Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pakistan: Đối mặt với “cuộc khủng hoảng” về ngôn ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc sử dụng tiếng Urdu để hướng dẫn trong trường công và tham vọng mở rộng hơn nữa khi dùng tiếng Anh trong giảng dạy đã vô tình tạo nên rào cản cho việc giáo dục ở Pakistan (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Nghiên cứu về hệ thống giáo dục ở Pakistan cho rằng chính vị trí thống trị của tiếng Urdu và tiếng Anh đã tạo rào cản để mang đến việc học tập hiệu quả cho tất cả mọi người và điều này cũng làm suy yếu sự gắn kết xã hội.
Cam kết của Paki-stan về việc sử dụng tiếng Urdu để hướng dẫn trong trường công và tham vọng mở rộng hơn nữa khi dùng tiếng Anh trong giảng dạy đã vô tình tạo nên rào cản cho việc giáo dục hiệu quả và làm giảm đi tính năng động của nền kinh tế. Những cảnh báo được đưa ra trong bản báo cáo của Hội đồng Anh về tình trạng hiện tại của các trường tại Pakistan cũng đã được tranh luận bởi các học viện và các nhà làm luật trong những cuộc họp, hội thảo được tổ chức trên khắp đất nước.
Trong bản báo cáo “Dạy và học ở Pakistan: Vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục” đã đưa ra những đề xuất mà nếu được đưa vào thực hiện sẽ nâng cao vai trò của các ngôn ngữ vùng – miền trong nước, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các nhóm người trong tình hình chính trị đang căng thẳng khắp đất nước. Người thực hiện bản báo cáo, ông Hywel Coleman đến từ Học viện Anh, ông cũng là nhà đồng nghiên cứu danh dự ở Trường Đại học Leeds (Anh) cho rằng phải nhanh chóng có động thái để giải quyết vấn đề này.
Hiện nay 60% dân số Pakistan sống dựa vào thu nhập chỉ 2 đôla Mỹ một ngày. Chính sách ngôn ngữ cho các trường học có từ thời thực dân Anh không phát huy được tác dụng và chưa tiếp cận người dân để mang đến cho họ những kỹ năng giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Điều quan trọng ở đây không phải là dạy cho các em học sinh ngôn ngữ thân thuộc thường sử dụng mà còn phải phản ánh được tính đa ngôn ngữ trong lớp học. Thực tế có hơn 70 ngôn ngữ ở Pakistan, trong đó tiếng Urdu – ngôn ngữ quốc gia và cũng là ngôn ngữ được sử dụng trong các trường học công chỉ được khoảng 7% dân số sử dụng.
Ông Coleman cho biết trẻ em học tiếng Urdu là ngôn ngữ thứ hai của mình có thể gặp phải những trở ngại, đặc biệt là trong khoảng thời gian bắt đầu. Các kỹ năng đọc và viết của các em không tiến bộ được nhiều do không có sự hỗ trợ từ phía các bậc phụ huynh, bởi họ cũng đang gặp khó khăn với tiếng Urdu. Bản báo cáo này cũng thúc giục Chính phủ Pakistan làm thế nào để các trường học có thể sử dụng được bảy ngôn ngữ vùng miền bao gồm tiếng Urdu và sẽ mở rộng việc giảng dạy cho 85% dân số.
Ngoài ra, ông Coleman cũng cho rằng cần có chính sách cải thiện việc đến trường cho nữ sinh. Ở Pakistan, chỉ có 60% trẻ em hoàn thành bậc tiểu học và 10% hoàn thành cấp hai, trong đó chỉ có 59% là nữ sinh, còn 73% là nam sinh. Ông cũng đề nghị nên có sự tổ chức lại chương trình học môn tiếng Anh. Số ít những người nói được tiếng Anh là những người được học trong những trường dạy tiếng Anh trước đây. Họ có một bước chuyển đổi dễ dàng cho các bậc học cao hơn và đạt yêu cầu cho những công việc trong Chính phủ đòi hỏi khả năng nói tiếng Anh và được trả lương cao. Mô hình giáo dục luân phiên của Coleman bao gồm việc dạy tiếng Urdu như ngôn ngữ thứ hai ở trường tiểu học và các em sẽ học tiếng Anh bắt đầu từ năm 10 tuổi.
Fakhruddin Akhunzada là trợ lý giám đốc của diễn đàn Bước khởi đầu ngôn ngữ (FLI), một tổ chức phi chính phủ là việc về các ngôn ngữ thiểu số nhằm mục tiêu phát triển giáo dục. Mặc dù những dự án đầu tiên của FLI chưa mang quy mô lớn nhưng kết quả mang lại khá khả quan. Cho đến nay, chương trình đã tạo điều kiện cho 70 học sinh học tập bằng tiếng của mình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của FLI, rất khó thay đổi thái độ của người dân về tình trạng các ngôn ngữ hiện nay. Ông Akhunzada chia sẻ: “Có một vấn đề mà đa số những người đến từ những cộng đồng người có các dạng ngôn ngữ như thế đang đối mặt. Họ cho rằng ngôn ngữ của mình thể hiện sự lạc hậu nên rất do dự khi sử dụng. Nhiều người còn tin rằng giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ nên sử dụng tiếng Urdu hoặc tiếng Anh”.
Coleman chắc chắn rằng những thay đổi cơ bản sẽ rất cần thiết để nâng tầm cho các ngôn ngữ vùng miền và mang đến cơ hội đồng đều cho mọi người. Ông kết luận: “Vào lúc này, để nâng cao chất lượng dịch vụ công ích và tiếp tục theo học các bậc cao hơn, chúng ta cần phải có khả năng Anh ngữ. Một trong những đề nghị của tôi là mọi người không chỉ nên trang bị cho mình khả năng tiếng Anh mà còn tiếng Urdu bên cạnh một ngôn ngữ vùng miền khác. Điều này đóng vai trò rất quan trọng.”
(theo guardian.co.uk)
Xuân Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)