Tòa soạnThư đi – tin lại

“Ông tiên” của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

Thằng bé mười tuổi quần áo rách bươm, bước những bước chậm trên con đường cát vàng dưới cái nắng trưa cháy người. Đi đâu nó cũng chẳng biết, chỉ biết là phải đi thật xa ngôi nhà mà nó từng bị dì ghẻ cho những trận đòn chí tử vì các sai phạm rất nhỏ. Nghĩ đến trận đòn gần đây nhất, vì để một con vịt nhập bầy với đàn khác mà nó khẽ rùng mình sợ sệt. Bụng nó đói meo, cả ngày nay nó có miếng gì cho vào bụng đâu. Nó khóc, rồi chân nó khuỵu xuống, bất tỉnh… Khi tỉnh dậy, nó thấy mình nằm trên giường, người khoác bộ đồ nâu. Cạnh nó, một vị thầy cũng khoác một bộ đồ giống như nó, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu như một “ông tiên”. Cảnh thanh tịnh cùng mùi nhang khói, nó biết đây là ngôi chùa. Và nó hiểu, mình đã được thầy cứu sống. Những ngày sau đó, nó bắt đầu một cuộc sống mới. Hàng ngày nó cùng thầy quét dọn chùa, cùng thầy đi khắp nơi để trồng cây, làm sạch đường phố để mọi người có bóng mát sạch đẹp mà ngơi nghỉ. Tối tối, nó cùng thầy đọc kinh, ngồi thiền. Nó được giao nhiệm vụ gióng chuông, mở và đóng cửa chùa mỗi ngày. Nó biến thành một người hoàn toàn khác qua lời dạy bảo nhẹ nhàng của thầy: Sống phải biết yêu thương nhau, từ bi, làm điều tốt… Những lời thầy ăn sâu vào trái tim nó, giúp tâm hồn nó nhẹ nhàng, thanh thoát. Hết mùa hè, nó được thầy cho đến trường học tập, vui đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Nó quyết tâm phải học thật giỏi, sống thật tốt để không phụ lòng yêu thương của thầy. Không biết tự lúc nào, nó thích ngồi ngắm dòng sông phù sa lặng lờ sau chùa mỗi buổi chiều. Nó thích làm thơ, viết nhật ký và mơ ước sau này sẽ trở thành một thầy giáo dạy văn… Rồi nó vào đại học, thầy tiễn nó đi với bao lời dặn dò như một người cha… Và nó – chính là tôi – đang chuẩn bị ra trường làm một thầy giáo dạy văn như ước mơ ngày nào. Đôi lần tôi chợt nghĩ, nếu không có thầy và mái chùa thì cuộc đời tôi sẽ ra sao. Câu hỏi ấy, thật sự tôi không tự mình trả lời được…
NGUYỄN VĂN HÙNG (ĐHSP – TP.HCM)

Bình luận (0)