Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ông Phan Thế Ruệ: Cần có lộ trình tăng thuế môi trường xăng dầu

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là việc cần thiết nhưng việc sử dụng tiền thuế thu được phải minh bạch, đúng như tên gọi và đặc biệt cần có lộ trình tăng thuế rõ ràng.
Các chuyên gia cho rằng, cần sớm có lộ trình cho tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để doanh nghiệp không bị động.
Các chuyên gia cho rằng, cần sớm có lộ trình cho tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để doanh nghiệp không bị động.

Phát biểu tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” sáng nay (16/5), khẳng định việc cần sớm điều chỉnh các loại thuế nội địa để bù đắp cho việc thuế nhập khẩu đang giảm dần theo cam kết hội nhập đã ký, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, điều khiến người dân quan tâm chính là việc thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng lên 8.000 đồng/lít nhưng đến nay cơ quan quản lý chưa có lộ trình cụ thể cũng như chưa làm rõ việc chi các khoản tiền thu được từ bảo vệ môi trường cho việc bảo vệ môi trường ở đâu, như thế nào.

“Công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách. Chúng tôi ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”, ông Ruệ nói và cho rằng trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% như cam kết thì từ năm 2018 Chính phủ sẽ phải tính đến việc xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Cho rằng việc tăng thuế là việc phải làm nhưng nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định cần có nhìn tổng quát hơn khi tăng thuế bảo vệ môi trường. Theo ông Thỏa, cần thay đổi tư duy quản nguồn thu theo hướng giảm thuế xăng dầu để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính từ trước đến nay thường có xu hướng “ăn chắc” khi tập trung nhiều vào các khoản thu đầu vào. Trong khi nếu tính theo yếu tố kinh doanh, quản trị thì đầu vào có thể thu ít hơn để hỗ trợ sản xuất phát triển. Dù thuế giảm nhưng khi doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả, tiết kiệm được chi phí đầu vào sẽ có nguồn thu tăng lên. Khi đó, thu thuế từ doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Thoả nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần điều chỉnh hoạt động quản lý quỹ bình ổn giá xăng, đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về mức thấp nhất, chấp nhận mở cửa thị trường xăng dầu để cạnh tranh để cho thị trường xăng dầu hoạt động đúng nghĩa cơ chế thị trường.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho hay, việc cam kết hội nhập hiện nay đang tạo ra những vấn đề cần xem xét. Theo đó, với việc thuế nhập khẩu xăng dầu ở một số thị trường giảm xuống còn 0% đã dẫn đến việc nhiều DN cùng dồn vào một thị trường để nhập khẩu để hưởng thuế thấp. Điều này dẫn đến việc DN nhập khẩu có thể bị ép giá. Chưa kể cũng có những DN sẵn sàng “trả thêm” để nhập khẩu xăng từ những thị trường có mức thuế nhập khẩu thấp. Với mức chênh lệch tới 10% về thuế thì số tiền mỗi lít xăng mang lại lợi nhuận cho DN là rất lớn.

“Nên đưa thuế nhập khẩu về mức thuế thấp nhất vì trước sau DN cũng vào các thị trường này để nhập hàng. Khi đó sẽ không còn tình trạng DN cạnh tranh nhau, trả thêm tiền cho đối tác để được nhập hàng và để họ hưởng lợi. Chưa kể thuế nhập khẩu trước sau cũng sẽ phải đưa về mức 2% nên việc thu thuế này cũng sẽ phải điều chỉnh theo hướng tăng nguồn thu từ trong nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới”, ông Tuyển đề xuất.

Cho rằng, thị trường xăng dầu những năm gần đây có những diễn biến rất phức tạp, có thời điểm giá xăng lên hơn 120 USD/thùng nhưng cũng có thời điểm xuống còn 29 USD, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường có những diễn biến rất nhanh nên nhiều quy định của pháp luật về thị trường xăng dầu không còn phù hợp.

Điểm bất hợp lý cần xem lại, theo ông Doanh, chính là việc xem lại cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu sao cho hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, chúng ta có cơ chế thị trường nhưng lại thiếu tính cạnh tranh. Điều này thể hiện khá rõ qua việc mỗi lần điều chỉnh giá là giá bán của các DN gần như điều chỉnh đồng thời như nhau, không có sự chênh lệch nhiều. Trong khi nếu có sự cạnh tranh đúng nghĩa, cơ cấu giá, chi phí của các DN sẽ rất khác nhau và giá bán sẽ có sự chênh lệch nhau.

“Một bất cập khác của Nghị định 83 là việc quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền dân đóng góp nhưng lại không có đại diện nào của người dân tham gia quản lý. Cần tính đến việc nên chăng có đại diện của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cùng tham gia vào quản lý quỹ’, ông Doanh đề xuất.

Bên cạnh nêu ra 7 vấn đề bất cập khác với thị trường xăng dầu, ông Doanh cho rằng, cần xem lại quy hoạch kinh doanh phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng như vấn đề liên quan đến giá, sự cạnh tranh của các DN trong ngành. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Nghị định 83 vẫn còn cơ chế xin cho nhiều. Thời gian tới, dù xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng cũng cần xem lại việc cấp phép các điểm bán, địa điểm kinh doanh xăng dầu theo hướng thông thoáng hơn. Việc cấp phép cần theo hướng hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ quản lý và người đi xin. Cùng đó cần minh bạch việc điều hành hơn nữa.

Phạm Tuyên/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)