Tại hội thảo "CEO Forum 2015" tổ chức ngày 24/5 tại TP HCM, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và TPP sắp tới sẽ đem đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Gần 90% hàng rào thuế quan của Việt Nam đã được gỡ bỏ. Điển hình, từ tháng 1/2015 rất nhiều hàng hóa của ASEAN đã ồ ạt vào thị trường Việt Nam, trong đó hàng tiêu dùng là nhóm gia tăng mạnh. Điều này khiến hàng Việt bị cạnh tranh nhiều hơn.
Đến năm 2018, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn thì nhóm hàng ôtô, mía đường, thực phẩm sẽ là 3 nhóm chịu tác động mạnh nhất. Bởi lẽ, các ngành này năng lực cạnh tranh còn thấp dù Việt Nam vẫn còn đang duy trì hạn ngạch thuế quan về nhập khẩu đường, ôtô và một số mặt hàng thực phẩm như trứng gia cầm, nguyên liệu thuốc lá… Do vậy, trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp trong 3 nhóm ngành này không nâng cao được năng lực sản xuất và chất lượng thì sẽ khó trụ vững trước sự xâm nhập của hàng trong khu vực.
Doanh nghiệp ôtô trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TN. |
Cụ thể, công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam nhỏ hơn các nước sản xuất đường lớn nên hiệu quả sản xuất thấp hơn. Do đó, đến 2018, khi thuế suất nhập khẩu đường giảm xuống còn 5% thì hàng Việt Nam sẽ gặp bế tắc khi sản phẩm của Thái Lan tràn vào. Tương tự với ngành ôtô, nếu doanh nghiệp nội địa không triển khai tốt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô mà Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7/2014 với sự tập trung vào một số các dòng xe ưu tiên thì đến 2018 khi thuế suất nhập khẩu còn 0%, các doanh nghiệp Việt khó mà chống chọi lại được với hàng nhập.
Ngoài ra, ông Tuấn Anh cho rằng, đến 2018 Việt Nam không những gỡ bỏ hàng rào thuế quan mà còn phải tạo môi trường kinh doanh đồng nhất, cho nên sự cạnh tranh không chỉ xảy tại một số nhóm ngành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các đơn vị dẫn đầu.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, TS Hans Paul Burkener, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho rằng, trước đây, nhóm các nước Đông Nam Á mà nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia nhất là Indonesia và Việt Nam, nhưng vẫn còn gặp một số trở ngại trong hoạt động kinh doanh. Nhưng sắp tới khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thì khối ngoại sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh đầu tư. Điều này khiến cho nhiều công ty nhỏ và vừa nội địa chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Theo đó, Chủ tịch BCG khuyên, các doanh nghiệp nên lo lắng nhưng đừng sợ. Bởi ở các nền kinh tế mới nổi, các công ty nhỏ và vừa hoạt động dù không tốt lắm nhưng lại có thế mạnh hiểu thị trường, hiểu khách hàng, hiểu được người nhà của mình là ai và biết cách tương tác với Chính phủ, biết luật lệ, nên sẽ linh hoạt hơn, thu hút được nhiều tài năng hơn trong môi trường phức tạp. Vì vậy, nếu nắm được lợi thế này các doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng vươn lên trong khó khăn.
Là một doanh nghiệp luôn tạo cho mình thế chủ động, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, các công ty nội trước mắt nên củng cố và phát triển mạnh ở trong nước, sau đó mới tấn công thị trường bên ngoài. “Ngay cả tại PNJ, chúng tôi luôn phải chuẩn bị cho mình một hướng đi riêng để giữ vững thị phần nội địa, còn xuất hàng cũng chỉ mới qua Lào, Capuchia và chủ yếu qua đường tiểu ngạch”, bà Dung nói.
Còn theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, ngoài việc các doanh nghiệp tự nỗ lực, hành động thông minh thì Chính phủ vẫn nên quản lý chặt chẽ và có những chính sách hỗ trợ riêng cho nền kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp.
Hồng Châu (VNE)
Bình luận (0)