Sự kiện giáo dụcTin tức

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề: Thay đổi toàn diện, đồng bộ về chất lượng dạy nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chất lượng dạy nghề, học nghề từ nay đến năm 2020 sẽ như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Tiến Dũng (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã có cuộc trao đổi với Giáo Dục TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, người Việt Nam rất coi trọng bằng cấp, liệu công tác dạy nghề sẽ “đột phá” như thế nào để giúp cho sự phát triển nguồn nhân lực nước ta hiện đang mất cân đối?
Quả thật đây là vấn đề khó. Muốn làm được điều đó thì quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề, trong đó công tác hướng nghiệp cần được chú ý. Mặt khác, chúng tôi phải phối hợp với các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về dạy nghề. Đối với ngành đó là thực hiện tốt Đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy nghề theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, chúng tôi sẽ chú trọng có những bước đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa dạy nghề với doanh nghiệp, trang bị kỹ năng nghề, năng lực sáng tạo, đảm bảo người lao động sau khi học xong có được việc làm trong môi trường cạnh tranh. Hệ thống dạy nghề sẽ được tổ chức liên thông, dễ tiếp cận và phát triển bền vững. Định hướng quy mô đào tạo nghề đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%; gắn kết giữa dạy nghề với doanh nghiệp, đảm bảo về cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 55%, lại đòi hỏi một chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, bước đột phá này liệu có thành hiện thực không, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2020, chúng tôi phải có những bước đi thích hợp cho từng giai đoạn. Cụ thể ở đây chúng tôi sẽ tiến hành 3 giai đoạn, đó là giai đoạn 2009-2010, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Ví dụ, ở giai đoạn đầu chúng tôi chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ; thành lập mới hoặc nâng cấp các trường CĐ, TC nghề; thí điểm đầu tư các trường nghề để có năng lực đào tạo đạt chuẩn khu vực, thế giới. Xây dựng khoa sư phạm dạy nghề; thí điểm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghề theo chương trình của các nước phát triển (Anh, Đức). Xây dựng bộ chương trình khung trình độ CĐ, TC nghề. Thí điểm áp dụng chương trình đào tạo nghề của các nước phát triển, kiểm định chất lượng, thành lập trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo vùng… Giai đoạn tiếp theo thực hiện đột phá về chất lượng dạy nghề ở một số nghề, một số lĩnh vực và hoàn tất việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức triển khai đột phá về chất lượng dạy nghề ở giai đoạn 2016-2020… Như vậy, giai đoạn trước làm nền tảng cho giai đoạn sau để đến năm 2020 chúng ta có một bước thay đổi toàn diện, đồng bộ về chất lượng dạy nghề.
Đào tạo theo hướng “cung” sang “cầu” đòi hỏi chất lượng đầu ra là quan trọng nhất, là thể hiện năng lực của ngành dạy nghề. Vậy giải pháp để nâng cao chất lượng đó như thế nào, thưa ông?
Đúng, thành quả cuối cùng là chất lượng đầu ra. Tất nhiên để có chất lượng thì chúng tôi phải tiến hành nhiều giải pháp. Trước hết chúng tôi phải tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề, tức là phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy nghề, cơ cấu theo trình độ đào tạo và nghề đào tạo; nâng cao chất lượng giáo viên, thực hiện chuẩn hóa trình độ đào tạo – nghiệp vụ sư phạm – kỹ năng nghề; xây dựng và thống nhất thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ cơ sở dạy nghề, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý dạy nghề và áp dụng chương trình bồi dưỡng của các nước phát triển; tăng quyền tự chủ cho các trường trong việc phát triển chương trình; chuyển quản lý nhà nước từ quản lý chương trình khung sang quản lý khung chương trình dạy nghề, áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển cho các nghề đạt chuẩn khu vực và thế giới; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn trường, cơ sở vật chất, thiết bị theo các cấp trình độ đào tạo, nghề đào tạo và tập trung đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn theo nghề đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề, đào tạo nghề qua mạng. Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trong các trường nghề và đào tạo một số nghề trình độ cao ở các trường trọng điểm bằng tiếng Anh.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)