Ông Võ Quang Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam |
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016 và chuẩn bị chào đón Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập cuối năm nay với nhiều cơ hội cho lĩnh vực dạy nghề, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng ông Võ Quang Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam – xung quanh chuyện đào tạo nguồn nhân lực.
PV: Hiện nay hoạt động của Tập đoàn Bosch tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
– Ông Võ Quang Huệ: Năm 1971, tôi rời Việt Nam đi du học tại Đức. Sau khi học xong hai trường ĐH, tôi vào làm việc cho Tập đoàn BMW – một tập đoàn xe hơi nổi tiếng của thế giới. Tại đây, tôi đã làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, bộ phận mua hàng và được giao nhiều nhiệm vụ phát triển thị trường trọng điểm tại các nước, ví dụ như Việt Nam và Ai Cập. Cách đây 9 năm, tôi được Tập đoàn Bosch mời về Việt Nam làm việc với trách nhiệm là thành lập Công ty Bosch Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Vào năm 2007, chúng tôi nhận được giấy phép. Từ một văn phòng đại diện với xấp xỉ 20 công nhân viên, Bosch Việt Nam sau 8 năm hoạt động đã có gần 2.200 công nhân viên. Hiện tại, Bosch Việt Nam có 1 nhà máy công nghiệp hiện đại sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam với hơn 1.200 công nhân viên đang làm việc. Tổng số vốn đầu tư đến thời điểm này khoảng 200 triệu đô la. Ngoài ra, chúng tôi còn có 2 trung tâm nghiên cứu. Cách đây 5 năm chúng tôi thành lập trung tâm nghiên cứu thứ nhất chuyên về phần mềm, công nghệ phần cứng, công nghệ thiết kế và kỹ thuật công nghiệp IT với gần 800 kỹ sư làm việc tại đây. Trung tâm nghiên cứu thứ hai được thành lập năm 2014, chuyên về các giải pháp công nghệ ô tô tại Việt Nam.
Hiện nay, Bosch Việt Nam kinh doanh trong 6 lĩnh vực: Phụ tùng và thiết bị ô tô, kỹ thuật truyền động và điều khiển, kỹ thuật đóng gói, dụng cụ điện cầm tay, hệ thống an ninh và công nghệ nhiệt.
Từ góc nhìn của nhà điều hành doanh nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về nền kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2015 khi cuộc đàm phán về tự do thương mại hoàn tất, và Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập?
– Nền kinh tế Việt Nam hiện đang chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Trong đó việc hội nhập vào các tổ chức hợp tác quốc tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015 mang lại nhiều cơ hội, song song đó là những thách thức cho Việt Nam. Việc hội nhập này sẽ mở ra cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các nước và cơ hội để lao động Việt Nam làm việc tại các nước trong khu vực khi mở cửa thị trường lao động vào đầu năm 2016.
Thưa ông, Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào với chi phí lao động thấp, nhưng năng suất lao động lại thấp đang trở thành rào cản cho Việt Nam trên con đường hội nhập. Ông có đồng tình với nhận định này?
– Đây là một thực tế. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Làm sao cải thiện nâng cao chất lượng lao động hiện hữu cũng như đào tạo được một nguồn lao động dồi dào, năng suất cao cho tương lai nhằm bắt kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế là vấn đề cốt lõi cho toàn xã hội.
Vậy theo ông, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần thay đổi và làm những gì để đáp ứng các nhu cầu đó?
– Có 4 yếu tố mà giới đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực thường cân nhắc trước khi quyết định đầu tư, gồm: Cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý, công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực. Với lĩnh vực công nghệ cao thì nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng nhất, phải làm sao để có thể xây dựng một đội ngũ “thầy ra thầy, thợ ra thợ”. Theo tôi, điều mà những người làm giáo dục nên xem lại là việc đào tạo giảng viên. Thông thường, người muốn dạy cho người khác thì cần có kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm.
Học viên tại Trung tâm Đào tạo nghề Kỹ thuật công nghiệp (TGA) |
Ở nhiều nước như: Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản…, giảng viên CĐ và ĐH phải giàu kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc thực tế, được tích lũy nhiều năm.
Theo ông, sinh viên Việt Nam cần đáp ứng những kỹ năng gì sau khi tốt nghiệp?
– Trong 9 năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy có 3 vấn đề: Thứ nhất là số đông các bạn trẻ không có khả năng ngoại ngữ tốt. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, các bạn phải giỏi một ngoại ngữ, có hai thì càng tốt. Thứ hai là giáo dục nghề không được ưa thích và học nghề thì học quá nhiều lý thuyết, không có thực hành. Ông Bosch – người sáng lập tập đoàn chúng tôi – từng nói: “Một nền công nghiệp của đất nước tùy thuộc vào năng lực của đội ngũ kỹ thuật lành nghề”. Cha ông ta cũng nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng mình thì chưa hẳn đào tạo được người “nghệ tinh” và có nghề chưa chắc có được “thân vinh”. Trăn trở thứ ba mà cá nhân tôi rất quan tâm, ĐH của chúng ta hiện nay không có nhiều hoạt động nghiên cứu để cải tiến sản phẩm, để giảm giá thành và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nếu không làm được như vậy, tôi e rằng hàng Việt Nam sẽ rất khó bán trên thị trường Việt Nam và thế giới. Việc nghiên cứu rất quan trọng và phải bắt đầu từ ĐH.
Làm sao để học đi đôi với hành và đưa nghiên cứu vào chương trình học, thưa ông?
– Bosch có chương trình mà bản thân tôi cũng thúc đẩy việc này trong thời gian qua là chọn ra các trường ĐH trọng điểm để hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và tuyển dụng. Bosch là công ty tiên phong mang nền giáo dục tiên tiến của Đức vào Việt Nam khi là công ty đầu tiên thành lập một trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp (TGA) theo tiêu chuẩn của Đức tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Dự án giáo dục tiên phong này được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức khen ngợi vì chúng tôi áp dụng 100% tiêu chuẩn của Đức vào chương trình dạy nghề, cùng hợp tác với Trường CĐ Công nghệ và Kỹ thuật Lilama 2. Theo đó, 25% số giờ của toàn bộ chương trình kéo dài 3,5 năm sẽ được dạy lý thuyết tại Trường Lilama 2; 75% thời gian còn lại học viên sẽ được học thực hành trên máy móc mà chúng tôi đã đầu tư hơn 1 triệu Euro. Vào năm cuối, học viên sẽ được học thực hành trong nhà máy Bosch, học cách giải quyết vấn đề trong nhà máy công nghiệp hiện đại, học tác phong lao động, học tinh thần – kỹ năng hợp tác khi làm việc chung. Khi ra trường, các học viên nắm vững nghề của mình và được nhận 2 chứng chỉ của Việt Nam và Đức. Với chứng chỉ Đức thì trên lý thuyết, đó là giấy thông hành mà các học viên có thể làm việc cho bất cứ công ty nào trên thế giới với nghề đã học.
Xin cám ơn ông!
Lê Huy (thực hiện)
“Nếu người học nghề tốt, có được việc làm ổn định sẽ thay đổi được tư duy “ĐH không phải là con đường duy nhất” mà con đường học nghề cũng có “thân vinh”; không còn việc “thừa thầy thiếu thợ” mà phải có thợ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao để xây dựng nền công nghiệp cao, nhất là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015", ông Võ Quang Huệ nói. |
Bình luận (0)