Sau một hồi thuyết phục, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPTDL Lương Thế Vinh cũng đồng ý để tôi viết về ông. Tuy nhiên, ông cũng nhờ tôi khẳng định lại hai điều: Thứ nhất, ông mới chỉ là PGS, chưa đạt đến hàm GS như mọi người vẫn gọi. Thứ hai, ông là ủy viên của Hội đồng Giáo dục quốc gia nhưng ông cho biết, đã lâu lắm rồi, hội đồng đó không còn hoạt động, nó đã “chết” nhưng chưa được ai “báo tử”.
Học trò trường làng
Sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, PGS.Văn Như Cương đã gắn chặt cuộc đời mình với mảnh đất này. Ông cho rằng cuộc đời mình khá may mắn vì được học một “lèo” không đứt đoạn dù đất nước có hai cuộc chiến tranh. May mắn thứ hai đó là ông chỉ chiến đấu trên mặt trận “trồng người”, không phải ra chiến trường ác liệt. Và cũng giống như bao nhà giáo cùng thời khác, trường làng đã trở thành kỷ niệm, thành nỗi hoài niệm trong ông.
Cụ thân sinh ra ông là một giáo viên trường làng. Cụ rất nghiêm khắc trong cách dạy con. PGS. Văn Như Cương cho biết, tan học, trong khi các bạn được vui chơi thì ông lại phải “đau đầu” nghĩ xem hôm nay mình đã học như thế nào để trả lời bố. “Có thể bây giờ mọi người cho rằng dạy con như thế sẽ tạo áp lực cho trẻ. Nhưng với tôi, nhờ đó, tôi thấy mình có trách nhiệm hơn với việc học” – ông chia sẻ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trường làng của ông thiếu “thân thiện”. Số là có một thầy giáo khác ở làng, đứa trẻ nào vào học đều phải mang theo một cái roi đến nhà thầy. Đến mà không mang theo roi, thầy không nhận hoặc thầy bắt đi kiếm bằng được, không cho “nợ”. Sợ thầy đánh đau, nhiều học sinh đã nghĩ ra trò kiếm roi là những tay tre nhỏ và lấy dao tiện mớn chỗ những mắt tre rồi lấy phân trâu nhét vào để không bị phát hiện. Thầy chỉ đánh hai cái là roi gẫy. Thầy tưởng mình đánh học trò đau quá, còn học trò thì bịt miệng cười. Nhưng với nhà giáo Văn Như Cương, đó là những kỷ niệm của một thời “thương cho roi cho vọt”.
Tốt nghiệp trường làng, ông lên trường huyện học cấp 2 và đến cấp 3, phải ra tỉnh học do điều kiện thời bấy giờ. Con đường tới trường cứ ngày một xa nhưng với ông không có gì trở ngại. Từ ảnh hưởng của người cha, ông đã quyết định theo nghiệp giáo vì cảm thấy cái nghề này cũng thích hợp với mình.
Không được tăng lương vì để râu
Năm ông 30, cũng là khi chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt. Cuộc sống khó khăn trăm bề, mọi vật dụng thiết yếu đều khan hiếm, đều chỉ được mua sau những cuộc bình bầu, những lần bốc thăm mà xác suất trúng thăm là rất mong manh. Ông vốn sở hữu bộ râu quai nón, đẹp chưa thấy đâu, chỉ thấy khổ. Râu dày, mọc nhanh, dao cứ cạo 1-2 lần là phải vứt đi. Đã có lần, ông phải xếp hàng mua dao cạo râu cùng toàn “con phe”. Tiêu chuẩn chỉ được mỗi 1 lưỡi nhưng nhìn bộ râu của ông “hoành tráng” quá, cô bán hàng cùng đám “con phe” đông đảo đồng ý, ưu tiên bán cho cả hộp.
Là sinh viên Khoa Toán khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội (1954), ra trường, ông được giữ lại để giảng dạy. Sau đó, ĐH Sư phạm Vinh thành lập, ông được chuyển vào Vinh dạy. Từ mái trường này, năm 1966, thầy giáo Văn Như Cương được cử sang Liên Xô học và làm nghiên cứu sinh. Điều ông nhận thấy khi sang nước bạn đó là các sinh viên ở đây đều nghĩ sinh viên Việt Nam không có… râu. Tức khí, ông quyết tâm nuôi râu cho “thiên hạ” biết người Việt Nam cũng có… râu. Bộ râu quai nón như người Hồi giáo đã giúp ông lấy lại “hình ảnh” khác về sinh viên Việt Nam trên đất bạn Liên Xô. Tuy nhiên, năm 1971, lúc ấy ông 33 tuổi, hoàn thành khóa học, trở về nước, ông gặp rất nhiều phiền toái với bộ râu của mình. Đầu tiên là vợ và mẹ liên tục phản đối. Nhưng đó chưa phải là điều đáng lo nhất. Ông cho biết, về nước giảng dạy tại ĐH Vinh mấy tháng thì đến kỳ tăng lương. Trong khi các bạn làm việc ở phổ thông được tăng lương thì ông làm việc tại ĐH với hàm phó tiến sĩ lại không được tăng. Hỏi ra mới biết ông không được tăng lương vì… để râu. Thấy vô lý, ông viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GD lúc đó là GS. Nguyễn Văn Huyên với 2 lựa chọn: hoặc bộ tước chức phó tiến sĩ và cho ông tăng lương hoặc cho ông về làm việc tại các trường phổ thông và cho tăng lương. Sau khi gửi thư đi một thời gian, ông đã được tăng lương. Nhưng đấy chưa phải là phiền toái cuối cùng. Năm 1974, ông chuyển ra Hà Nội. Dù với bằng phó tiến sĩ, ông cũng không thể xin được việc vì bộ râu của mình. Mãi sau, ông được nhận trở lại ĐH Sư phạm. Thầy hiệu trưởng lúc bấy giờ trước hôm ông nhận việc đã gọi ông lên gặp riêng và yêu cầu ông nên cạo râu rồi mới đến gặp trưởng phòng tổ chức. Nhưng ông vẫn không cạo và đến làm việc bình thường. Bộ râu vẫn chưa hết phiền toái khi vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ông có bài toán được đưa vào đề thi Olympic quốc tế. Và năm đó, một học sinh của Việt Nam cùng với 2 học sinh khác của quốc tế đã giải được bài toán này. Đài truyền hình đã mời ông cùng GS.Hoàng Xuân Sính đến giao lưu. Sau buổi giao lưu hôm đó, nghe nói đạo diễn đã bị phê bình rất nặng vì mời một ông râu ria xồm xoàm lên ti vi. Sau bận ấy, mỗi lần được mời lên truyền hình, ông đều cố gắng ngồi vào góc thật khuất. Nhưng không hiểu sao ống kính máy quay vẫn tìm được ông. Tuy nhiên, bộ râu đó cũng có lợi trong thời bao cấp. Nhờ có bộ râu mà ông đã mua được 1 tút thuốc lá không cần tem phiếu khi đi sơ tán. Và được sinh viên ủng hộ nhiệt tình. Họ tuyên bố thẳng “nếu thầy cạo râu, bọn em không học thầy nữa đâu nhé”. Khi được hỏi, tại sao ông không cạo râu đi cho nhẹ chuyện, ông chỉ cười mà rằng: càng phản đối tôi càng để. Lúc ấy có ai khen, có khi tôi cạo béng mất rồi. Chỉ có thể lý giải đây là đặc tính “gàn” của ông đồ xứ Nghệ. Và vì ông quyết tâm để nên bây giờ ngành giáo dục có một thầy giáo như PGS.Văn Như Cương.
Ông cũng kể câu chuyện ngủ dậy một đêm thành tiến sĩ của mình. Số là khi ở Liên Xô về, ông chỉ có bằng phó tiến sĩ. Nhưng cách đây khoảng hơn chục năm, Nhà nước bỏ chức danh đó, chỉ còn tiến sĩ. Như vậy, không phải học hay thi cử, sau một đêm ngủ dậy, ông thấy mình nghiễm nhiên được công nhận là tiến sĩ.
Bốn đời theo nghề giáo
Qua ông, tôi cũng được biết, gia đình ông có truyền thống nghề giáo. Bắt đầu từ cụ thân sinh ra ông, đến ông, hai chị gái, em gái, một anh rể và em rể đều làm nhà giáo. 3 cô con gái ông cũng theo nghiệp giáo và đến bây giờ, cô cháu ngoại ông cũng đang học CĐ Sư phạm. Lý giải vấn đề này, ông nói rằng bố ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn nghề của con cái. Ông học được ở cụ tính kỷ luật, tính trật tự và tinh thần hiếu học. Cách đây không lâu, có một người tìm đến ông và hỏi ông có phải là con của thầy Bính không. Khi biết ông chính là con của thầy, họ đã mời ông về Thanh Hóa gặp lại lớp học trò mà ngày xưa bố ông đã từng có thời kỳ ra Thanh Hóa dạy. Điều khiến ông xúc động nhất đó là một lớp học có hàng chục người như thế nhưng tất cả họ đều là những người thành đạt và không ai phản bội tổ quốc. Đó cũng là điều đáng tự hào của một người thầy. Đồng thời, đó cũng là tấm gương để ông noi theo.
Về bản thân mình, đã ở tuổi 73, điều ông hài lòng nhất đó là 20 năm nay, ông đã xây dựng được một ngôi trường (Trường THPTDL Lương Thế Vinh) được nhân dân, học sinh đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng đào tạo. Nhiều năm liền, trường ông học sinh đều đỗ tốt nghiệp 100%. Kể cả năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động hai không, Trường THPTDL Lương Thế Vinh là trường duy nhất của Hà Nội đỗ tốt nghiệp 100%. Năm 2009, trường của ông cũng lọt vào top 200 trường có thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ đạt điểm cao nhất nước. Ông cũng khẳng định, nếu được lựa chọn lại, ông vẫn chọn nhà giáo hoặc làm “thầy cãi”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)