Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ông Trần Bình Tuyên – Giám đốc NXB Đại học Huế: “Dẹp nạn sách giả là bảo vệ người dùng, tôn trọng bản quyền và thượng tôn pháp luật”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà xuất bản (NXB) Đại học Huế là một trong những đơn vị tham gia vào công tác xuất bản và phát hành nhiều đầu sách giáo khoa (SGK) nhưng lại liên tục bị làm giả trong thời gian qua. Ông Trần Bình Tuyên – Giám đốc NXB cho biết nạn sách giả tràn lan đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho cả học sinh lẫn những đơn vị làm sách chân chính.

Xin chào ông. Đầu tiên, xin ông cho biết nhận xét của mình về phạm vi, mức độ của tình trạng sách giả hiện nay.

Sách giả là một vấn nạn nghiêm trọng diễn ra trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết triệt để. Với lợi nhuận “khủng” cùng công nghệ sao chụp, in ấn hiện đại như ngày nay thì tình trạng vi phạm ngày càng mở rộng hơn về quy mô, tinh vi và phức tạp hơn về tính chất. Những quyển sách bất hợp pháp ra đời và lưu hành trên thị trường đã gây thiệt hại nặng nề cho những người làm công tác xuất bản và đặc biệt là người tiêu dùng mà đối tượng trực tiếp là các em học sinh.

Cụ thể thì sách giả gây ra những tác hại gì cho người học, thưa ông?

Sách giả được bán giá bằng hoặc gần bằng giá sách thật, trong khi chất lượng kém cả về nội dung lẫn hình thức, thậm chí một số trường hợp còn không sử dụng được. Đơn cử như với bộ SGK tiếng Anh i-Learn Smart World do chúng tôi hợp tác với Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát (DTP) phát hành, mỗi quyển sách có một mã kích hoạt đi kèm để sử dụng kho học liệu trực tuyến. Có mã kích hoạt này, học sinh sẽ truy cập được vào hệ thống lưu trữ tài nguyên số tại https://eduhome.com.vn/. Đây là nền tảng mà chúng tôi phối hợp với DTP đầu tư thực hiện, xây dựng nội dung để cung cấp các nguồn học liệu bổ trợ đi kèm Sách giáo khoa vô cùng phong phú và đa dạng với nội dung bám sát khung Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo đề ra, gồm video các bài giảng, bài tập thực hành và nhiều tư liệu tham khảo giá trị khác (các hoạt động tương tác, trò chơi lôi cuốn, hấp dẫn người học). Thế nhưng gần đây, có rất nhiều phản ánh từ người mua về việc mã trên sách không hợp lệ (mã sai hoặc đã được sử dụng trước đó). Đây chính là những quyển sách giả, và điều đáng lo ngại là chúng đã và đang được bán tràn lan trên thị trường.

Mất hẳn quyền truy cập vào kho tài liệu học tập trực tuyến là thiệt thòi lớn nhất của học sinh khi mua phải SGK giả mạo. Bên cạnh đó, không thể không kể đến chất lượng in ấn kém khiến chữ in nhòe mờ, màu sắc lem nhem… gây ảnh hưởng xấu đến thị lực về lâu dài.

Về phía NXB và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, nạn sách giả gây ra những vấn đề gì, thưa ông?

Sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, quyền lợi của đội ngũ tác giả và NXB. Để cho ra đời một bộ sách, đặc biệt là SGK, đội ngũ tác giả đã tốn rất nhiều chất xám, thời gian, công sức để nghiên cứu và biên soạn. NXB cũng tốn công sức và tiền bạc đầu tư vào khâu thiết kế, in ấn, phát hành, nộp các loại thuế, phí…

NXB có lời khuyên gì cho người tiêu dùng để tránh mua phải sách giả như hiện nay?

Người tiêu dùng nên chọn mua sách ở những nhà sách uy tín, đồng thời lưu ý kiểm tra bìa sách, màu sắc, chất lượng giấy in, chữ in, nội dung bên trong cũng như mã kích hoạt trên mỗi cuốn SGK. Ví dụ, với SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start, sau khi cào lớp tráng bạc, người mua có thể sử dụng mã kích hoạt để truy cập và kích hoạt ngay trên hệ thống Eduhome. Nếu là sách giả thì đa phần mã kích hoạt cũng là giả (hoặc cũ) nên không thể sử dụng để truy cập. Khi gặp các trường hợp này, người mua nên phản ánh ngay lập tức với cơ sở hoặc cửa hàng nơi họ mua sách. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyên quý phụ huynh và các em học sinh nên mua sách qua các kênh chính thống do NXB và đơn vị phân phối phát hành là công ty DTP để hạn chế mua phải sách giả, sách lậu.

Mã kích hoạt dưới lớp tráng bạc là một trong những cách giúp người dùng phân biệt được sách thật và sách giả.

Song song với việc hướng dẫn người dùng biết cách tự bảo vệ mình trước nạn sách giả, theo ông, làm thế nào để giải quyết triệt để vấn nạn này?

Hoạt động in ấn, gia công sách lậu, sách giả được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Khoản 6 Điều 28 và Khoản 3 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Để xử lý được vấn nạn này, cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng với hình thức xử lý và chế tài nghiêm khắc. Giải quyết tình trạng này đến nơi đến chốn chính là tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

Xin cảm ơn ông vì những thông tin hữu ích này.

T.D.V

Bình luận (0)