưởng lương và đặc biệt một sớm một chiều hòa nhập với xã hội. Để rồi, hàng đêm trằn trọc, bài toán bước đầu được ông giải: Tạo vốn cho cựu chiến binh nghèo. Một việc làm không quá khó khi mà ngân hàng chính sách, quỹ xóa đói giảm nghèo sẵn sàng cho vay với điều kiện “vay được trả được”. Cái khó với ông, chính là làm thế nào để ngân hàng tin cẩn chuyện “trả được” mà cam kết cho vay. “Thậm chí, khi tham mưu Ban lãnh đạo quận, nhiều đồng chí không chịu ký duyệt bởi… ái ngại” – ông nói. Không nản lòng, ông lặn lội đi gõ cửa từng gia đình, tìm hiểu nguyện vọng và cách sử dụng vốn vay của mỗi cựu chiến binh: Sửa nhà tạo mặt bằng làm ăn? Buôn bán? Cho thuê?… để kịp thời trình báo. Đồng thời, với những cựu binh nằm trong diện dễ vay nhưng… khó trả, ông lại suy tính: Liên hệ các công ty, xí nghiệp sản xuất để kết nối, nhờ hỗ trợ việc làm. Kết quả, ngoài được vay vốn, mỗi năm, ông còn giải quyết hàng ngàn cơ hội việc làm cho các cựu binh và con em của họ.
Thấm nhuần lời răn dạy của Bác
Luôn nâng cao ý thức, tư tưởng sống, học tập và rèn luyện theo tấm gương, đạo đức của Bác, nhiều năm liền, người cựu chiến binh ấy còn phát động thành lập quỹ “Hũ gạo của Bác”. Để rồi, chỉ với 2.000 đồng/người/tháng, Quận hội của ông thu được mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Số tiền ấy dành xây nhà cho người cựu binh Nguyễn Minh Hoàng với mức thương tật 2/4, đời sống khó khăn, hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo, khuyết tật. Nhất là trao học bổng, sách tập, xe đạp cho con em các cựu binh vượt khó học giỏi, tham gia các cuộc vận động đóng góp xây dựng Trường Sa, lá lành đùm lá rách… Kể câu chuyện về “hũ gạo”, ông khẳng định: “Lúc mới phát động, có người chậc lưỡi, lớn tiếng: 2.000 đồng thì… làm được gì, nên nâng lên dăm ba chục ngàn! Tuy nhiên, bài học ở đây, tôi chỉ muốn chuyển tải một thông điệp: Ý nghĩa, sức mạnh của tính tiết kiệm, của tinh thần đoàn kết kiểu một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao hay trăm tay thì vỗ nên kêu. Qua đó còn giáo dục cho các thế hệ con cháu sau này”. Ông cho hay, phong trào “Hũ gạo của Bác” hiện Quận hội vẫn đang áp dụng, nhiều địa phương coi đó là bài học và đã thực hiện theo.
Thế nhưng, điều trăn trở nhất đối với người cựu binh ấy là làm thế nào để giáo dục cho con em, thế hệ trẻ hiểu sâu về truyền thống cách mạng của dân tộc mình. Lại… vắt óc nghĩ suy, để rồi, ông tiếp tục đưa ra một phong trào được đánh giá cao và hưởng ướng nhiệt liệt: Kết hợp với các trường học đóng trên địa bàn quận tổ chức những buổi giao lưu, giáo dục. Theo đó, không cần đợi đến những ngày lễ lớn, ông thường xuyên tổ chức buổi chuyên đề, thi kể chuyện lịch sử, tạo điều kiện cho các em gặp gỡ, giao lưu với các cựu binh… để các em có cái nhìn sâu sắc về lịch sử dân tộc.
Luôn suy tư để đưa ra nhiều ý tưởng, tạo được nhiều phong trào, công trình có tính đột phá và sức lan tỏa mạnh, ông trở thành tấm gương được đông đảo cán bộ tín nhiệm, noi theo. Liên tục trong các cuộc thi kể chuyện về tấm gương sống, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức của Bác, ông trở thành “nhân vật” trong bài kể của nhiều người dự thi.
Hỏi ông ý chí, sức mạnh nào mà luôn… năng động sáng tạo và hoàn thành xuất sắc trách nhiệm, ông ôn tồn: “Trong kháng chiến, tôi có diễm phúc được gặp Bác 3 lần, thời gian gặp gỡ ít ỏi nhưng từng lời của Người nói ra, tôi thấm nhuần, tiếp thu sâu sắc. Một điều may mắn nữa là được Đảng và Nhà nước quan tâm, tín nhiệm nên tôi bao giờ cũng phải tự đặt cho mình trọng trách với đất nước, để cống hiến, dốc lòng – dẫu sự đóng góp ấy chỉ như một hạt cát giữa mênh mông sa mạc”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Ở cương vị nào, ông cũng phấn đấu đưa đơn vị mình lên hạng nhất trong các phong trào thi đua. 10 năm lãnh sứ mệnh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Q.Tân Bình, ông đã giúp đơn vị xứng đáng nhận 6 lá cờ thi đua của UBND TP, 2 lá cờ của Trung ương hội tặng, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 bằng khen của Trung ương hội, 2 huân chương Lao động hạng 2 và 3.
Bản thân ông nhận 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 bằng khen của Trung ương hội, 6 bằng khen của Hội Cựu chiến binh TP, 12 bằng khen của UBND TP, liên tục nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp TP, Trung ương hội…
|
Bình luận (0)