Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ông Tây làm hiệu trưởng ĐH công lập VN

Tạp Chí Giáo Dục

 GS.TS Wolf Rieck – Ảnh: Đ.N.Thạch

Với phong cách rất trẻ trung, GS.TS Wolf Rieck chia sẻ khá cởi mở với Thanh Niên về cuộc đời “nhiều màu sắc” của ông, đặc biệt là bước ngoặt khi ông trở thành hiệu trưởng của một trường ĐH công lập tại VN.

50 nước, 5 châu lục và Việt Nam

GS.TS Wolf Rieck đã có mặt ít nhất tại 50 quốc gia thuộc cả 5 châu lục trên thế giới. Ông đến những nước này để đi du lịch hoặc thỉnh giảng. “Vậy, điều gì khiến ông quyết định gắn bó với Việt Nam?” – tôi thắc mắc. GS.TS Wolf Rieck thong thả kể: “Tôi đã có nhiều lần đến Việt Nam công tác. Tôi tham gia tổ chức những cuộc hội thảo cho hiệu trưởng các trường ĐH, sau đó đề đạt nguyện vọng lên Chính phủ Việt Nam”. Nói về công việc hiện tại, giọng ông phấn chấn: “Năm 2008, tôi được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐH Việt – Đức. Bạn tưởng tượng xem, tôi được làm một công việc thú vị biết dường nào!”.

Trước khi sang Việt Nam làm việc, GS.TS Wolf Rieck từng làm Hiệu trưởng trường ĐH Ứng dụng Frankfurt tại quê hương ông (Đức). Ông bộc bạch: “Không thể nói cái nào khó hơn cái nào. Tuy nhiên, việc bắt tay xây dựng ngôi trường mới từ những ngày đầu tiên như thế này là một thách thức và cũng là niềm vinh dự lớn cho tôi. Ở độ tuổi U-70, tôi có lợi thế là đã học được cách giải quyết các vấn đề. Và lợi thế to lớn hơn, đó là sự hỗ trợ từ hai chính phủ của hai nước”. Ông cho hay, Chính phủ VN dự kiến vay khoảng 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng trường ĐH Việt – Đức trên diện tích 20 ha, nằm trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM. 

“Phải Top trong khu vực đã…”

  “Ông nghĩ sao khi nhiều người kỳ vọng trong tương lai, trường ĐH Việt – Đức sẽ có tên trong Top những trường ĐH chất lượng cao trên thế giới?”.

GS.TS Wolf Rieck phân tích: “Đây là một vấn đề khá khó. Bởi vì, để có thể đứng trong hàng Top thế giới, những trường đó thường phải có lịch sử và kinh nghiệm lâu dài, lại được đầu tư số tiền rất lớn. Trước hết, chúng tôi phải nỗ lực đưa trường Việt – Đức có mặt trong Top các trường của khu vực cái đã”.

Ông cho hay, trong năm học 2008, do khâu quảng bá, giới thiệu về trường khá gấp gáp nên hiện chỉ có 35 sinh viên theo học. Từ năm 2009, số lượng sinh viên đăng ký sẽ tăng lên đồng thời nhiều ngành học mới sẽ được mở ra, trong đó có những ngành mũi nhọn như: kỹ sư xây dựng, cử nhân lĩnh vực y tế, thạc sĩ tài chính ngân hàng… Theo GS.TS Wolf Rieck, một trong những thực tế đáng quan tâm của nền giáo dục Việt Nam là có quá ít sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực họ được đào tạo. Khi được đề nghị mô tả về trường ĐH Việt – Đức, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh đến ba từ chủ chốt, đó là: Đột phá – Tự chủ – Minh bạch.

Đừng ngại làm trái nghề! GS.TS Wolf Rieck đã khuyên sinh viên như vậy vì ông đã nhiều lần làm… trái nghề. Ông tốt nghiệp ngành quản lý doanh nghiệp và trải qua một chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề. Ra trường, ông kinh qua nhiều công việc: trợ lý trong một doanh nghiệp truyền thông y tế; Trưởng phòng chiến lược phát triển sân bay Frankfurt – một trong những sân bay lớn nhất châu Âu và thế giới; Hiệu trưởng trường ĐH Ứng dụng Frankfurt… và hiện nay là Hiệu trưởng trường ĐH công lập Việt – Đức.

Nhắc tới sinh viên VN đang theo học ở trường ĐH Việt – Đức, Rieck hào hứng hẳn lên. Ông kể rằng, lúc đầu,hầu hết sinh viên ở trường ông rất dè dặt, không dám phát biểu. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn, các bạn này thay đổi đến không ngờ. Thậm chí, trong những dịp lễ, sinh viên còn chủ động mời hiệu trưởng tới tham dự… “Tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam chăm chỉ, trong lớp học thì rất lịch sự và nghiêm túc. Khác với sinh viên Đức, họ rất có ý thức về cơ hội và có khả năng để tiếp nhận một nền giáo dục tốt cho tương lai. Còn “tính xấu” của họ ư? Tôi chưa “khám phá” được, nên chỉ biết nhận xét thế thôi!” – GS.TS Wolf Rieck cười hóm hỉnh.

Như Lịch ( Theo TNO )

 

Bình luận (0)