Ngày 24/11/2008, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Học nhân ái, biết sẻ chia” do Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì. Hội thảo là một phần của Chương trình triển khai thực hiện Thoả thuận 5 năm về tăng cường hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường giữa Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục Đào tạo và Quỹ Unilever Việt Nam và Nhãn hàng Omo, Công ty LD Unilever Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục & Đào tạo về vấn đề đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường, đặc biệt là việc thực nghiệm hoá giáo dục trẻ về lòng nhân ái.
Thưa ông, thời gian gần đây, không ít lần báo chí phải lên tiếng về tình trạng “bạo lực trong học đường”. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Có một sự thật là hiện nay, hầu hết trẻ em ở các đô thị lớn đều rơi vào tình trạng cha mẹ quá bận rộn nên “giao khoán” con luôn cho nhà trường. Các em này, ngoài giờ học rất hiếm khi được cha mẹ hỏi han, quan tâm, thường được buông lỏng với những trò giải trí không lành mạnh. Điều này rất nguy hiểm. Vì thực tế, giáo dục trẻ – nhất là trẻ ở độ tuổi cấp tiểu học và các cấp học phổ thông rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Thầy cô tiếp xúc được với các em tối đa 5 giờ một ngày và hầu hết thời gian này dành cho việc dạy – học. Vì thế, nếu phụ huynh buông lỏng con ở nhà, không phối hợp cùng nhà trường thì hệ quả tất yếu là các em phát triển lệch lạc, ích kỷ, chỉ chú ý đến bản thân mình, thích giải quyết vấn đề theo kiểu mạnh được yếu thua.
Ông đánh giá thế nào về việc dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay?
Số tiết học dành cho môn Đạo đức, Giáo dục công dân ở trong trường khá ít (nếu không nói là rất ít). Bên cạnh đó, hầu hết các giờ học của chúng ta vẫn chỉ mới dừng ở mức độ lý thuyết. Các em ngồi một chỗ, học về lòng nhân ái, sự sẻ chia, đức hi sinh, tình yêu quê hương đất nước v.v… Nhưng sau đó về nhà là… trả lại thầy cô hết! Thực chất, với trẻ em, việc dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân cần theo hướng tổ chức các hoạt động giáo dục, thực hành, giúp các em vận dụng những gì học được bằng “hành động”, bằng những hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Làm thế nào có thể biến việc giảng dạy đạo đức, giáo dục công dân thành các buổi học thực nghiệm, với các hoạt động thể chất gần gũi và phù hợp với lứa tuổi của các em, thưa ông?
Phương pháp học tốt nhất với trẻ em chính là học đi đôi với hành, học thông qua chính những vận động thể chất phù hợp. Thế nhưng, chắc chắn còn phải mất khá lâu mới có thể hoàn toàn chuyển đổi theo hướng như thế. Chúng ta vẫn còn đang đối mặt với khá nhiều khó khăn như trường lớp không đủ rộng, trẻ thiếu sân chơi, thầy cô thiếu vật dụng giảng dạy…
Song, tôi xin nhấn mạnh rằng không phải nói vậy nghĩa là ta không làm được. Bên cạnh những động thái tích cực của ngành giáo dục để cải tiến phương pháp giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân trong nhà trường theo hướng tổ chức các hoạt động giáo dục, thì còn phải “trông chờ” vào sự phối hợp của gia đình và đoàn thể. Trẻ hoàn toàn có thể có được cách thức học độc đáo, thú vị như thế nếu như gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp chặt chẽ với nhau. Tôi lấy ví dụ, trẻ học về lòng nhân ái ở trường, sau đó về nhà lại được phụ huynh khuyến khích và hướng dẫn “thực hành” bằng những việc làm cụ thể để giúp đỡ, chia sẻ với người khác như đỡ đần cha mẹ làm công việc nhà; nhường nhịn anh chị em; quan tâm, chăm sóc cho một cụ già hàng xóm neo đơn, không nơi nương tựa; hay nhiệt tình tham gia lao động ở khu phố để gây quỹ giúp các bạn nhỏ lang thang, cơ nhỡ ở các mái ấm, nhà mở… Bằng cách đó, trẻ nhất định sẽ hiểu một cách sâu sắc hơn tất cả những gì thầy cô giảng ở trường.
Bên cạnh gia đình và nhà trường, ông vừa nhắc thêm đến sự phối hợp của xã hội. Cụ thể, xã hội đóng vai trò như thế nào trong việc giáo dục, dạy bảo trẻ, ví dụ như dạy trẻ về lòng nhân ái?
Xin lấy ngay cuộc Hội thảo hôm nay làm dẫn chứng. Hội thảo là một phần của Chương trình triển khai thực hiện Thoả thuận 5 năm về tăng cường hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường giữa Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục Đào tạo và Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Omo. Trong 5 năm qua, cùng với Vụ Giáo dục Tiểu học, một doanh nghiệp như Unilever đã cùng góp sức với chúng tôi rất nhiều, hỗ trợ nhân lực, vật lực, thực hiện nhiều chương trình quy mô như tặng sân chơi tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ, để góp phần vào việc tăng cường hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ trong nhà trường.
Chúng ta nên có thêm những chương trình như thế, những doanh nghiệp như thế cùng chung tay, chung sức. Tôi từng thấy có những em mới cấp tiểu học thôi, nhưng cũng tham gia với cha mẹ, bạn bè mình vào chương trình “Đi bộ vì người nghèo” do một đoàn thể tổ chức. Nhìn hình ảnh ấy, chúng ta sẽ thấy rất rõ rệt đây chính là sự phối hợp đồng bộ của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục trẻ. Sự phối hợp đó càng chặt chẽ, chúng ta càng có hy vọng tạo nên được một thế hệ tương lai phát triển toàn diện cả về nhân cách, thể chất, và tri thức.
Xin cám ơn ông.
P.V
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)