Xuất xưởng 300.000 USD tiền giả chỉ mất từ 4-5 ngày và bọn tội phạm có thể kiếm được 20.000 USD tiền thật từ 100.000 USD tiền giả sau khi đã trừ hết chi phí sản xuất
Kỹ thuật thủ công tỉ mỉ, lao động giá rẻ cùng sự thờ ơ của lực lượng thực thi pháp luật đã “giúp” Peru vượt qua Colombia trở thành quốc gia “sản xuất” đồng USD giả hàng đầu thế giới.
Thủ công nhưng tinh vi
Trong một chiến dịch trấn áp tiền giả ở ngoại ô thủ đô Lima – Peru năm ngoái, lực lượng cảnh sát vô cùng sốc khi chứng kiến kỹ thuật làm tiền giả của bọn tội phạm. Sau khi bị bắt cùng bao tiền giả gồm 700.000 USD và euro đang chuẩn bị đem đi tiêu thụ, một cậu bé 13 tuổi đã mô tả lại kỹ thuật làm tiền giả tinh vi, chẳng hạn như cách luồn sợi chỉ an ninh vào tờ 100 USD giả.
Tiền USD giả bị thu giữ tại Lima – Peru hồi năm ngoái Ảnh: AP
Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, đã có 103 triệu USD giả xuất xứ từ Peru bị tịch thu trong 10 năm qua. Phân nửa số tiền này bị thu giữ từ năm 2010. Kể từ năm ngoái đến nay, đã có 50 người Peru bị bắt về tội làm tiền giả.
Cậu bé 13 tuổi nói trên sa lưới pháp luật khi đang làm việc cho một trong những băng nhóm hàng đầu về buôn lậu tiền giả là “Los nique”. Trước đó 1 năm, tên cầm đầu băng nhóm này, Joel nique Quispe, bị kết án 12 năm tù. Nhưng nếu hắn cải tạo tốt thì có thể được tự do chỉ sau 4 năm bóc lịch. Riêng về cậu bé 13 tuổi, em không bị kết tội do vẫn còn vị thành niên.
Một nhóm buôn lậu tiền giả khét tiếng khác ở Peru được quản lý bởi ông trùm Wilfredo Cobo, người hiện đang ở tù. Hắn bị bắt giữ lần đầu vào năm 2008, 2 năm sau đó hắn được ra tù. “Ngựa quen đường cũ”, Cobo quay lại sau song sắt trại giam hồi năm ngoái. Đại tá Segundo Portocarrero, người đứng đầu bộ phận chống gian lận của lực lượng cảnh sát Peru, cho biết Cobo sử dụng đàn em ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp để chuyển đồng euro giả vào châu Âu.
Tiền giả hiện chủ yếu được làm bằng máy in tinh vi. Tuy nhiên, tại Peru, công việc này còn được nâng lên một tầm cao mới khi bọn tội phạm hoàn thiện tiền giả bằng phương pháp thủ công. Một nhân viên mật vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Peru đánh giá: “Tiền giả làm ra ở đây rất khó nhận biết. Sau khi in xong, chúng còn cho người hoàn thiện tiền giả bằng tay để nâng cao chất lượng”.
Lợi nhuận khủng
Đại tá Portocarrero cho biết tiền USD giả tại Peru chủ yếu được buôn lậu sang Mỹ và những nước láng giềng. Những tờ tiền mệnh giá 100 USD chủ yếu “chạy” sang Mỹ, nơi chúng dễ dàng len lỏi trong các cửa hàng bán lẻ do nhân viên ít chú ý hoặc có chú ý cũng không thể nhận ra đó là tiền giả. Trong khi đó, điểm đến của các tờ 10 – 20 USD giả là những nước láng giềng của Peru, như Argentina, Venezuela và Ecuador. Đây là các quốc gia có nhu cầu sử dụng đồng USD khá cao trên thị trường đen.
Kể từ khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy ở khu vực Mỹ Latin, các tổ chức tội phạm đã chuyển sang hoạt động in ấn tiền giả, được cho là mang lại lợi nhuận cao hơn. Các nhân viên điều tra cho biết những tên tội phạm có thể kiếm được 20.000 USD tiền thật từ 100.000 USD tiền giả sau khi đã trừ hết chi phí sản xuất. Xuất xưởng 300.000 USD tiền giả có thể mất từ 4-5 ngày. Bọn tội phạm cũng dùng lại những chiêu thức buôn lậu ma túy để chuyển tiền giả đi, như giấu tiền dưới vali, nhét vào những món đồ thủ công, sách, thực phẩm… Thậm chí có kẻ liều lĩnh còn nuốt vào bụng.
Theo NLĐ
Bình luận (0)