Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những con phố nhỏ của đô thị cổ Hội An hằng ngày vẫn in dấu chân của ông
giáo già kiêm hướng dẫn viên du lịch nhà cổ Phùng Hưng (4 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An, Quảng Nam).
Từ năm 2004, tên và số điện thoại của ông được in trang trọng một góc nhỏ trong cuốn cẩm nang Người đi đường dành cho du khách Pháp. Ông là Lê Ngọc Thiệp – hướng dẫn viên du lịch già nhất Quảng Nam.
“Ông Lê Ngọc Thiệp – cựu hướng dẫn viên của văn phòng hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An. Người đàn ông uyên bác, lịch lãm và có thể thuộc làu về Hội An. Hãy điện thoại cho ông nếu bạn có ý định du lịch đến thành phố cổ này”. Đó là một trong những lời giới thiệu sơ lược về ông trong cuốn Người đi đường.
“Vì sao rêu xanh lại phủ kín những mái tường không? Vì sao mái ngói của các nhà cổ lại có hình dáng như vậy? Tại sao giữa những con hẻm nhỏ lại có giếng?…”. Rồi ông giải thích: “Ngói âm dương có hình dáng vậy là để đón gió. Giữa các hẻm có các giếng trời là do quá trình tịnh tiến dân cư ở phía Nam…”. Cả đoàn sáu ông, bà Tây cao lớn bám theo ông già rảo hết con phố cổ… Cả đoàn nghỉ chân ở chùa Cầu. Ông giảng giải: chùa Cầu là hạ tầng giao thông, giới hạn giữa hai khu phố người Trung Hoa và Nhật Bản. Ông có thể nói, kể về bất cứ gì ở Hội An, cứ như đó là một phần thân thể của mình.
Dáng người nhỏ nhắn, bước đi nhanh nhẹn, da trắng điểm đồi mồi, mái tóc bạc trắng, tự nhận là “mắt mũi đã kèm nhèm”, ông vẫn duy trì một chế độ làm việc đáng nể.
Suốt ngày với du khách, khi trời đã sập tối, ông già không còn là một hướng dẫn viên du lịch hoạt náo, sôi nổi: ông trở thành một ông giáo già gõ đầu trẻ môn tiếng Pháp nhẹ nhàng, từ tốn mà nghiêm khắc. Ông bảo học trò: “Cũng như văn hóa Pháp, ngôn ngữ Pháp tinh tế vô cùng. Vì vậy các con hãy cảm nhận sự tinh tế đó trước khi thể hiện nó bằng ngôn từ”. Mỗi ngày, ông giáo già mở hai lớp học tiếng Pháp vào buổi sáng từ 6g-7g15, tối từ 19g-20g30. Học trò của ông phần lớn là nhân viên tiếp tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bán hàng… “Tôi già rồi, tiền cũng cần nhưng với tôi không quan trọng. Con cháu dư sức lo cho tôi một cuộc sống đủ đầy. Điều tôi mong muốn là rồi đây những đứa trẻ này sẽ góp phần giới thiệu văn hóa, du lịch Hội An đến bạn bè quốc tế. Chỉ đơn giản vậy thôi”.
Giữa câu chuyện, ông thường thở dài: “Hướng dẫn viên trẻ dù được đào tạo nghiệp vụ bài bản vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm, kiến thức… Các bạn chỉ giới thiệu những địa điểm mình chịu trách nhiệm hướng dẫn. Trong khi đó, du khách rất cần những chi tiết nhỏ nhất liên quan đến Hội An, mà thiếu tình yêu với phố cổ thì khó mà làm được.”.
VƯƠNG HẰNG SA (tuoitre.com.vn)
Bình luận (0)