Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Ông Tiên” của bệnh nhân phong

Tạp Chí Giáo Dục

“Ông Tiên” Lê Chỉ Ngọc cùng con trai Lê Chỉ Ngà tại làng phong Bình Minh

Trại phong Bình Minh thuộc ấp 5 – xã Tân Hiệp – huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được thành lập từ năm 1974. Và ngay từ những ngày đầu tiên mới thành lập, ông Lê Chỉ Ngọc đã được bổ nhiệm làm trưởng trại.
Một trái tim đồng cảm
Trong chuyến công tác về đây, tôi thật sự xúc động trước tình cảm của các bệnh nhân phong dành cho ông Lê Chỉ Ngọc – một tình cảm rất đặc biệt mà chỉ có những người đồng cảnh ngộ như thế mới có được. Các em nhỏ gọi ông bằng “bố Ngọc”, người lớn thì gọi bằng chú, bằng anh và tên, riêng bản thân tôi thì gọi ông bằng “ông Tiên” bởi với 35 năm sống ở đây, bằng những việc làm xuất phát từ trái tim nhân hậu, hết mình, ông đã thật sự trở thành điểm tựa, cứu cánh của những mảnh đời bất hạnh ấy.
 Ông Lê Chỉ Ngọc sinh năm 1947, tại Quảng Nam. Vừa học hết lớp 9, ông bị phát bệnh phong và được đưa vào làng phong Quy Hoà điều trị, sau đó ông được đưa về Bệnh viện Chợ Quán. Từ khi về làm Trưởng trại phong Bình Minh, ông gần như đã làm cho tất cả bệnh nhân ở đây “sống” lại từ cách chăm sóc, lo lắng, phương pháp điều trị đến đời sống hàng ngày. Nỗi cực khổ của ông gần như nhân lên gấp đôi. Làng phong hiện có 550 bệnh nhân, trong đó có 111 bệnh nhân thuộc diện an phận, không lao động được, họ sống nhờ vào chế độ trợ cấp của Nhà nước (180.000 đồng/ tháng), 167 em từ 1-15 tuổi bị bệnh phong được đến lớp học, còn lại 272 bệnh nhân có thể đi làm kiếm sống được. Bên cạnh đó, còn có thân nhân người bệnh đến ở, ngày đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền lo cho người thân bị bệnh. Tất cả mọi gút mắc, khó khăn gì họ cũng đều nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Ngọc. Dù không học cao nhưng ông Ngọc hiểu sự quan trọng của học vấn. Chính ông đã vận động và bắt buộc 100% các em thiếu nhi ở đây đều phải đi học. Từ mẫu giáo đến lớp 4 sẽ được học tại đây (thầy cô giáo dạy là ông và các con của bệnh nhân). Từ lớp 5 trở đi sẽ được đưa ra ngoài hội nhập. Tôi đã gặp trực tiếp nhiều em, mỗi em có hoàn cảnh thật đáng thương nhưng đều học rất giỏi. Em Mai Nguyên Dung (lớp 9) hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng em vừa thi đậu thủ khoa Trường THCS Tân Hiệp; em Diệu Thương, bố mẹ mất sớm, liên tục 6 năm liền là học sinh giỏi. Các em Nguyễn Thị Diệu Mến, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Hoàng Thịnh bị bệnh phong, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, liên tục nhiều năm liền là học sinh xuất sắc mặc dù ngoài giờ đi học, các em phải đi làm thêm để có tiền phụ giúp ba mẹ.
Ánh mắt ngời sáng niềm tin, ông Lê Chỉ Ngọc nói với tôi: “35 năm qua, có rất nhiều em ở đây hết bệnh, học tập và trở về trại công tác như 10 em học Trung cấp Y tế về làm việc tại Trại phong Bến Sắn và Trại phong Bình Minh này, hiện đã học lên y sĩ. Mới đây có 12 em tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Khoa Điện, Hóa chất) ra trường; 8 em đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học và mấy chục em sắp bước vào đại học. Ở đây, ngoài vấn đề đầu tư văn hóa, chúng tôi còn chăm lo đời sống tinh thần cho các bệnh nhân: có 2 ti vi và xin báo của các mạnh thường quân để tất cả đều đọc và xem chung…”.
Dành trọn cuộc đời cho bệnh nhân phong
Vừa qua, nhân mùa Giáng sinh 2009, nhóm từ thiện San sẻ yêu thương đã đến tặng quà và mời hơn 20 diễn viên, ca sĩ nổi tiếng của TP.HCM về biểu diễn phục vụ cho các bệnh nhân làng phong Bình Minh. Có thể nói sau 35 năm sống ở đây, nhiều bệnh nhân mới lần đầu được thưởng thức một đêm văn nghệ đầy ý nghĩa và quy mô như thế. Bác Ba Hoàng (65 tuổi) ngồi xem mà khóc sụt sùi. Bác bảo khóc vì thương nhớ, vì tiếc cho những người đồng cảnh ngộ đã ra đi quá sớm không được thưởng thức đêm văn nghệ này. Nghe qua, ai cũng rưng rưng nước mắt. Năm 2008, ông Ngọc đã bước vào tuổi hưu, người lên thay ông làm trưởng trại là anh Triệu Văn Dũng – cũng là con của một bệnh nhân phong trưởng thành từ nơi này. Hiện, ông Ngọc vẫn sống và làm việc tại làng phong với vai trò là Ban đại diện trại viên.
Ông Ngọc đang sống rất hạnh phúc với vợ và con. Con ông học hành thành đạt và có gia đình hẳn hoi, trong đó cậu con trai thứ 4 Lê Chỉ Ngà hiện cũng đang làm việc tại làng phong. Chia tay, ông Ngọc cho biết: “Những người mới phát bệnh nên mạnh dạn vào trại điều trị, chỉ 6 tháng là khỏi bệnh ngay, đừng mặc cảm mà mang khổ về sau…”.
Bài và ảnh: SONG MINH
Ông Ngọc nói: “Tôi sẽ gắn bó hết cuộc đời ở đây để làm tất cả những công việc mà bệnh nhân đồng cảnh ngộ cần. Hơn ai hết, tôi thông cảm với nỗi đau, nỗi khổ của họ. Tôi muốn mọi người trong xã hội có cái nhìn khác hơn, thông cảm, chia sẻ nhiều hơn với những con người đã trót mang căn bệnh này”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)