Thầy Prung Xuy suốt 20 năm ròng rã “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lặn lội tìm dựng lại bộ chữ cho dân tộc mình
|
Giữa lúc bộ chữ viết truyền thống của người Pa Kôh đã gần như bị thất truyền và mai một hoàn toàn, thì còn đó một con người tâm huyết với dân tộc, lặn lội suốt 20 năm để “cứu sống” lại những con chữ ấy.
Huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) nằm chênh vênh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và được mệnh danh là “thủ phủ” của tộc người Pa Kôh. Dù định cư xen kẽ cùng các dân tộc khác như Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hi… nhưng cộng đồng Pa Kôh vẫn tạo ra nhiều bản sắc văn hóa – đời sống rất khu biệt. Nổi bật là bộ chữ viết Pa Kôh có từ thời chống Mỹ, do cán bộ cách mạng biên soạn theo tiếng nói của người bản địa và phiên âm theo tiếng Việt.
Ăn cơm nhà, “vác”… chữ cho đồng bào
Nhờ có bộ chữ này, bà con Pa Kôh biết tuyên truyền các tài liệu mật cách mạng để đoàn kết đánh thắng Mỹ – ngụy, biết dạy cho nhau kiến thức về trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm…Hòa bình lập lại, thầy Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ đã biên soạn bộ chữ này thành cuốn “Giáo trình học chữ Pa Kôh – Tà Ôi”. Năm 1983, Viện Ngôn ngữ học tiến hành nghiên cứu và hoàn thiện bộ chữ viết Pa Kôh – Tà Ôi làm hệ thống chữ chính thức. Đến năm 1986, công trình chữ Pa Kôh – Tà Ôi chính thức được nghiệm thu và công bố. Lời giới thiệu cuốn sách có viết: “Chữ Pa Kôh – Tà Ôi ra đời đã góp phần tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, là phương tiện mang ánh sáng cách mạng đến với đồng bào”. Đối với bà con, bộ chữ Pa Kôh đã không còn xa lạ nhưng nó rất khó ứng dụng vào thực tế dạy – học và đứng trước nguy cơ mai một hoàn toàn.
Suốt 20 năm ròng, thầy Prung Xuy (hay Trần Văn Xuy), sinh năm 1948, ở bản Pi Duh, xã Hồng Quảng (A Lưới) đã chấp nhận “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lặn lội khắp các bản làng để tìm dựng lại bộ chữ ấy. “Nhiều đêm mình nghĩ mãi. Phải làm sao để bộ chữ ấy không bị thất truyền và ứng dụng một cách đơn giản vào đời sống” – thầy Xuy tâm sự. Và không còn cách nào khác, thầy quyết định phải đi “lượm lặt” từng chữ rồi hệ thống, biên soạn lại cho bà con. Bỏ công tìm gặp từng già làng, đến từng gia đình để ghi lại từng con chữ, những từ có nguy cơ thất truyền.
Những bản làng Pa Kôh giữa đại ngàn, không nơi nào là không in dấu chân của thầy Xuy. Nay xã Nhâm, mai Hồng Thủy, tuần kia đã ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)… để ghi chép vốn từ. “Vợ con thấy mình “máu” quá thì sợ và nghĩ mình bị ma nhập. Không có ma quỷ chi hết! Cái chữ truyền thống Pa Kôh thôi thúc mình thôi” – thầy tủm tỉm. Dù lắm khi nhà túng quẫn, ăn uống thiếu thốn, lại cần có tiền để trang trải cho những chuyến “nhặt chữ” nhưng thầy vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ.
“Nhặt chữ” đã khó khăn, biên soạn, hệ thống lại cho dễ biết, dễ hiểu còn vất vả gấp bội. Sau hơn chục năm lặn lội, thầy gom góp được khoảng hơn 2.000 từ. Trên cơ sở cuốn giáo trình “Học chữ Pa Kôh – Tà Ôi” của thầy Ku Nô, thầy Xuy lại mất thêm mấy năm nữa để tìm tòi, so sánh giữa chữ Pa Kôh với chữ Cơ Tu, chữ Tà Ôi, chữ Việt để tìm nghĩa, ngữ pháp và biên soạn lại. Giữa năm 2002, “trái ngọt” sau 13 năm vất vả ươm mầm của thầy Xuy là 2 cuốn giáo trình: “Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số”. Được chia làm 2 lớp (lớp 1 và lớp 2) do NXB Thuận Hóa (Huế) in, sau đó được Viện Ngôn ngữ học chỉnh lý và chuẩn hoá lại.
Từ khi 2 cuốn giáo trình được công nhận và xuất bản, thầy Xuy đã mang bộ chữ đi truyền dạy lại khắp các bản làng. Hàng nghìn người, từ các em tiểu học đến thanh niên, rồi cả những cán bộ các đồn biên phòng, công an đóng trên địa bàn huyện A Lưới muốn biết chữ, biết tiếng Pa Kôh để tiện công tác với bà con cũng là học trò của thầy. Giáo trình của thầy Prung Xuy được nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ dùng làm tài liệu tham khảo.
Bộ chữ bản sắc
Bộ giáo trình dạy chữ Pa Kôh của thầy Prung Xuy biên soạn lại đã phù hợp hơn cho thực tế dạy – học
|
Thuở đi học, sáng lên lớp nói tiếng Kinh, chiều về lại nói tiếng Pa Kôh, thầy luôn băn khoăn: Sao người Pa Kôh mình lại không nói, không viết bằng chính thứ tiếng của mình? Khi làm giáo viên, thầy phát hiện ra rằng, người Pa Kôh nói tiếng Kinh thường phát âm như thiếu dấu nên người nghe khó hiểu nghĩa. Năm 1969, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Quảng cũng là lúc thầy bắt đầu nghiên cứu bộ chữ của dân tộc. Thầy Xuy cho biết: “Thầy đã kế thừa thành quả từ bộ chữ của thầy Hồ Ngọc Mỹ đã gần như bị mai một hoàn toàn. Thầy mê nó lắm và quyết tâm cất công tái dựng lại để con chữ sẽ gần gũi hơn với đồng bào”.
Thầy Xuy giới thiệu: “Người Pa Kôh học sẽ thấy như có mình trong đó. Bởi bộ chữ mang nét đặc sắc truyền thống của dân tộc”. Bộ giáo trình của thầy là một công trình khoa học hết sức quy củ và có tính hệ thống rõ ràng. Mỗi cuốn chia làm 3 phần với 9 bài. Bắt đầu là phần “Hướng dẫn chung”, “Hướng dẫn cụ thể” và cuối cùng là “Bảng đối chiếu so sánh tiếng Việt – Pa Kôh – Tà Ôi – Cơ Tu”. Mỗi bài, thầy Xuy lại chia ra các phần từ vựng theo các chủ đề riêng gồm: “Hiện tượng tự nhiên”, “Con số”, “Văn hóa”, “Quan hệ gia đình – vật nuôi” và “Bộ phận con người”. Rồi còn có thêm phần “Ngữ pháp và cách đặt câu hỏi”, giới thiệu về động từ, tính từ, đại từ… Bộ chữ Pa Kôh có phần hơi khó trong việc phát âm – tập đọc cũng như cách viết. Nhưng theo thầy Xuy, nếu chú ý nắm được một số quy ước về ngữ pháp đó thì ai cũng có thể học và nói được tiếng Pa Kôh dễ dàng, nhiều học trò chỉ sau 6 tháng đã nói được tốt hơn mình”.
Để mai này Pa Kôh…
Ngày ngày, đồng bào vẫn thấy bước chân thầy Prung Xuy đến khắp các bản làng, cẩn thận ghi chép từng chữ một… Đã nghỉ hưu từ năm 2006 và Tết Tân Mão này là cái tết thứ 63 của cuộc đời thầy Xuy, nhưng thầy vẫn thường xuyên “lên lớp truyền chữ” Pa Kôh cho bà con. Rảnh rang, thầy lại tìm về từng gia đình, đưa từng bảng điều tra xã hội học của Viện Ngôn ngữ để tiếp tục hoàn thiện thêm bộ chữ.
Bộ giáo trình của thầy Xuy đang được phổ biến rộng rãi và trở thành bộ sách chính thống dạy tiếng Pa Kôh ở A Lưới. Chúng tôi tìm gặp thầy Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ (sinh năm 1925), ở tại nhà số 22 – Võ Liêm Sơn (TP. Huế). Cầm bộ giáo trình của thầy Xuy trên tay, thầy Mỹ xúc động: “Tôi thực sự vui mừng vì đã một tấm lòng tâm đắc với dân tộc mình đến thế. Thầy Xuy đã biên soạn lại và phù hợp với bà con hơn giáo trình của tôi nhiều”.
Nếu thầy Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ là người “đẻ” ra bộ chữ Pa Kôh, thì thầy Prung Xuy là người “cứu sống” lại bộ chữ và phổ biến ở “thủ phủ”. Hiện bộ chữ do thầy Xuy biên soạn và Viện Ngôn ngữ chỉnh lý sẽ là một cơ sở khoa học hết sức xác thực cho việc công nhận.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia
Bình luận (0)