Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ông Lê Bá Cần – Bí thư Quận ủy Q.1: Tập trung xây dựng nhà trường tiên tiến

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Niềm vui của cô và trò Trường TH Đinh Tiên Hoàng trong ngôi trường mới. Ảnh: Như Hùng

Hoa phượng đã đỏ thắm từng góc phố, sân trường, báo hiệu một mùa hè nữa lại về, các em học sinh đang háo hức được nghỉ ngơi, đi du lịch… Còn những người công tác trong ngành GD-ĐT thì đang “chạy đua” với thời gian để hoàn thành các phần việc còn lại của năm học 2012-2013. “Tiếp sức” cho họ là sự quan tâm của các cấp, các ngành và phụ huynh học sinh. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Cần – Bí thư Quận ủy Q.1 xoay quanh vấn đề này.
PV: Trong năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT Q.1 đã triển khai nhiều kế hoạch dạy và học thiết thực. Bên cạnh đó là những chương trình ngoại khóa, hội thảo, kỹ năng sống… cho học sinh… Ông đánh giá như thế nào về những chương trình này?
– Ông Lê Bá Cần: Không chỉ năm học 2012-2013 ngành GD-ĐT mới làm tốt những công việc trên, mà trong những năm trước các hoạt động dạy và học, chương trình kỹ năng sống, ngoại khóa… đều được ngành GD-ĐT Q.1 triển khai và làm rất tốt. Như chương trình “Học sinh tiểu học Q.1: “Tự hào con rồng cháu tiên – Vươn tới đỉnh cao khoa học”. Đây là lần thứ 9 ngành GD-ĐT Q.1 tổ chức  quy mô với ý tưởng rất hay. Những ý tưởng này giúp học sinh có khát vọng về tương lai, sống không có khát vọng thì không thể phát triển được gì. Chính khát vọng sống giúp các em định hướng được tương lai tốt hơn. Đây là một mô hình hay lãnh đạo Quận ủy rất khuyến khích ngành GD-ĐT tạo mọi điều kiện cho học sinh phát huy sáng tạo, bởi vì bây giờ dạy học không phải theo cách học như hồi xưa: Đọc – chép, học thuộc lòng rồi trả bài. Kiểu đó quá xưa rồi. Giáo dục bây giờ là sáng tạo, chứ không phải giáo dục để bắt chước. Do đó, giáo dục đòi hỏi phải định hướng để mọi người phát huy được tính sáng tạo của từng cá nhân, tập thể lúc đó mới giúp cho xã hội phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó đẩy mạnh trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho phụ huynh để tạo sự cộng hưởng giữa thầy cô và phụ huynh nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi của mỗi cá nhân trong công tác giáo dục.
Khuyến khích là vậy nhưng để từ mong muốn trở thành hành động, Q.1 đã có những cơ chế hay chính sách gì để hỗ trợ cho ngành GD-ĐT thực hiện tốt, thưa ông?
– Những năm trước và hiện nay, Q.1 đã tập trung tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên được theo học các lớp bồi dưỡng, trang bị những kiến thức mới về vấn đề tư duy để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của ngành GD-ĐT Q.1 có cách nhìn mới về tương lai. Hiện nay, Quận ủy đang tổ chức lớp học về “Tư duy đột phá” (đã tổ chức được 3 lớp và còn 2 lớp trong thời gian tới) cho các thầy cô là cán bộ quản lý. Mục đích là nhằm trang bị cho họ phương pháp nhìn ra vấn đề cho đúng, cho chuẩn và phải có định hướng tương lai nó là như thế nào? Qua đó mình có cách quản lý, giáo dục các em theo định hướng đó, chứ không phải theo cách giáo dục lối mòn như xưa.
Thưa ông, việc thực hiện QĐ 02/2003 về quy hoạch mạng lưới trường lớp của UBND TP, Q.1 đã triển khai như thế nào? Những khó khăn và thuận lợi trong việc thực hiện quyết định này?
– Q.1 rất khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng trường lớp mới, do gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, hoán đổi… Đó là việc mà Quận ủy rất băn khoăn và trăn trở. Tất cả những việc đó thực sự rất khó khăn, một số trường quận rất muốn mở rộng nhưng phải chờ đợi hết cơ quan này tới cơ quan khác, hết chuyện này tới chuyện kia. Do đó, mở rộng, xây mới trường là mong muốn của tất cả mọi người từ các ban ngành của quận, tới nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh nhưng muốn biến nó thành hiện thực, chuyện lại không dễ. Bởi không thể do mong muốn chủ quan của mình, mà đó là cơ chế mà quận không thể tháo gỡ được.
Như vậy là Q.1 đành “bó tay”?
– Chắc chắn sẽ không có chuyện đó, chúng tôi liên tục kiến nghị và triển khai từng bước một theo lộ trình đã vạch ra. Như vừa qua, chúng tôi đã mở rộng được Trường TH Đinh Tiên Hoàng, đây là một trường TH rất đặc biệt bởi truyền thống dạy tốt – học tốt trong nhiều năm qua nhưng để trường này phát triển thành một ngôi trường hiện đại đòi hỏi phải được xây mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Sau những khó khăn, nhờ quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là trường có một ban giám hiệu tâm huyết với nghề dù gặp nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan, hiện nay Trường TH Đinh Tiên Hoàng đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó là những ngôi trường khác như: TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH Lê Ngọc Hân, THCS-THPT Lương Thế Vinh… đã tạo được sự tin yêu của phụ huynh, học sinh trong công tác dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay Q.1 cũng còn một số trường lớp gặp khó trong việc dạy và học do cơ sở vật chất còn hạn chế, có điểm trường như TH Kết Đoàn, THCS Huỳnh Khương Ninh hoặc THCS Nguyễn Du dù đã có thiết kế xây dựng nhưng đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoán đổi… Quận đang tập trung toàn lực cho những ngôi trường này, nhất là Trường THCS Nguyễn Du để làm sao đáp ứng được việc dạy và học, còn để đạt được chuẩn quốc gia thì công việc này phải tiến hành và triển khai một cách lâu dài.
Đó là những hạn chế tồn tại, còn những việc đã làm tốt?
– Về cơ sở vật chất, trường lớp được xây mới để đạt chuẩn quốc gia tuy còn bị bó hẹp nhưng về phần trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy và học thì Q.1 được đầu tư rất lớn. Q.1 tuy không bằng các quận/huyện khác về trường lớp nhưng về đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng cho đổi mới phương pháp dạy và học tiên tiến, hiện đại thì đã làm rất tốt. Tôi có thể khẳng định: Q.1 tuy hiện nay có gặp một số khó khăn trong việc xây mới trường lớp, khó khăn về cơ sở vật chất nhưng bên trong những ngôi trường “già nua” đó là “sức trẻ” mãnh liệt, đó là thành quả mà 10 năm qua Q.1 đã làm được.
Trong năm học 2013-2014, theo ông, ngành GD-ĐT Q.1 cần có những kế hoạch cụ thể gì trong việc dạy và học?
– Tiếp tục công tác đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng đều khắp mô hình các trường học thân thiện. Tập trung đầu tư cho những trường đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đẩy mạnh đổi mới về phương pháp dạy và học. Trong năm học tới, phải có nhưng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể chứ không nói chung chung trong việc xây dựng nhà trường tiên tiến nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người… ; qua đó giúp các trường hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hoạt động cụ thể hơn trong từng nhà trường: Đó là xây dựng môi trường học thân thiện, giúp các trường đẩy mạnh các hoạt động về kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao đạo đức nhận thức cho các em, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học. Riêng bậc TH thì đẩy mạnh mô hình dạy học cá thể hóa trong nhà trường. Bậc mầm non tích cực xây dựng mô hình giáo dục mầm non mới, các lớp 3, 4 tuổi đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn các phường…
Trân trọng cám ơn ông!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)