Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Ông già 71 tuổi dạy nét chữ, nết người cho trẻ nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Lũ trẻ thường gọi ông là thầy Nghiêm Quốc Đạt, một ông thầy già nhỏ thó nhưng tinh anh và vô cùng yêu mến các học trò của mình. Không chỉ nắm tay học trò, dạy từng nét chữ Hán mà hơn nữa thầy dạy cả nết người.

Đã gần 4 năm, thầy Nghiêm Quốc Đạt đứng lớp có tên "Lớp học Sao Khuê". Khi căn nhà nhỏ của thầy chật ních học trò, không đủ chỗ thì thầy nhờ một phòng học của Trường THCS Sơn Đồng làm chốn giảng dạy. Cả xã và nhân dân ủng hộ. Thầy là người thanh bạch, nên nhiệt tình dạy miễn phí, chẳng nhận một đồng công lao nào, dù nhiều người đề nghị thầy nên nhận. Bởi vì thầy dạy chữ xuất phát từ tâm mình, dạy cho người tình nguyện học.

"Ông đồ" Nghiêm Quốc Đạt và học trò.

Thầy được gọi là người cứu những tâm hồn thơ trẻ khi chúng còn chưa nhuốm những thói hư tật xấu, trong khi đã có rất nhiều em hư hỏng. Hiện thầy vẫn sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ, làng Sơn Đồng cạnh Trường THCS Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội). Sơn Đồng là một làng văn hóa, làng nghề lâu đời. Dòng họ của ông trong làng có ban khuyến học, khuyến tài và ông cũng là một thành viên trong đó.
Một lần, các cụ cao niên trong ban khuyến học ngồi nói chuyện về việc con cháu bây giờ có điều kiện ăn học hơn hẳn thời xưa mà sao lắm đứa trẻ hư. Ông Đạt nghe xong, nghĩ ngợi một lát rồi nói: "Chúng hư là bởi chúng chưa hiểu rõ, sâu sắc được đạo làm người. Biết ít chữ Hán, tôi sẽ mở lớp dạy chữ miễn phí cho con cháu để chúng hiểu được đạo lý, bớt hư".
Thế là từ đó, ông Đạt trở thành một người thầy ở cái tuổi 71 của mình. Một người thầy không chỉ dạy cho học trò nét chữ, mà còn giảng rất nhiều về đạo lý làm người, về cách học làm người. Qua từng nét chữ, người ta có thể đoán được tính người. Thầy Đạt là một lão nông uy tín của làng, am hiểu lịch sử văn hóa và truyền thống lâu đời của làng, lại sống đạo đức, trên kính dưới nhường và được hết thảy mọi người ở Sơn Đồng kính nể.
Khi thầy mở lớp dạy chữ và dạy làm người, thì không chỉ có hàng trăm học sinh nhỏ tuổi trong xã xin theo, mà có cả các ông già, những nhà sư, thậm chí có cả cán bộ cách xa 20 cây số cũng "phi" xe máy về học cho được. Ban đầu, thầy dạy "thử nghiệm" trước cho con cháu trong nhà. Sau đó làng xã thấy bổ ích, đưa con đến xin thầy dạy chữ, học đạo. Tôi cũng may mắn là người được học thầy.
Mỗi khi có ai đến thăm, thầy đồ Nghiêm Quốc Đạt lại khoe về những học trò, giờ cũng là những "ông đồ nhí" của mình. Từ lớp học, hiện làng Sơn Đồng đang có thêm được hơn chục "ông đồ nhí" tài hoa chẳng kém những thầy đồ già cứ mỗi khi Tết đến xuân về. Cứ từ tháng Mười cho đến Giêng, Hai trong vùng có nhiều lễ hội, thầy đưa trò đến thực tập để viết chữ. Rất nhiều người nể phục những "ông đồ nhí" bởi nét bút tài hoa, là thành quả của người thầy già tận tụy.
Ai cũng biết chữ hay, chữ đẹp mới chỉ là một phần của mục đích mở lớp dạy học tình nguyện Sao Khuê, quan trọng là khi các em học hiểu hết được các từ thuật Hán nôm, hiểu được ý nghĩa từ mỗi chữ đó là các em thành người tốt. Đó là mục đích chính lớp học của thầy Đạt hướng tới. Thầy từng bảo rằng, dạy chữ Hán cũng là để bảo vệ bản sắc văn hóa của cha ông.
Cái cách mà thầy dạy cho dễ hiểu là soạn ra một cuốn giáo án dày của riêng mình. Mỗi khi dạy cho học trò xong những nét chính của chữ Hán, thầy dạy cách viết và giảng lại ý nghĩa từng chữ một. Nhất là thầy lại luôn lấy những bài học từ thực tiễn, về những quan hệ trong đời sống xã hội ra mà giảng. Trong công việc, có lẽ tôi thấy thầy là người nghiêm khắc nhất trong luyện chữ cho học trò. Thầy luôn nhắc học trò rằng, học chữ Hán không chỉ viết được chữ, đọc được hoành phi, câu đối mà còn phải biết giải nghĩa và cảm được cái đẹp cái hay trong đó nữa. Thầy bảo: Chữ chỉ đẹp khi nó được viết bằng tâm hồn của người viết.
Khi soạn giáo án, thầy Đạt tập trung về "Tam cương, Ngũ thường" của Nho giáo. Đặc biệt, những chữ như: "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín" thầy giảng sâu hơn. Thầy Đạt từng tâm sự: "Mong muốn lúc này của tôi chỉ là làm sao các lớp học chữ Hán được nhân lên nhiều hơn nữa. Tôi sẽ dạy miễn phí đến khi nào không thở được nữa thì thôi. Lên lớp, nhìn đám học trò mải mê tay nghiên, tay bút, lòng tôi cũng thấy thanh thản".
Thầy Đạt đã giúp cho anh Tiến bớt nóng nảy, giúp cho cu Ni bớt chơi bời lêu lổng và học giỏi, giúp cho hàng chục học trò khác hiểu được tinh túy và bản chất đạo đức sáng ngời của Nho học, giúp cho tôi thêm vốn kiến thức làm hành trang vào đời. Thầy cũng giúp cho hàng chục tay bút khác trở thành những "ông đồ nhí" có một ngòi bút điêu luyện, bút bút nghiên nghiên bên ống mực Tầu, làm nên những bức tranh chữ sinh động, giàu màu sắc trí tuệ.
Tôi biết, thầy đã khiến cho hàng chục em nhỏ (rất dễ bị hư hỏng) đã trở thành con ngoan trò giỏi. Thầy đã làm sạch tâm hồn chúng và cho chúng liều vaccin để chống chọi với những cám dỗ ở đời. Tôi cũng khẳng định, nếu không có thầy ngay từ đầu bắt tay nắn nót từng nét, tôi đã chẳng kiên nhẫn để thi đỗ vào đại học. Tinh thần thầy trong sáng và tấm lòng thầy rộng mở, nét bút thầy tài hoa và sự hào hiệp của thầy khiến nhiều người cảm động. Tôi là đứa học trò nợ thầy ân tình, những nét bút tri ân. Và tôi nhận ra một điều, ở giai đoạn nào của cuộc đời ta, người thầy đều đáng quý và đáng kính trọng.
Theo Nguyễn Văn Học
Công an nhân dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)