Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

OPEC muốn giảm lượng để đẩy giá dầu

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc họp bên lề của bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đạt “thỏa thuận lịch sử” nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi, bởi lẽ thỏa thuận ít được tôn trọng nghiêm ngặt.
OPEC muốn giảm lượng để đẩy giá dầu
Các vị bộ trưởng khối OPEC tươi cười sau cuộc họp đạt kết quả “lịch sử” tối 28-9 – Ảnh: AFP

Tám năm gần đây, khối OPEC chẳng đi đến thỏa thuận nào nên một số người tỏ ra hoài nghi thì cũng dễ hiểu. Nguồn cung vẫn còn dồi dào nên tôi dự báo trước mắt là vẫn có xu hướng giá dầu tiếp tục giảm.

Ông Alex Furber (nhà phân tích của CMC Markets)

“Đó là một cuộc họp dài nhưng mang tính lịch sử” – Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Saleh Al-Sada hồ hởi tuyên bố tại cuộc họp báo khuya 28-9 ở Algeria.

Ông là người chủ trì cuộc họp của bộ trưởng 14 nước thành viên khối OPEC tại thủ đô Algiers, bên lề một diễn đàn quốc tế về năng lượng. Đây là một cuộc họp dài vì kéo dài đến 6 giờ nhưng họ đã mất nhiều tuần thương lượng giữa các bên.

Kết quả được thông báo là khối OPEC sẽ giảm sản lượng dầu xuống còn 32,5 – 33 triệu thùng dầu/ngày so với mức 33,47 triệu thùng được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận trong tháng 8 vừa qua.

Quyết định bất ngờ

Quyết định đồng thuận giảm sản lượng được cho là “lịch sử” và giới truyền thông còn dùng chữ “bất ngờ” bởi lẽ ngay trước cuộc họp này, thị trường vẫn tin chắc rằng nó sẽ lại kết thúc bằng sự bất đồng như nhiều cuộc thương thảo gần đây.

Một bằng chứng cụ thể nhất là trước phiên họp, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh còn tuyên bố khó đạt được kết quả cụ thể gì trong thời gian họp quá ngắn. Iran vẫn một mực đòi tăng thêm mức sản xuất để đạt đến mức trước khi nước này bị cấm vận quốc tế là 4 triệu thùng/ngày (hiện nay Iran chỉ mới sản xuất khoảng 3,6 triệu thùng/ngày) vì nước này còn rất nhiều dầu trong khi lại rất cần tiền.

Saudi Arabia – kẻ thù chính trị không đội trời chung của Iran trong khu vực và cũng là quốc gia chi phối mạnh hoạt động của OPEC – đương nhiên chẳng muốn điều đó xảy ra vì Iran càng mạnh thì sẽ càng… mệt. Chính hai nước này từng làm hỏng hội nghị thượng đỉnh của OPEC ở Doha (Qatar) vào ngày 15-4 năm nay.

Có thể thấy áp lực từ giá dầu giảm kéo dài gần 10 năm đã khiến các nước thấy rằng phải thật sự làm điều gì đó một cách nghiêm túc để “lấy lại những gì đã mất”.

Ít nhất các chuyên gia cũng suy đoán rằng Saudi Arabia đã nhượng bộ cho Iran cùng hai quốc gia đang rất thiếu tiền là Libya (các cơ sở lọc dầu bị tàn phá nghiêm trọng) và Nigeria (bị nội chiến) được phép sản xuất dầu nhiều hơn mức hiện tại.

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích của Công ty OANDA, nói với Hãng tin AFP: “Rõ ràng là Saudi Arabia đã xuống nước trước, cho phép đối thủ chính Iran được tăng mức sản xuất. Chúng ta không nên đánh giá thấp sự thay đổi lớn này từ phía Saudi. Lâu nay hai quốc gia này chưa từng đồng ý về chuyện gì. Đây là sự nhượng bộ lớn từ phía Saudi để thúc đẩy tiến trình thương thảo”.

Thị trường đã có phản ứng tức thời với giá dầu tăng một hơi 6% và tăng nhẹ tiếp tục ngay trong ngày. Bộ trưởng Al-Sada khẳng định thị trường đã thể hiện “những tín hiệu tích cực” với các đơn đặt hàng mua vào dự trữ và ông nhấn mạnh “OPEC phải tiếp tục gia tăng điều chỉnh thị trường”.

Bộ trưởng Năng lượng của Algeria, ông Noureddine Boutarfa, cũng phụ họa: “Ngày hôm nay, OPEC vừa đi đến một quyết định lịch sử. OPEC đã trở lại với vai trò điều phối thị trường – đây là vai trò mà tổ chức đã đánh mất nhiều năm qua”.

Ông cũng tiết lộ quyết định đạt được là “đạt thống nhất cao và không ai vướng mắc gì”. Sau thông báo ban đầu cùng phản ứng mang tính tâm lý của thị trường, không ít câu hỏi bắt đầu được đặt ra. Bằng chứng rõ nhất là giá dầu đã giảm nhẹ trở lại trong ngày 29-9 khi thị trường châu Âu mở cửa và giảm giá vào chiều 29-9 ở thị trường châu Á.

Những dấu hỏi

Trước hết, đó chỉ là một quyết định mang tính “định hướng”, còn cách thức triển khai thực thi như thế nào thì còn phải chờ đến cuộc họp thượng đỉnh của OPEC tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 30-11 tới. Một ủy ban cấp cao của OPEC sẽ được thiết lập để xác định mức giảm sản lượng của mỗi thành viên trong khối này.

Nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn nữa của ủy ban sẽ được thành lập này là thảo luận với các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC như Nga (nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới) để “phối hợp đồng bộ”. Trước mắt, Matxcơva đã tuyên bố chấp nhận giữ mức sản xuất của nước này ở con số cao nhất đã có trong tháng 9 này.

Thứ đến, mức cắt giảm vừa công bố có thật sự là cắt giảm? Con số mục tiêu mà OPEC nhắm tới thực tế chỉ vừa bằng con số khối này sản xuất trong tháng 3 năm nay, tức 32,47 triệu thùng/ngày, theo số liệu của IEA.

Thậm chí số liệu cũng chỉ ra rằng mức cắt giảm vừa quyết định thấp hơn cả mức mà các thành viên OPEC đã đua nhau tăng thêm trong năm qua là 930.000 thùng/ngày.

Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng quyết định cắt giảm trên không làm thay đổi căn bản thị trường hiện tại. Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng BMO Capital Markets còn lưu ý rằng một đặc tính của OPEC cần phải ghi nhận là tuyên bố trên bàn hội nghị thì như thế nhưng vào thực tế thì hầu như không thành viên nào của OPEC tuân thủ mức hạn ngạch được áp đặt.

Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng do áp lực ngân sách, ít nhất lần này các thành viên của OPEC (khối đang nắm giữ 40% sản lượng dầu mỏ thế giới) phải làm được cái gì đó.

Ông Greg McKenna, nhà phân tích của AxiTrader, nhận định: “Nhiều quốc gia thành viên của OPEC hiện đang thật sự khủng hoảng vì giá dầu giảm. Nền kinh tế đứng chựng hoặc suy giảm và các chính phủ đối mặt với vấn đề ngân sách. Vì thế áp lực ngân sách đã chiến thắng trước những áp lực chính trị. Tôi tin rằng lần này việc giảm mức sản lượng và sự tăng giá dầu sẽ kéo dài”.

Quyết định cắt giảm với số lượng như trên được cho là mức cắt giảm nhiều nhất tính từ lúc tổ chức OPEC ra quyết định tương tự sau đợt sụt giảm mạnh trong cuộc đại khủng hoảng năm 2008. Dĩ nhiên mong chờ của các thành viên OPEC là giá dầu sẽ phục hồi tốt hơn.

Tính ra trong 9 tháng qua, giá dầu đã có khởi sắc trở lại sau thời gian chạm đáy dưới 30 USD/thùng.

Nhưng ở mức 45 USD/thùng như hiện nay thì nó vẫn còn quá xa so với giá “thời hoàng kim” 2011-2013 lên đến 115 USD/thùng.

 

HOÀNG DUY LONG (TTO)

 

Bình luận (0)