Hội nhậpThế giới 24h

Ông Srettha Thavisin đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc hội Thái Lan ngày 22.8 bỏ phiếu phê chuẩn ứng viên Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai làm tân thủ tướng.

Reuters đưa tin ông Srettha giành được hơn 375 phiếu cần thiết trong phiên bỏ phiếu của lưỡng viện quốc hội, chấm dứt 3 tháng bế tắc từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 14.5. Đảng Tiến lên (MFP) giành được nhiều phiếu nhất sau cuộc tổng tuyển cử nhưng ứng viên Pita Limjaroenrat của đảng này không giành đủ sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu hôm 13.7. Pheu Thai xếp thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử, đã liên minh với 10 đảng khác, không gồm MFP nhưng có sự hiện diện của các đảng liên kết với quân đội, để thành lập chính phủ.

Ông Srettha Thavisin đắc cử Thủ tướng Thái Lan - Ảnh 1.

Ông Srettha Thavisin tại trụ sở Pheu Thai ở Bangkok ngày 22.8. Reuters

Gương mặt mới toanh

Ông Srettha (60 tuổi) là cái tên mới trên chính trường Thái Lan, dù là một đại gia bất động sản có tiếng. Xuất thân từ gia đình có gốc trong giới kinh doanh, ông từng làm việc cho Tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) tại Thái Lan sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường cao học Claremont (Mỹ). Ông đồng sáng lập Công ty Sansiri, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Thái Lan. Ông nắm vai trò điều hành công ty trong hàng chục năm trước khi từ chức hồi tháng 4 để tham gia chính trường.

Ông Srettha mới chỉ gia nhập đảng Pheu Thai trong năm 2023 với vai trò là cố vấn của bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trong phiên bỏ phiếu hôm qua, một số nghị sĩ nói không biết nhiều về ông Srettha ngoài việc ông này "xây nhà để bán", theo tờ Bangkok Post. Tuy chưa có kinh nghiệm trong chính quyền, sự thăng tiến chính trị của ông Srettha được cho là nhận sự hoan nghênh của phần lớn giới doanh nhân. Con đường sự nghiệp của ông cũng giống với ông Thaksin, người từng là "ông trùm" ngành viễn thông trước khi trở thành thủ tướng.

Ông Srettha Thavisin đắc cử Thủ tướng Thái Lan - Ảnh 2.

Thách thức của tân thủ tướng

Ông Srettha cho biết ưu tiên của ông là kích thích nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trước khi gia nhập Pheu Thai, ông từng có những bình luận công khai về chính trị trên mạng xã hội, ủng hộ quyền của người LGBT và bảo vệ môi trường bền vững. Ông Srettha là người công bố chương trình "ví kỹ thuật số" của Pheu Thai, theo đó chính phủ sẽ nạp 10.000 baht (6,8 triệu đồng) vào ví của mỗi người từ 16 tuổi trở lên để kích thích tiêu dùng. Ông cũng sẽ phải thực thi các cam kết tranh cử của Pheu Thai như tăng lương tối thiểu, trợ cấp thu nhập hộ gia đình và tăng thu nhập cho nông dân để đưa mức tăng trưởng kinh tế lên 5%.

Theo Bloomberg, những thách thức chờ đợi ông Srettha trên cương vị mới gồm một xã hội phân cực, một nền kinh tế đang vất vả hồi phục và khoản nợ hộ gia đình đã tăng lên mức kỷ lục là hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội. Đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc đã gây những tác động đến nền kinh tế Thái Lan, gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu. Ngành du lịch của nước này cũng bị ảnh hưởng do lượng khách từ Trung Quốc quay lại sau đại dịch còn ít. Mặt khác, tân thủ tướng sẽ cần cân bằng lợi ích của giới bảo thủ và quân đội, dự kiến sẽ tiếp tục chi phối chính trường trước tiếng nói của nhóm cử tri trẻ tuổi đang dần xích lại MFP. Một trong những cam kết khác của Pheu Thai là sửa đổi hiến pháp để trở nên "dân chủ hơn" trong khi vẫn giữ nguyên các điều luật về chống phỉ báng hoàng gia. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)