Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

“Ông lớn” chào thua “dế” giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong khi ở phân khúc điện thoại di động (ĐTDĐ) trung và cao cấp các hãng lớn cạnh tranh rất quyết liệt, thì dòng máy giá rẻ của các tên tuổi đang… rút lui có trật tự. Phân khúc máy dưới 2 triệu đồng gần như đã bị mất thị phần. 

Một loại điện thoại nhãn hiệu Việt giá chưa đến 2,4 triệu đồng nhưng có kết nối wifi, 3G được khách hàng tìm hiểu ở một siêu thị ĐTDĐ tại TP.HCM – Ảnh: Gia Tiến

Những năm trước, dù liên tục giới thiệu các mẫu điện thoại mới nhưng doanh thu lớn nhất của Nokia, Samsung hay Motorola lại đến từ những dòng điện thoại giá rẻ dưới 1 triệu đồng. Nhưng những năm gần đây, nhất là từ tết đến giờ, thông tin từ các nhà bán lẻ điện thoại cho biết các sản phẩm dưới 1 triệu đồng của các hãng lớn rất khó bán.

Một số hãng như Samsung, LG chuyển sang phân khúc giá 2 – 4 triệu đồng, Nokia có rất nhiều sản phẩm trong phân khúc này. Sự chuyển hướng thể hiện rõ nhất qua sự xuất hiện liên tục của các sản phẩm smartphone với giá từ 4 triệu đồng trở lên.

2 triệu, kết nối wifi, 3G

Người cho các “ông lớn” đo sàn không ai khác là điện thoại nhãn hiệu Việt (sản xuất tại Trung Quốc) như Mobell, Wellcom, FPT, Mobistar… và điện thoại nhãn hiệu Trung Quốc.

Giá rẻ là một đặc tính xưa nay của các dòng điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên những cải tiến về chất lượng và mẫu mã thời gian gần đây đang khiến người tiêu dùng thay đổi suy nghĩ về những sản phẩm này.

Theo một nghiên cứu của giới kinh doanh ĐTDĐ, điện thoại giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 50% thị phần tại thị trường VN. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng bởi giá cả hợp túi tiền nhưng có nhiều tính năng cao cấp.

Trước kia, với mức giá rẻ dưới 2 triệu đồng, người tiêu dùng chỉ có thể tìm mua những điện thoại có tính năng rất cơ bản. Giờ đây cũng với số tiền trên, khách hàng đã có thể tha hồ lựa chọn nhiều mẫu điện thoại có những tính năng hiện đại: không những nghe nhạc, chụp ảnh, kết nối Bluetooth… mà còn có thể kết nối wifi, 3G, bàn phím Qwerty, màn hình cảm ứng…

Dạo quanh các siêu thị ĐTDĐ, người dùng dễ dàng tìm thấy những mẫu điện thoại giá rẻ nhưng sở hữu những tính năng cao cấp như: Mobell W660 chụp ảnh 3 chấm, kết nối 3G, giá xấp xỉ 2 triệu đồng; Alo F106 của mạng VinaPhone kết nối 3G có giá 1,9 triệu; F-mobile B940 có bàn phím Qwerty, kết nối wifi, 2 sim 2 sóng, giá 1,9 triệu; F-mobile F99 kết nối wifi, 2 sim 2 sóng, giá bán 1,9 triệu; K-Touch H999 kết nối wifi, 2 sim 2 sóng, giá bán 1,7 triệu…

Trong đó tính năng rất phổ biến của các mẫu điện thoại xuất xứ Trung Quốc là 2 sim 2 sóng. Hầu hết điện thoại từ khoảng 800.000 đồng trở lên đều có tính năng này.

Chất lượng ngày càng tốt

Ông Huỳnh Nhân Quý, giám đốc nghiên cứu thị trường Công ty Viễn Thông A, cho biết phân khúc chủ đạo của chuỗi siêu thị Viễn Thông A nói riêng cũng như của thị trường nói chung nằm trong khoảng giá 500.000-3 triệu đồng.

Riêng các mẫu điện thoại ở phân khúc dưới 2 triệu đồng được khách hàng lựa chọn nhiều nhất và ước khoảng 70% thị phần về mặt doanh số. Nhiều dòng điện thoại của các thương hiệu Q-mobile, F-mobile được khách hàng lựa chọn mua do mẫu mã đẹp, nhiều tính năng hiện đại…

“Nhìn chung, hiện tại giá điện thoại đã ở mức mà nhiều đối tượng khách hàng có thể dễ dàng mua sắm được. Không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng như nghe, gọi, nhắn tin… với chất lượng ổn định, các sản phẩm này còn khá đa dạng về màu sắc và mẫu mã bắt mắt, đầy đủ tính năng giải trí, giá cả rất phải chăng” – ông Quý nhận xét.

Ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh Thế giới di động, cho biết doanh số những mẫu điện thoại có mức giá dưới 2 triệu đồng chiếm 60-70% lượng điện thoại bán ra tại hệ thống siêu thị Thế giới di động. Trong khi đó, phân khúc giá trên 6 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Điều này cho thấy những mẫu máy giá bình dân đang có sức thu hút lớn với người tiêu dùng VN.

Theo phân tích của ông Huân, trước kia các hãng ĐTDĐ lớn tập trung rất nhiều dòng sản phẩm vào phân khúc dưới 2 triệu đồng. Nhưng hiện giờ với sự gia tăng thị phần mạnh mẽ của hàng xuất xứ Trung Quốc, các hãng lớn cạnh tranh không lại ở phân khúc này. Lựa chọn của hầu hết người tiêu dùng ở phân khúc dưới 2 triệu đồng đều không phải là hàng của các hãng lớn.

ĐỨC THIỆN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)