Đó là ông Nguyễn Minh Quân, một người mê xe cổ ở đất Hà Thành. Với ông, chơi đồ cổ không chỉ là một sở thích khác người, mà còn là sự cố gắng lưu giữ chút còn lại của một thời quá vãng.
Những chiếc xe biết nói
Nhiều dân chơi xe cổ Hà Thành có lẽ không mấy xa lạ với cái tên ông già Minh Quân xe cổ. Có người tìm đến ông vì những chiếc xe, có người đến vì chung sở thích, cũng có người đến vì muốn tìm hiểu giá trị phía sau những chiếc xe.
Căn phòng khách rộng 30m2 nằm trong khu liên cơ thuộc huyện Từ Liêm của ông trưng bày toàn những đồ cổ mà với nhiều người có thể thuộc loại “vất ra đường chẳng ai thèm nhặt”.
Đó là những chiếc máy nghe nhạc hiệu Sharp GF-800 sản xuất năm 1986, đi kèm là cặp loa hoa văn bằng gỗ được làm thủ công cách đây mấy chục năm. Rồi những bình gốm, đồng hồ, cung, nỏ, ti vi cửa lùa, mâm gỗ, guốc mộc… tất cả đều được ông đặt trang trọng trong căn phòng khách.
“Tôi sẽ giữ lại những thứ đã gắn bó với người dân Việt một thời, với bao kỷ niệm. Những chiếc chiêng đồng cổ hay những chiếc xe máy mang theo mình cả một giai đoạn lịch sử,” ông Quân bộc bạch.
Dù sở hữu nhiều loại đồ cổ, nhưng mối quan tâm lớn nhất của ông vẫn dành cho những chiếc xe. Ông coi xe cổ như những đứa con cưng.
Bộ sưu tập xe cổ của ông có trên dưới 40 chiếc, trong đó có những chiếc thuộc loại “hiếm có khó tìm”, đặc biệt có giá trị về mặt văn hoá. Ông khoe: “Ví như chiếc Mobylette-AV 44, là loại xe anh hùng Nguyễn Văn Trỗi dùng để đặt mìn trên chiếc cầu Công Lý khi ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Hay như chiếc AV92 mà dân chơi xe cổ gọi là cá vàng”.
Trong bộ sưu tập của ông, hai chiếc xe Mobylette 52 và 54 thuộc hàng “độc”. Ngoài ra, ông còn sở hữu những chiếc có giá trị lịch sử lớn như chiếc Kawasaki 125 phân khối từng trong đoàn xe hộ tống Ngô Đình Diệm trước đây.
Tấm lòng sau những món đồ cổ
Tuy là một người sưu tầm và buôn xe cổ có tiếng nhưng không phải xe nào ông Quân cũng bán. “Dân chơi xe cổ như chúng tôi phải có chiếc gối đầu mới bán. Đó cũng là lí do tại sao những chiếc như Solex, Motobecane… dù có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán,” ông tâm sự.
Yêu xe, mê xe từ nhỏ nhưng phải đến năm ông đỗ đại học (theo ngành nghề cơ khí – PV) thì cái thú mê ấy của ông mới có cơ hội phát triển. Chiếc xe đầu tiên của ông lại chính là chiếc Mobylette mua được của một người dưới Hải Dương. Nhưng rồi hoàn cảnh đã buộc ông phải tạm gác lại thú đam mê.
Ông lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến. Sau năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, ông ở lại và làm việc cho một xưởng sửa xe ô tô vận tải. Tại đây, cái nghề cơ khí ông học lại được dùng đến. Và những kinh nghiệm trong khoảng thời gian này giúp ông rất nhiều về sau này khi phục chế xe cổ.
Năm 1983, ông ra Hà Nội, làm trợ lý cho giám đốc nhà máy cơ khí sửa chữa, rồi nghỉ chế độ. Từ đây, ông lang bạt khắp nơi đi tìm mua những chiếc xe máy cổ. Để có tiền mua xe, ông đã phải tiết kiệm, vay mượn của bạn bè. Cứ thế, những chiếc xe trong bộ sưu tập của ông ngày càng nhiều.
Ông cho hay, để mua được những chiếc xe cổ quý giá đã khó, phục chế lại nó càng khó hơn. “Để phục chế lại một chiếc xe cổ không phải là chuyện đơn giản vì không phải lúc nào cũng sẵn đồ để phục chế. Có những chiếc mất hàng tuần, hàng tháng chỉ vì thiếu mất một vài chi tiết nhỏ” – ông tâm sự
Thành Lưu (dantri.com.vn)
Bình luận (0)