Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ông Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH và THCN: Ưu tiên trước mắt là nâng cao chất lượng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục lần thứ 13 vừa chính thức ra mắt đã thu hút được sự chú ý và gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội.

Trong chiến lược 10 năm hay 20 năm, trước mắt nên tập trung số 1 cho vấn đề nâng cao chất lượng đại học
Bắt đầu từ số báo này, chúng tôi xin trích đăng các ý kiến đóng góp cho dự thảo.
Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục rất công phu ở chỗ đây đã là bản thảo thứ 13 và hiện Bộ GD&ĐT đang đưa lên mạng để lấy ý kiến chung. Tôi tin rằng nhiều người hoan nghênh những điểm này.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sau khi bản dự thảo ra mắt công chúng đã có một số nhà quản lý, nhà giáo dục bày tỏ quan điểm của mình. Mỗi người nói một khía cạnh nhưng đều giống nhau ở chỗ họ nghi ngờ tính khả thi của các con số. Tôi cũng chia sẻ nghi ngờ ấy.
Đã gọi là chiến lược phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình. Trong bản chiến lược này có đánh giá mặt này được, mặt kia được và nguyên nhân nhưng tôi thấy rõ ràng bản dự thảo chưa nhìn thẳng vào sự thật.
Sự thật là trong gần 20 năm qua nền giáo dục của chúng ta sa sút nghiêm trọng, đi vào khủng hoảng và phải được chấn hưng. Nếu không dám nhìn thẳng sự thật thì không thể giải quyết được vấn đề. Trong 20 năm đổi mới của giáo dục Việt Nam chúng ta phải dũng cảm nhận thấy là về cơ bản đã thất bại.
Chiến lược giáo dục đã có và đến 2010 mới hết nhưng ngành cũng không có sự đánh giá những mặt được và chưa được như thế nào, mặc dù thực chất, chiến lược cũ không giải quyết được vấn đề gì cho giáo dục nhưng cũng phải nêu để kế thừa hay rút kinh nghiệm trong chiến lược mới này.
Một chiến lược phải đặt ra rõ được sự ưu tiên dành cho những vấn đề được giải quyết trước bởi vì không chỉ giáo dục mà chiến lược lĩnh vực nào cũng luôn luôn đứng trước rất nhiều yêu cầu và luôn luôn không có đủ khả năng giải quyết tất cả các yêu cầu.
Bản chiến lược này đã không nêu rõ được những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Trên thực tế, vấn đề nào cũng đang cần được giải quyết cấp thiết: mẫu giáo, tiểu học, phổ thông, đại học, xã hội học tập, học tập suốt đời…
Trách nhiệm của nhà quản lý là lựa chọn cái gì tập trung sức làm, cái gì tạm gác lại. Xin lấy một ví dụ: chúng ta đang cải cách giáo dục nhưng chiến lược không nói rõ có thực hiện cải cách giáo dục không, vì sao có làm, vì sao không làm trong khi đó là một vấn đề rất lớn.
Có hai điểm cũng rất quan trọng là quản lý tài chính và nhân lực. Có một  nhà nghiên cứu giáo dục rất nhiệt huyết là GS Nguyễn Xuân Hãn từng làm các bản nghiên cứu công phu và đã từng nói trước dư luận là chúng ta có thừa tiền nhưng không biết quản lý.
Bộ GD&ĐT thấy ý kiến này đúng hay sai phải có trách nhiệm thông tin lại cho xã hội biết, nhưng dường như Bộ cũng không nắm được tiền bạc mình có thì phải. Tôi biết ở đây có sự phân công giữa 3 bộ Tài chính, Đầu tư và GD&ĐT nhưng Bộ GD&ĐT phải nắm chung để biết thực lực có gì, thiếu gì để sử dụng tốt như người cầm quân giỏi trước trận đánh. Rất tiếc đó là điều thiếu trong chiến lược.
  "Trong chiến lược 10 năm hay 20 năm, trước mắt nên tập trung số một cho vấn đề nâng cao chất lượng đại học. Làm được việc này sẽ là đầu tầu kéo tất cả lên"
Trong chiến lược có nêu vấn đề đột phá nhưng không  rõ tính chất đột phá ở đâu. Vấn đề là phải chọn ưu tiên đúng, ưu tiên số một là gì. Theo tôi, hiện nay vấn đề lớn là cán bộ quản lý. Tuy giảng viên, giáo viên là người cuối cùng trong khâu quyết định chất lượng nhưng người điều hành công việc trong ngành là cán bộ quản lý.
Có thể nói: giáo dục xuống cấp chính là do quản lý chưa tốt. Vì vậy muốn chấn hưng GD&ĐT phải giải quyết đội ngũ cán bộ quản lý. Tôi nghĩ rằng trong đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp cao nhất đến cấp quản lý nhà trường có một bộ phận là những người không tương xứng với công việc, vừa không có tâm vừa không có tầm. Giải quyết vấn đề cán bộ quản lý chính là sự đột phá,  nhất là trong các trường đại học.
Tất cả các cấp học, bậc học đều quan trọng, người thầy cũng quan trọng… Nhưng theo tôi, trong chiến lược 10 năm hay 20 năm, trước mắt nên tập trung số 1 cho vấn đề nâng cao chất lượng đại học. Làm được việc này sẽ là đầu tầu kéo tất cả lên; 
Đại học là tinh hoa mà sa sút thì tất cả sẽ sa sút. Ở đây tôi cũng xin nhấn mạnh là chất lượng đại học chứ không phải số lượng. Có nghĩa là phải giải quyết vấn đề nhân lực cho xã hội chứ không phải nhu cầu học tập của xã hội. Vì vậy, trước hết phải có hiệu trưởng tốt, có tâm có tầm để giải quyết được vấn đề như đã nói ở trên.
Trong vấn đề chất lượng đại học phải nói đến cả tầm quan trọng của hội đồng nhà trường, một hội đồng đại diện cho quyền lợi của xã hội chứ không phải  chỉ đại diện cho quyền lợi của nhà trường hay để chia nhau học phí.
Có một hội đồng nhà trường như vậy ắt sẽ chọn ra được hiệu trưởng tốt nếu biết lo trách nhiệm, uy tín thật của nhà trường chứ không phải uy tín giả tạo.
Sau đại học vấn đề đào tạo nghề nên được quan tâm. Đó chính là cốt lõi của những vấn đề tiếp theo sau 10 năm, 20 năm nữa.
Hồ Thu (tiền phong)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)