Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Online – lý do để tiếp tục sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bị kịch người cao tuổi Mỹ không phải là câu chuyện xa lạ. Đó là những ông bà già sống cô quạnh trong các trung tâm điều dưỡng… Họ dường như bị lãng quên. Nhưng Internet đã cho họ “một lý do để tiếp tục sống”.

Bà Paula Rice, 73 tuổi, đang truy cập Internet tại nhà. Bà nói: “Tôi tưởng đã đã chết trong sự buồn chán. Nhưng Eons đã cho tôi một lý do để tiếp tục sống”

Cũng như nhiều người già ở Mỹ, bà Paula Rice ở thành phố Island, bang Kentucky, đã sống đơn độc trong vài năm gần đây. Hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bốn đứa con sinh sống ở các bang khác, bạn bè chỉ còn lác đác vài người – hầu hết mọi ngày bà không gặp gỡ ai.

Nhưng bà cụ 73 tuổi không hề cảm thấy mình cô độc.

Không thể ra khỏi nhà sau một cơn đau tim hai năm trước, bà bắt đầu tìm đến mạng xã hội Eons.com – một địa chỉ trực tuyến dành cho những đứa trẻ mặc chứng bệnh lão hóa, và PoliceLink.com, vì bà là một cựu cảnh sát. Hiện tại bà thường truy cập tới 14 giờ mỗi ngày để tham gia vào các cuộc thảo luận trực tuyến.

Bà nói: “Tôi tưởng đã chết trong sự buồn chán. Nhưng Eons đã cho tôi một lý do để tiếp tục sống”.

Có rất nhiều người thuộc thế hệ của bà Rice đang tìm đến những mạng xã hội trực tuyến như Eons, Facebook và MySpace. Theo thống kê của hãng nghiên cứu comScore, trong số những người già bắt đầu truy cập Internet năm 2008, số lượng người tìm đến các mạng xã hội đã tăng gấp hai lần.

“Thách thức lớn nhất mà những người già như chúng tôi phải đối mặt không phải là vấn đề sức khỏe, đó là giá trị cá nhân giảm sút, là bạn bè đau ốm, là những người thân lần lượt ra đi”, ông Joseph R.Coughlin, người quan lý của AgeLab ở học viện công nghệ Massachusetts, cho biết.

“Tương lai mới của người già sẽ là vị thế tốt trong xã hội, vị thế tốt trong môi trường làm việc và khả năng thiết lập các mối quan hệ”, ông nói. “Và công nghệ đang trở thành một phần quan trọng của tương lai đó. Bởi thực tế cho thấy, đang có nhiều “cái thực” trong thế giới ảo. Thế giới ảo mang lại cách thức xây dựng mối quan hệ mới, những người bạn mới và cả những trải nghiệm mới”.

Theo nghiên cứu trong năm 2009 của AARP, khoảng một phần ba những người trên 70 tuổi đang sống một mình. Để đối phó với sự tăng lên của số lượng người già ở Mỹ, Học viện quốc gia về lão hóa đang dành số tiền thưởng đến 10 triệu USD cho những nhà nghiên cứu. Họ khuyến khích những nghiên cứu về thần kinh học xã hội và những tác động của nó đối với người già.

“Mạng xã hội trực truyến mang lại cho người già một không gian để họ có thể tạo lập những mối quan hệ, có thể nói chuyện với mọi người mà không cần yêu cầu người thân giúp đỡ. Đó là nơi họ cảm thấy mình có quyền hành động.”, Antonina Bambina, một nhà xã hội học thuộc Đại học Nam Indiana, tác giả của cuốn sách “Trợ giúp xã hội của trực tuyến”, nhận xét.

Chris McWade là thành viên ít tuổi nhất trong một gia đình có nhiều người già ở bang Massachusetts. Mới đây, anh đã giúp cha mẹ, ông bà và cả chú của mình di chuyển đến khu nhà tập trung của người nghỉ hưu. Anh cho biết anh đã mất hai đến ba năm “chỉ để đi và chứng kiến” và anh nhận thấy sự cô đơn, buồn tẻ hiện hữu nơi những người cao tuổi.

Nó làm lóe lên ý tưởng về một mạng xã hội trực tuyến cho người già và McWade đã thành lập MyWay vào năm 2006. MyWay vừa hoàn thành chương trình thử nghiệm ở một số nhà điều dưỡng ở tiểu bang Illinois và Massachusetts. McWade cho biết, anh đã được mời thỏa thuận mở rộng MyWay đến một số trung tâm điều dưỡng khác trên nước Mỹ.

Hơn hai năm trước, Howe Allen, một người môi giới bất động sản ở Boston, đã chuyển cha mẹ đến River Bay Club, một trung tâm điều dưỡng ở Quincy, Massachusetts. Trung tâm này đang sử dụng MyWay để giúp đỡ những người già.

Mẹ của Allen mất không lâu sau đó. Nhưng cha của anh, ông Carl, đã bắt đầu tìm được bạn bè mới và chia sẻ những câu chuyện trên mạng MyWay. Vì chưa từng sử dụng máy tính nên ông cụ được đào tạo trong một khóa học cấp tốc về sử dụng phần mềm. Và khi ông qua đời vào tháng 12 năm ngoái, một lễ truy điệu ở nhà có cả những bức ảnh ông gửi đã lên MyWay, trích đoạn những bài hồi ký ông đã đăng và cả những lời khen ngợi của bạn bè ông trên mạng.

“Đó là một ngày cảm động mà tôi sẽ nhớ mãi”, Howe Allen nhớ lại đám tang của cha mình. “Truy cập mạng có ý nghĩa vượt ra ngoài một chiếc máy tính. Nó đã giúp ông ấy vượt lên trên tuổi tác. Nó cho phép ông ấy có thể tiếp tục “lớn lên” ở cái tuổi mà mọi người cho rằng con người đã ngừng lớn.”

Cuộc sống buồn tẻ ở một trung tâm điều dưỡng Mỹ

Hôm Thứ hai tuần trước, Neil Sullivan, một quản lý địa phương của MyWay, đến nói chuyện với một nhóm khoảng 20 người tụ tập ở thư viện của ngôi nhà trong câu lạc bộ người già River Bay. Anh đã chuẩn bị những bài thuyết trình, nhưng đám đông lại muốn anh nói về cuộc sống của họ.

Khi Sulivan đưa ra một bức ảnh chiếc Chevrolet 1950, những người cao tuổi tỏ ra phấn khích. Một người nói “tôi có một chiếc Chevy năm 57”. Còn một người khác đáp lại “của tôi là một chiếc Chevy 49”. Ngay cả người đàn ông im lặng từ đầu cũng nói với lên “chiếc xe tuyệt vời nhất tôi từng có là một chiếc Dodge Business Coupe”.

“Người già cần có một phương tiện để gặp gỡ mọi người và chia sẻ về cuộc sống. Họ cần được khuyến khích”, Sarah Hoit, đồng sáng lập MyWay và là giám đốc điều hành của mạng, nhận xét. Cô cho rằng, người già sẽ tránh được sự kết thúc của cuộc sống nếu học cách sử dụng internet.

Ở CLB người cao tuổi River Bay, ngoài những buổi nói chuyện hàng tuần, các thành viên sử dụng mạng MyWay để đưa lên những câu chuyện như “Cuộc sống của tôi như một người bảo mẫu”, hay “Tôi đã từng làm việc ở Howard Johnson”. Bà Sunny Walker, 89 tuổi, đã từng nhất mực từ chối sử dụng máy đánh chữ điện tử khi còn là nhân viên hồ sơ ở trường học, vì bà rất ghét công nghệ. Nhưng hiện tại, bà thường xuyên chơi game và gửi lời nhắn đến bạn bè thông qua mạng MyWay.

“Tôi nói với bạn này, đó là thứ tuyệt vời nhất dành cho người già đấy”, bà cụ Walker nói về những trò chơi trên MyWay. “Thách thức tâm trí của bạn – đó là những gì nó làm. Nó thách thức cuộc sống của tôi”.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảnh cô đơn có thể đẩy quá trình mất trí diễn ra nhanh hơn.

Tiến sĩ Nicholas A. Christakis, bác sĩ nội khoa và là nhà xã hội học ở ĐH Harvard, cho biết ông đang nghiên cứu xem liệu những mối quan hệ xã hội mới có giúp làm chậm quá trình mất trí ở người già hay không. Ông nói: “mạng xã hội trực tuyến đang thực thi một sứ mệnh cao cả, đó là giúp người già tìm đến nhau để tiếp tục sống”.

Quý Đoàn (Theo Dantri)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)