Y tế - Văn hóaThư giãn

Oscar trên đường lăn bánh

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 7-12 có thể xem là ngày khởi động khá sôi nổi trong cuộc đua tranh giải Oscar của các bộ phim hay nhất năm 2014.

Cảnh trong phim Boyhood – Ảnh: imdb
Không dưới ba giải thưởng từ các nhà phê bình trên khắp nước Mỹ được công bố, báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt của các nhà phát hành phim lớn tại Mỹ.
Mặc dù chỉ được coi là những giải thưởng “tiền Oscar”, nhưng nhìn chung tiếng nói của nhà phê bình thuộc các tiểu bang, thành phố lớn tại Mỹ sẽ là bàn đạp để thành viên Viện hàn lâm Ðiện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) lưu tâm đến số phiếu bầu Oscar của mình.
Các nhà phê bình phim trên mạng tại New York có thể xem là người khơi mào phát pháo đầu tiên với danh sách giải thưởng được công bố khá gọn lẹ.
Theo đó, phim hay nhất thuộc về Boyhood – tác phẩm thứ 17 của nhà làm phim Richard Linklater. Bộ phim được ông quay trong vòng 12 năm với cùng dàn diễn viên, đã cho thấy nỗ lực làm mới câu chuyện vốn không có gì đặc sắc. Richard Linklater trước đây được đánh giá cao bởi sự kiên nhẫn và rất giỏi viết những câu thoại rất dài, rất hài hước.
Boyhood giống các phim trước của Linklater, không độc đáo sáng tạo mà chỉ tập trung vào sự tương tác giữa con người với thời gian và không gian.
Hôm qua, Boyhood giành thêm giải Phim hay nhất của Hiệp hội các nhà phê bình phim tại Los Angeles và Cộng đồng những nhà phê bình phim tại Boston, khiến khả năng giành giải Oscar của tác phẩm này khả quan hơn, dù đơn vị phát hành của nó – Hãng IFC Films – không có chiến dịch cũng như tài chính để quảng bá bộ phim.
Hiện đối thủ của Boyhood trong hạng mục Phim hay nhất hầu như chỉ có một cái tên: Birdman của đạo diễn Alejandro González Iñárritu, một phim mang tính siêu nhiên mà phần lớn khán giả đều cho rằng nó sẽ khó lòng chiếm được tình cảm của AMPAS.
Thế nhưng đằng sau nó là Fox Searchlight Pictures, studio từng giúp bộ phim 12 years a slave đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm ngoái. Những ông lớn như Paramount Pictures, Universal Pictures… với siêu phẩm bom tấn đình đám trên mặt báo lẫn phòng vé thời gian qua như Unbroken, Interstellar… đều ra về trắng tay.
Ðúng như dự đoán của nhiều người, giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của các giải “tiền Oscar” thuộc về hai bộ phim Two days, one night (Bỉ) và Ida (Ba Lan). Khi được phát hành tại Mỹ vào tháng 5, Ida gây chú ý với doanh thu cao gấp nhiều lần kinh phí thực hiện. Ðiều này khá bất ngờ khi Ida chỉ là phim tình cảm tâm lý thuần túy, hơn nữa lại được ghi hình đen trắng. Thành công kỳ lạ này khiến Ba Lan quyết định để Ida đại diện tranh cử Oscar.
Tuần tới, Oscar sẽ tạo sức nóng hơn nữa với bảng đề cử Quả cầu vàng và SAG – giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Mỹ.
Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)