Anh bộ đội Trần Ngọc Anh (1985) |
Hơn 12 năm hình thành và phát triển, đến nay thương hiệu doba chuyên sản xuất và kinh doanh giày, dép đã trở nên quen thuộc với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước bởi chất lượng sản phẩm, dịch vụ chu đáo, kiểu dáng đa dạng…
Hiện nay, chúng ta không khó để tìm các sản phẩm mang thương hiệu giày dép Đô Ba tại TP.HCM, bởi chuỗi cửa hàng gồm hơn 20 đơn vị rải đều khắp, Ý tưởng cố gắng chinh phục người tiêu dùng trong nước cũng như tầm quan trọng trong việc phát triển thương hiệu nội địa đã là động cơ, mục đích, tôn chỉ trong phương án sản xuất kinh doanh của tập thể Ban giám đốc Công ty Giày Dép Đô Ba, trong đó, không thể không kể đến sự lèo lái sáng tạo của giám đốc Trần Ngọc Anh – người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành giày da.
* Chào ông, được biết ông xuất thân từ nghề giáo?
– Ông Trần Ngọc Anh: Tôi đến với nghề sư phạm từ lòng đam mê ngoại ngữ, là một trong những giáo viên dạy tiếng Nga sớm nhất ở Cần Thơ. Tuy khoảng thời gian đứng trên bục giảng không dài nhưng đối với tôi rất nhiều kỷ niệm. Từ chiếc xe đạp cọc cạch hai buổi đến trường, những món quà của học sinh miền sông nước: trái dừa khô, buồng chuối, chùm cam… chất chứa những tấm lòng vô giá làm tôi nhớ mãi và là hành trang quý báu giúp tôi vững vàng khi vào quân ngũ.
* Từ cầm phấn trên bục giảng chuyển sang cầm súng nơi chiến trường chắc ông gặp không ít khó khăn?
– Nhập ngũ lên đường bảo vệ tổ quốc là niềm vinh hạnh không chỉ riêng tôi mà cả thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Ban đầu vào quân đội tôi gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng bằng lòng kiên định, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự đoàn kết, dìu dắt của đồng đội đã giúp tôi vượt qua tất cả. Thời gian dần trôi, tôi mới hiểu và học được nhiều điều từ môi trường quân đội. Có thể nói đó như một trường học lớn trong cuộc đời tôi.
Doanh nhân Trần Ngọc Anh (thứ 4 từ trái qua) tại hội chợ da giày Quốc tế Trung Quốc |
* Cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực kinh doanh?
– Có lẽ nghề giáo là chất xúc tác đưa tôi đến với lĩnh vực kinh doanh. Từ vốn tiếng Nga có sẵn và sự say mê học hỏi, năm 1987 tôi được Nhà nước phân công vào nhiệm vụ mới: quản lý ngành giày da xuất khẩu qua Liên Xô lúc bấy giờ. Thú thật là tôi rất bỡ ngỡ trước bước chuyển mình của quê hương khi dấn thân vào môi trường mới – môi trường kinh doanh sau khi xuất ngũ.
* Bản lĩnh người lính có giúp anh trong kinh doanh?
– Từ một giáo viên, rồi được rèn luyện bản lĩnh người lính trong môi trường quân đội, nay lại làm kinh tế nên có rất nhiều điều mới mẻ mà tôi cần thời gian thích nghi. Trải qua những thăng trầm trong kinh doanh, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua và bỏ cuộc; nhưng bản lĩnh, quyết tâm của một người lính đã giúp tôi từng bước vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của mình.
* Theo ông, để tồn tại trong xu thế hội nhập – cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp cần thực hiện điều gì?
– Theo cá nhân tôi, thì ngoài nội lực vững vàng (trang thiết bị sản xuất, nhân lực, chiến lược phát triển…), mỗi đơn vị cần lắm một chữ “tâm”. Cái tâm đó thể hiện ở những yếu tố: chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, các hoạt động từ thiện – xã hội… Nếu hội tụ đủ các yếu tố trên, các đơn vị sẽ vững bước trên thương trường.
* Còn yếu tố nào giúp con người thành công?
– Theo tôi, muốn thành công, trước tiên phải thành người; con người phải biết trung hiếu, lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo, nung nấu trong mình động lực mạnh mẽ, kiên trì thực hiện ước mơ, chọn ngành nghề vì sở trường không vì sở thích, đóng góp phần sức nhỏ bé cho sự phát triển hơn nữa ngành nghề của mình nói riêng và đất nước nói chung.
* Trong không khí chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ông chia sẻ điều gì?
– Qua trải nghiệm bản thân, tôi nghĩ, dù xuất thân như thế nào thì chúng ta cần lắm môi trường giáo dục, sau đó cố gắng đi theo những gì mình say mê nhất, thực hiện bằng được những ước mơ và hoài bão của mình. Người giàu có là người tiếp nhận được một nền giáo dục tốt, thành đạt và đam mê với nghề. Không có ngành nghề thất bại, chỉ có con người không thành công.
* Xin cám ơn ông!
Hồng Sơn
Bình luận (0)