Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc FBI gian lận và can thiệp bầu cử.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ở Waukesha, Wisconsin, ngày 5.8.2022.
Ngày 29.8, cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi tuyên bố ông là "người chiến thắng hợp pháp" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, hoặc tổ chức bỏ phiếu lại – RT đưa tin.
Tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết đã hạn chế việc lan truyền một câu chuyện gây tổn hại đến chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden theo lời khuyên của FBI.
“Vì vậy, bây giờ có kết luận rằng FBI đã chôn giấu câu chuyện về máy tính xách tay của Hunter Biden (con trai ông Joe Biden) trước cuộc bầu cử” – ông Donald Trump viết trong một bài đăng trên mạng Truth Social của mình. Theo cựu tổng thống, “FBI đã làm như vậy vì biết nếu không làm vậy, Trump sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020”.
“Đây là hành vi gian lận lớn và can thiệp bầu cử ở mức độ chưa từng thấy trước đây ở đất nước chúng tôi” – cựu tổng thống tiếp tục, nói thêm rằng như một “biện pháp khắc phục”, ông nên được tuyên bố là “người chiến thắng hợp pháp” hoặc chính phủ nên “tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 đã bị dàn xếp không thể sửa chữa và tổ chức một cuộc bầu cử mới, ngay lập tức!”
Ông Donald Trump viết trên Social Truth, cáo buộc gian lận bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Tuần trước, Zuckerberg cho biết, Facebook đã làm việc để hạn chế phạm vi tiếp cận một bài báo trên tờ New York Post về laptop của Hunter Biden trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2020. Chiếc laptop này chứa thông tin chi tiết về việc sử dụng ma túy của con trai ông Joe Biden, quan hệ với gái mại dâm và các giao dịch kinh doanh nước ngoài.
Zuckerberg nói, FBI đã đến gặp và cảnh báo không nên lan truyền bài báo trên.
Bất chấp sự phản đối của cựu Tổng thống Donald Trump, có khả năng ông không thể làm được gì. Ông Trump đã cáo buộc ông Biden giành chiến thắng do gian lận, như cáo buộc lạm dụng bỏ phiếu bằng thư, và tuyên bố tạm dừng kiểm phiếu vào đêm khuya… Ông Trump đã nộp nhiều đơn kiện để phản đối, nhưng trong số ít vụ kiện mà các tòa án đồng ý xét xử, không có vụ nào thành công.
Facebook không phải là nền tảng duy nhất để hạn chế sự lan truyền của câu chuyện máy tính xách tay. Twitter đã cấm mọi đề cập đến bài báo của tờ New York Post và tạm thời đình chỉ tờ báo khỏi nền tảng này. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khác – những người hiện thừa nhận rằng chiếc máy tính xách tay là có thật và đáng tin cậy – từ chối đưa tin về câu chuyện.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc phỏng vấn của Zuckerberg, FBI cho biết "thường xuyên thông báo cho các tổ chức tư nhân của Mỹ, bao gồm cả các nhà cung cấp mạng xã hội, về thông tin đe dọa tiềm ẩn, để họ có thể quyết định cách bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa”.
Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ nói thêm rằng họ “không thể yêu cầu hoặc chỉ đạo các công ty thực hiện hành động”. FBI không nói rõ lý do tại sao lại dán nhãn nội dung của máy tính xách tay là "mối đe dọa".
PV (theo laodong)
Bình luận (0)