Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Ông thầy mặt nghiêm”

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: Xuân Hồng

“Thấy tôi học sư phạm, bạn bè trong lớp ai cũng ngỡ ngàng. Có người hỏi: “Học giỏi như cậu sao không làm bác sĩ, hay kỹ sư mà lại làm thầy giáo?”. Tôi trả lời từ khi còn là học sinh tiểu học, tôi đã âm thầm nuôi giấc mơ trở thành thầy giáo…”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Q.1) Lê Công Minh bắt đầu câu chuyện.
1. Giấc mơ trở thành thầy giáo của cậu học trò Lê Công Minh được nuôi dưỡng từ năm học lớp 4. “Hồi ấy, tôi may mắn được học với thầy Nguyễn Ngọc Xuân. Thầy rất tận tụy với công việc và yêu thương học trò như con. Cảm phục trước tấm lòng của thầy, tôi tự hứa với lòng sau này lớn lên nhất định sẽ trở thành một thầy giáo. Một thầy giáo dạy tiểu học, vì so với những bậc học khác, giáo viên tiểu học có nhiều thời gian gần gũi với học trò hơn”…
9 năm sau, Lê Công Minh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 1981, anh ra trường và bắt đầu thực hiện giấc mơ thời niên thiếu. Thời gian đầu anh dạy ở Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1), sau đó chuyển sang Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1).
Có lẽ suốt cuộc đời, anh cũng không sao quên được những năm tháng gắn bó với mái trường này. Ngày ấy, chợ đầu mối Cầu Muối vẫn còn nằm bên hông Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Đa phần phụ huynh của trường là “dân đá cá, lăn dưa” nên không quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Họ cứ “quăng” con vào trường rồi chúng muốn học như thế nào thì học. Giáo viên muốn gặp phụ huynh còn khó hơn gặp “Tổng thống”. Còn học sinh thì… “đứa nào đứa nấy quậy như giặc”. Trong giờ học, chúng không bao giờ chịu ngồi nghe thầy, cô giảng bài mà cứ nhìn trước, ngó sau, hết chọc bạn này lại phá bạn kia. Với những học sinh siêu quậy này, bắt buộc anh phải trở thành người thầy “siêu nghiêm”. “Nghiêm” ở đây không phải là trừng mắt nhìn các em, lại càng không phải là dùng roi vọt đối với chúng. Bởi roi vọt, chửi mắng là những thứ mà chúng thường được các ông bố, bà mẹ “đá cá, lăn dưa” ban tặng hàng ngày, điều đó chỉ làm các em trở nên trơ lì.
Hiểu được điều đó, trong lớp anh luôn tỏ ra nghiêm khắc đối với những học sinh cá biệt này. Nhưng sau buổi học, anh tỏ ra ân cần như một người thân trong gia đình để hỏi han các em. Với những học sinh học kém, anh dành thời gian ôn bài cho các em. Dần dần những học sinh siêu quậy cũng hiểu được tấm lòng của “ông thầy mặt nghiêm” và trở nên chăm ngoan…
“Rất nhiều em trong số đó giờ đã thành đạt, em là kỹ sư, em là bác sĩ, cũng có em theo thầy làm giáo viên. Có nhiều em đang du học hoặc công tác ở nước ngoài. Tôi cảm thấy tự hào về công việc của mình”, anh tâm sự.
2. Sau nhiều năm trực tiếp đứng lớp, điều khiến anh trăn trở nhất là làm sao thay đổi phương pháp dạy học. Cái phương pháp thầy đọc- trò chép đã quá lỗi thời. Phương pháp này không những không phát huy được sở trường của người thầy mà còn làm mất đi hứng thú học tập của học sinh. Nhưng vào thời điểm này, việc thay đổi phương pháp dạy học không phải muốn là được… Bởi vậy, khi Phòng GD-ĐT Q.1 tổ chức Hội thi Viên phấn vàng lần thứ I, anh đã không ngần ngại thể hiện bài giảng bằng phương pháp dạy học mới và anh đã đạt giải.
Sau lần đó, anh đại diện cho TP.HCM tham gia cuộc thi Giáo viên giỏi cấp quốc gia lần thứ I (năm 1998). Lần này anh cũng “rinh” về cho ngành giáo dục thành phố một giải xuất sắc. Cũng từ đấy, anh không còn phải dè dặt khi đưa phương pháp giáo dục mới vào giảng dạy nữa. Còn về phía học sinh, được học với thầy Minh là một niềm vui lớn. Ở đấy, các em được nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết của mình. Và trên hết là khoảng cách giữa thầy và trò không còn xa lắc xa lơ như cái thời “thầy đọc – trò chép”…
Hơn 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, anh chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo. Năm 2003, anh được bổ nhiệm làm hiệu phó. Lúc đó, anh đã chân tình nói với Ban giám hiệu và các đồng nghiệp trong trường rằng: “Mọi người nên chia buồn với tôi”. Nghe vậy ai cũng cười và nghĩ rằng anh… “khùng”. Nhưng anh biết mình không “khùng”, bởi từ tận đáy lòng anh hiểu niềm vui lớn nhất của mình là được đứng lớp.
Năm học 2005-2006, anh chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải. Nhiều người nói số anh thật vất vả, đang làm việc ở một ngôi trường bề thế với cả ngàn học sinh, giờ lại phải về cái trường bé tẹo, chỉ lèo tèo khoảng 300 học sinh. “Chắc anh sốc lắm nhỉ”, tôi chia sẻ. Nhưng không, anh không hề sốc. Bởi: “Trước khi điều tôi về đây, các anh chị trên Phòng GD-ĐT Q.1 cũng đã hỏi ý kiến. Nhưng tôi nghĩ mình là đảng viên, Đảng phân công công tác thì phải hoàn thành. Vả lại nếu giáo viên nào cũng muốn dạy ở những ngôi trường khang trang thì lấy ai dạy ở ngôi trường nhỏ. Chính vì vậy mà tôi rất vui vẻ về đây nhận công tác…”, anh tâm sự.
3. Dù rằng trước khi về Trường Tiểu học Trần Quang Khải, anh đã hiểu được những thiếu thốn ở đây nhưng trên thực tế còn khó khăn gấp nhiều lần…
Gọi là trường cho oai thôi, thực ra với quy mô mười mấy lớp và khoảng 300 học sinh thì Trường Tiểu học Trần Quang Khải chỉ tương xứng một điểm lẻ. Mùa mưa, nước ngập lênh láng, phòng học biến thành ao. Mùa nắng, nóng như thiêu như đốt vì thiếu cây xanh. Bởi vậy nên vào mùa tuyển sinh, trong khi các trường khác phụ huynh nườm nượp tới đăng ký cho con học thì Trường Tiểu học Trần Quang Khải “vắng như chùa Bà Đanh”. Năm nào cũng vậy, không chỉ Ban giám hiệu mà cả giáo viên đều nơm nớp lo sợ không biết có tuyển đủ học sinh hay không… Còn “đầu vào” thì quá tệ. Phần lớn tân học sinh của trường không những không đi học chữ trước như học sinh ở các trường khác mà ngay cả đi học mẫu giáo cũng không thèm đi. “Vì thế mà giáo viên ở các trường khác bỏ một giọt mồ hôi thì giáo viên ở đây phải bỏ tới hai, ba giọt”, anh tâm sự.
Giọt mồ hôi đầu tiên là xây dựng lại ngôi trường sao cho trường ra trường, lớp ra lớp. Sau một thời gian kêu gào, cuối cùng thầy và trò Trường Tiểu học Trần Quang Khải cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền. Từ những đồng vốn hỗ trợ, Trường Tiểu học Trần Quang Khải dần “thay da, đổi thịt”. Sân nền đều được nâng lên 50 – 60 cm, bàn ghế sắm mới phù hợp với chuẩn, lớp học được thông thoáng… Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới của ngôi trường này.
Giọt mồ hôi thứ hai, thứ ba được đổ vào những tiết học trên lớp, những hoạt động ngoài trời. Với phương pháp dạy học cá thể, giáo viên có điều kiện tiếp cận tới từng học sinh. Qua đó phát huy được cái ưu cũng như khắc phục cái nhược của từng em. Chất lượng giáo dục cũng từ đó mà nâng lên. 2 năm gần đây, năm nào tỷ lệ đậu vào các trường THCS công lập của học sinh nhà trường cũng đạt 96-97%. Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thừa nhận rằng, chất lượng của Trường Tiểu học Trần Quang Khải không thua kém bất kỳ ngôi trường đạt chuẩn nào trên địa bàn thành phố…
4. “Con chào thầy hiệu trưởng ạ!”, nghe tiếng chào, anh vội quay lại và nhìn thấy một cô bé bán vé số đang khoanh tay chào mình. Trời! Thì ra cô bé ấy là học sinh của anh. Anh thấy mắt mình cay cay, lòng thắt lại.
Anh tự trách mình vô tâm, làm “cha” mà không biết có những “đứa con” phải một buổi tới trường, một buổi đi bán vé số. Rồi một buổi chiều, sau giờ làm việc, anh tìm đến nhà học sinh. Thấy có tiếng người lạ, nữ chủ nhân của gia đình mặc áo sát nách, quần xắn đến ngang đùi từ trong bếp bước ra, vừa đi vừa chửi: “Đứa nào mà rảnh vậy, kiếm ai, có việc gì?”. Anh không trách người phụ huynh này mà thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn đối với học sinh…
Một lần khác, theo địa chỉ ghi trong học bạ anh tìm đến nhà một học sinh có nguy cơ phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo. Tới chung cư Lý Văn Phức (P.Tân Định, Q.1) anh như không tin vào mắt mình khi thấy nhà của học sinh là những tấm tôn, miếng bạt được vá chằng vá đụp lại với nhau rồi dựng lên ngay trong khoảnh sân của chung cư.
Sau đó, anh tìm đến những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả và mong họ cùng nhà trường quan tâm hơn đến các em có hoàn cảnh khó khăn. Đáp lại sự chân thành của anh là những suất học bổng, những phần quà dành cho các em học sinh nghèo…
Thỉnh thoảng anh gặp những cô, cậu học trò nghèo của mình và “rút ruột” ra để nói: “Đời ba, mẹ các con khổ nên các con cũng khổ theo. Bây giờ các con phải cố gắng học, có học thì sau này lớn lên mới hết khổ”… Không biết những đứa trẻ 6, 7 tuổi hiểu được mấy phần lời nói của thầy hiệu trưởng nhưng các em đều rất chăm chỉ học hành. Kết quả là nhiều em đã đậu vào Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa…
Thấy học sinh của mình vào học tại các trường trọng điểm bằng “cửa chính”. Tôi cảm nhận được rằng, hơn ai hết, thầy Lê Công Minh thấy mình thật hạnh phúc.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)