Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Parkinson – không còn là bệnh khó trị

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang tư vấn cách điều trị cho bệnh nhân bị chứng liệt rung. Ảnh: M.H

Tay chân lúc nào cũng run bần bật không thể nào kiểm soát được, trí nhớ cũng “hao mòn” vì nói trước quên sau, đó là triệu chứng của căn bệnh Parkinson (còn gọi là chứng liệt rung) mà người qua tuổi  60 hay mắc phải.
Bệnh khó giấu
Là một cán bộ của ngành y tế, sau 10 năm nghỉ hưu ông Phan Quốc Kinh – ngụ ở đường Đinh Công Tráng, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM vẫn khỏe mạnh vì ăn uống điều độ và luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, hơn một năm nay ông thường có triệu chứng khó ngủ về đêm và đặc biệt là tay chân run lẩy bẩy.
Ông Kinh nhớ lại: “Thực ra 5, 6 năm trước đôi tay tôi đã có biểu hiện khác thường nhất là khi giơ ra cầm một vật gì đó, mặc dù không đau mỏi nhưng rất khó chịu. Do chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên tôi cũng không điều trị gì cả”. Cũng theo bệnh nhân 73 tuổi này, đôi chân tuy không run nhiều như hai bàn tay nhưng đã chậm chạp hơn trước. Đi khám ở Bệnh viện Thống Nhất, ông được BS chẩn đoán mắc bệnh Parkinson và hướng dẫn hướng điều trị dài ngày. BS. Nguyễn Văn Thắng – Phó trưởng khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật y học (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, Parkinson là căn bệnh phổ biến nhất ở người già mà biểu hiện dễ thấy là ở triệu chứng về vận động. Không chỉ tay chân bị run, bệnh này làm cho các cơ tứ chi co cứng nên con người ít làm chủ được. Cũng vì cứng cơ nên bệnh nhân vận động khó khăn và chậm chạp hơn, tư thế đứng ngồi cũng không ổn định như trước.
Do đã ngoài 80 tuổi nên bà Lưu Thị Thương – ngụ đường Phạm Hồng Thái, P.Bến Thành, Q.1 đi lại trong nhà rất khó khăn. Ngoài nguyên nhân sức khỏe yếu còn có một tác nhân khác gây nên là chứng liệt rung. Theo BS. Thắng, mặc dù thời gian đầu có bệnh, người già chưa có biểu hiện liệt rung nhưng sau một thời gian tiến triển những biểu hiện này bắt đầu lộ diện ra ngoài. Nguyên nhân phát sinh là do các khớp xương, cơ bắp tăng dần độ cứng. Nếu trước đây, bà Thương minh mẫn thì bây giờ bà đã thành người lúc nhớ lúc quên, nhầm chuyện này sang chuyện kia thường bị con cháu than lẫn. Đây chính là triệu chứng thấy rõ về thần kinh của căn bệnh khó giấu này.
Thành công bước đầu tại Việt Nam
Do liên quan đến sự thoái hóa của tế bào “chỉ huy” cơ bắp vận động trong não nên phẫu thuật  cắt bỏ một trung khu của não dính líu đến bệnh lý là phương pháp đã được khuyến khích. Tuy giảm được sự rối loạn về cử động của người bệnh nhưng mổ cắt bỏ lại hay gây biến chứng đến các chức năng khác. Kích thích điện não bộ là đặt vào vùng não 1 hay 2 điện cực cũng có hiệu quả cao khi ức chế căn bệnh này. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải đặt thêm máy xung phát điện và 1 điện máy toán cực nhỏ dưới da ngực để giúp não bộ hoạt động bình thường. Đây cũng là cách mà bà Thương đã được con trai mình đưa sang Singapore chữa trị, nhưng  hiện nay với kỹ thuật cao một số bệnh viện trong nước đã thực hiện rất thành công. Đầu năm 2013 tại TP.HCM lần đầu tiên, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thành công trong việc chữa trị bệnh nhân liệt rung bằng phương pháp kích thích điện não sâu. Kỹ thuật mới được sử dụng tại Việt Nam đã giúp một nữ bệnh nhân 63 tuổi ở quận Gò Vấp cải thiện được sự rối loạn trong vận động mà chi phí chỉ bằng 1/2 giá thành khi ra nước ngoài. Người nhà cũng đang khuyên ông Phan Quốc Kinh đến các bệnh viện và trung tâm chẩn đoán y khoa để được tư vấn, chữa trị bằng kỹ thuật hiện đại và hiệu quả này.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)