Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Petro Vietnam sẽ tái cấu trúc như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Đến 2015, sẽ thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc 5 lĩnh vực kinh doanh chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đưa ra quan điểm như vậy khi tiến hành tái cơ cấu.
Petro Vietnam tự đánh giá, năm 2011, tập đoàn là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.  Ảnh: TT.
Trong báo cáo chuyên đề tái cơ cấu mới đây của Petro Vietnam mà VnEconomy đang có, tập đoàn này khẳng định đã thực hiện tốt vai trò là đầu tầu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước, tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước để đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đất nước bị lạm phát/giảm phát từ 2007 đến nay.
Petro Vietnam tự đánh giá, năm 2011, tập đoàn là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Giảm thiểu cạnh tranh nội bộ
Nội dung được Petro Vietnam nhấn mạnh tại đề án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2012 – 2015 đã trình Thủ tướng là “xây dựng tập đoàn trở thành doanh nghiệp nhà nước tốt nhất, là trụ cột của kinh tế nhà nước, công cụ vật chất của nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tích cực tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển”.
Đề án cũng xác định tập đoàn sẽ đầu tư vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc – hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi.
Xây dựng lộ trình đến 2015, sẽ thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc 5 lĩnh vực này.
Nguyên tắc trong tái cấu trúc cũng được đưa ra là hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý của tập đoàn để tập trung các nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, thu gọn đầu mối quản lý, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ, cắt giảm chi phí trung gian và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, các tổng công ty phải đảm nhận một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn.
Các công ty con chuyên môn hóa vào từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp với chuỗi liên kết, ngành, nghề của công ty mẹ (hạn chế các công ty con cùng lĩnh vực). Không tổ chức doanh nghiệp cấp 3 theo hình thức công ty mẹ – công ty con.
Tập đoàn cũng xây dựng lộ trình để đến 2015, chỉ có Petro Vietnam mới có công ty liên kết, các tổng công ty chỉ có các khoản đầu tư tài chính linh hoạt để tối đa hóa lợi nhuận với một tỷ lệ cho phép tối thiểu và cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Sẽ xử lý các đơn vị thua lỗ
Có 4 quan điểm tiên quyết được Petro Vietnam nhấn mạnh sẽ thực thi trong quá trình tái cơ cấu.
Thứ nhất, không nóng vội, duy ý chí, không làm thử nghiệm khi chưa xác định rõ mục tiêu, điều kiện và chưa có quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao.
Hai là xác định rõ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và kiên trì theo đuổi đầu tư tập trung, trọng điểm, dứt điểm.
Quan điểm thứ ba, làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh, trước hết: lợi nhuận và hiệu quả đầu tư là chính yếu, đồng thời đóng góp tích cực công tác an sinh xã hội.
Và cuối cùng, yếu tố nhân sự là quyết định thành bại trong kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Ở 4 nhóm giải pháp, tập đoàn nêu rõ, sẽ mạnh dạn xử lý các đơn vị làm ăn thua lỗ, mục đích kinh doanh không phù hợp dưới các hình thức: bán khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể.
Xây dựng và có chiến lược đào tạo bồi dưỡng bài bản đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp theo chuẩn mực tiêu chí đã ban hành. Đồng thời đổi mới, tăng cường quản lý giám sát của tập đoàn, người đại diện của tập đoàn.
Nhằm đáp ứng các mục tiêu của quá trình tái cấu trúc, Petro Vietnam cũng đưa ra khá nhiều kiến nghị.
Như, cần có có những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ban hành hệ thống đánh giá hiệu quả quản lý hàng năm với người đại diện trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Hay, đẩy mạnh tập trung và tích tụ vốn, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư đan xen, tạo cơ cấu đa sở hữu nhằm phát huy thế mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng…
Theo Nguyên Thảo
vneconomy.v

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)